Trong nhiều năm, quốc đảo thiên đường Maldives vẫn tồn tại cùng một núi rác khổng lồ âm ỉ cháy, một đầm phá từng trong vắt với rạn san hô cho đến đầu những năm 1990.
‘Nỗi xấu hổ quốc gia’
Hòn đảo Thilafushi thường không phải là khung cảnh đầu tiên mọi người tưởng tượng khi nghĩ đến quốc đảo Maldives xinh đẹp. Nhưng nơi đây lại chính là di sản tượng trưng cho sự phát triển bùng nổ tại quốc đảo du lịch châu Á.
Núi rác tại Maldives đã không còn là một thảm họa có thể che giấu khỏi thế giới. Khi cuộc khủng hoảng nhựa toàn cầu trở nên tồi tệ hơn, áp lực lên một không gian hạn chế và cơ sở hạ tầng của đất nước đã khiến hình tình ngày càng trở nên ảm đạm.
Aminath Shauna, Bộ trưởng Bộ Môi trường, Biến đổi Khí hậu và Công nghệ Maldives nhấn mạnh: “Trong nhiều năm, Thilafushi đã trở thành nguồn gốc của nỗi xấu hổ quốc gia”.
Không một ai từng nghĩ Thilafushi sẽ trở thành một ‘núi rác’ mang theo nỗi xấu hổ của quốc đảo. Trở lại khoảng thời gian về trước, hòn đảo này từng là một đầm phá trong vắt với rặng san hô tuyệt đẹp, và mọi thứ chỉ bắt đầu vào đầu những năm 1990, khi chính phủ chỉ định nơi đây sẽ trở thành địa điểm chứa rác thải của đất nước.
“Tất cả chất thải chúng tôi sản xuất từ năm 1992: tất cả chất thải nhà bếp, tất cả chất thải nhựa, tất cả chất thải hóa học, tất cả chất thải từ việc xây dựng khu nghỉ dưỡng, tất cả mọi thứ đều được đổ vào đầm phá này. Bây giờ một bãi rác đã trở thành một hòn đảo, một hòn đảo được xây dựng từ rác thải”, Bộ trưởng nói.
Đồng thời nhấn mạnh: “Và từ nhiều năm nay, bãi rác này vẫn được ngang nhiên đốt cháy mỗi ngày. Bởi chúng tôi đã không quản lý tốt vấn đề rác thải trong suốt những năm qua”.
Tuy nhiên, kể từ tháng 9/2021, các đám cháy phần lớn đã được dập tắt. Đó là một trong những thay đổi gốc rễ nhất giữa một cuộc ‘đại chuyển đổi’ đang diễn ra tại hòn đảo Thilafushi.
“Lần đầu tiên khi tôi đến đây, hòn đảo này giống như địa ngục vậy”, Guenter Hacklaender, chuyên gia tư vấn cho Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), chịu trách nhiệm cung cấp kiến thức chuyên môn thực tế để hỗ trợ nhân viên địa phương xử lý việc đốt rác thải, cho biết.
Ngọn núi rác vẫn là một công trình xấu xí đang ngày một lớn. Nó sẽ không sớm biến mất, nhưng tác hại trước mắt do sự tồn tại của thảm họa này gây ra đã bị vô hiệu. Đây có thể coi là điểm quan sát cao nhất quốc đảo và vẫn không ngừng phát triển vì chất thải vẫn tiếp tục được đổ ở phía trên cùng trước khi bị nghiền nát.
Tuy nhiên, mọi thứ hiện đã đi vào trật tự khi chất thải cuối cùng được phân loại và đóng kiện trước khi đem đi thiêu hủy trong tương lai. Đến năm 2024, với sự hỗ trợ của một số nhà tài trợ đa phương, hòn đảo này được kỳ vọng sẽ trở thành nơi có hệ thống quản lý chất thải hiện đại, bao gồm cả chất thải cho cơ sở năng lượng, chuyển giao và xử lý rác thải hiện đại ở khu vực Greater Male, bao gồm 32 hòn đảo.
Hiện tại, có tới 1.200 tấn chất thải được chuyển đến hòn đảo Thilafushi mỗi ngày. Tuy tỷ lệ tái chế rất cao, nhưng những thay đổi không thể đến ‘một sớm một chiều’ đối với một đất nước ngập tràn nhựa.
“Ước tính thận trọng cho thấy Maldives sản xuất ít nhất 20.000 tấn nhựa hàng năm. Và chỉ khoảng 5% trong số đó được tái chế. Phần còn lại hoặc nằm lại trong các bãi chôn lấp, bị đốt cháy hoặc chìm dưới đáy đại dương”, Bộ trưởng Shauna nêu rõ.
Mang trở lại những điều hoàn mỹ
Trên toàn bộ gần 200 hòn đảo có con người sinh sống của quốc đảo Maldives, thách thức về rác thải nhựa được tạo ra luôn là một hằng số không thể đoán biết.
Trên hòn đảo nhỏ Gulhi, không có một hệ thống chính thức nào để xử lý rác thải. Thức ăn thừa được vứt xuống biển, kể cả từ các khách sạn và nhà nghỉ trên đảo. Nhựa và các vật liệu khác được chất thành đống ở bãi rác sát bờ biển, nơi chúng sẽ bị đốt cháy khi hướng gió thuận lợi và không thổi ngược về phía bãi biển du lịch.
Mohamed Raisan, Tổng thư ký Hội đồng đảo Gulhi cho biết: “Chúng tôi không có đủ nguồn lực hoặc đủ ngân sách để quản lý tình hình hoặc thậm chí xây dựng một địa điểm an toàn để đổ chất thải”.
Các hòn đảo tại Maldives đều trong tình trạng thiếu nước ngọt, một hiện thực ngày càng trầm trọng hơn do hệ quả từ biến đổi khí hậu. Chính điều này đã dẫn đến sự phụ thuộc chặt chẽ vào nước đóng chai, trực tiếp tạo ra cuộc khủng hoảng nhựa.
Kể từ năm 2015, Parley Maldives – một tổ chức môi trường tập trung vào bảo vệ đại dương và sự biến động của nền kinh tế nhựa, đã thuyết trình về bảo tồn môi trường biển cho khoảng 1/3 dân số quốc gia, đồng thời thu thập 1.700 tấn rác thải nhựa từ môi trường và xuất khẩu ra nước ngoài để tái sử dụng.
Theo Giám đốc tổ chức Parley Maldives, bà Shaahina Ali, nếu bị đốt cháy, lượng nhựa này sẽ thải ra 21 triệu kg carbon vào khí quyển. “Mọi thứ sẽ tồi tệ hơn nhiều so với trước đây bởi chúng ta đã có thêm rất nhiều rác thải nhựa, bao bì xốp và tất cả những thứ đi kèm với du lịch và phát triển. Người dân địa phương cũng phụ thuộc rất nhiều vào các mặt hàng nhập khẩu và mọi thứ đều có bao bì”.
Với chiến lược cơ sở hạ tầng đang được áp dụng, chính phủ Maldives cũng đang trong quá trình ban hành một số đạo luật về nhựa đầy tham vọng nhất trên thế giới.
Việc nhập khẩu nhiều loại nhựa sử dụng một lần phổ biến đã bị cấm, bên cạnh đó, một đạo luật được sửa đổi để cấm sản xuất loại nhựa này ở Maldives dự kiến sẽ có hiệu lực vào tháng 6/2022, cùng mục tiêu loại bỏ dần tất cả các loại nhựa sử dụng một lần cho đến năm 2030.
Các mục tiêu này sẽ được hỗ trợ bởi một chương trình gọi là Plastic Drawdown, một công cụ đánh giá nhanh do các chuyên gia quốc tế, bao gồm cả các nhà khoa học phát triển. Dự án sẽ giúp các bên liên quan tìm ra cách thức chất dẻo đang dần xâm nhập vào môi trường và những gì có thể ngăn chặn điều đó hiệu quả.
Arturo Castillo Castillo, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Chính sách Môi trường của Đại học Imperial, London, cho biết: “Quá trình ‘rút nhựa’ có thể hình dung xu hướng phát triển và phân tách vấn đề về loại rác thải này”.
Theo một nghiên cứu của Quỹ Ellen MacArthur, ô nhiễm nhựa trên các đại dương trên thế giới được dự đoán sẽ tăng gấp 4 lần vào năm 2040 nếu không có hành động quyết đoán từ các chính phủ.
Maldives không thể giải quyết vấn đề đó nhưng muốn trở thành một ví dụ, đặc biệt là cho các quốc đảo khác. “Chúng tôi đang dẫn trước trò chơi, nhưng đồng thời vẫn còn rất nhiều điều chúng tôi cần phải làm”, Bộ trưởng Shauna lo ngại.
Đồng thời nhấn mạnh: “Sự đóng góp của chúng tôi đối với ô nhiễm nhựa toàn cầu là không đáng kể. Nhưng chúng tôi vẫn sẽ có những mục tiêu tham vọng nhất. Và chúng tôi sẽ nỗ lực để chứng minh với phần còn lại của thế giới”.
Một cú xoay chuyển cục diện
Có một sự thừa nhận mạnh mẽ về vấn đề và những sai lầm trong quá khứ giữa những người ra quyết định. Tại hòn đảo Thilafushi, những năm tháng bị lãng quên đang được giải quyết một cách trực tiếp và cởi mở.
“Chất thải có thể giảm, phải giảm và phải được tái chế. Nhưng chúng ta cũng cần phải tìm cách giải quyết những rác thải hiện có bởi chúng không bao giờ biến mất. Đó là thứ do con người tạo ra, vì vậy chính con người nên chăm sóc cho chúng tốt hơn”, Imjad Jaleel, thuộc Dự án Cải thiện Môi trường và Quản lý Chất thải Greater Male, nhấn mạnh.
“Có một vấn đề trong việc duy trì và giữ vững hình ảnh của chúng ta trong 10 đến 20 năm tới nếu chúng ta không thực sự quan tâm đến vấn đề lãng phí này. Vẻ đẹp bao quanh Maldives chỉ có thể tồn tại nếu con người thực sự hành động có trách nhiệm. Sự xấu hổ này không còn có thể che giấu được nữa”.
Bên cạnh việc dập tắt các ngọn lửa âm ỉ và xua tan làn khói độc, phía trước Maldives vẫn còn vô số những thách thức lớn hơn. Đó chính là việc thay đổi tư duy của người dân về vấn đề quản lý rác thải, thay đổi quy trình quản lý hiện tại, xử lý rác thải đúng cách ở cấp hộ gia đình, cấp cộng đồng. Đó là một thay đổi quy mô lớn.
Các vùng nước xung quanh “Hòn đảo rác thải” hiện đang bắt đầu phục hồi sau khi cải tạo đất để tạo vùng đệm từ rác thải. Từ độ cao của bãi rác, đầm phá trông lung linh và xanh biếc, giống như những tấm bưu thiếp của thiên đường Maldives.
Đó là một sự thay đổi nhỏ, nhưng có lẽ là một điều không thể tưởng tượng được chỉ cách đây 5 năm, một biểu tượng cho sự thay đổi mà Maldives đang rất cần.