Ở thời điểm sau 10 năm Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) được triển khai, vấn đề gìn giữ cho được hồn cốt và những giá trị truyền thống, tốt đẹp của làng quê Việt Nam lại được đặt ra như một việc không thể không làm.
Vẻ đẹp làng quê.
Mới đây, tại buổi tiếp xúc cử tri thành phố Hải Phòng, trước ý kiến cử tri về việc xây dựng NTM nhưng phải giữ được “hồn quê”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, đây là ý kiến sâu sắc, đời sống vật chất được nâng lên nhưng cần giữ gìn truyền thống để xã hội phát triển hài hòa, bình an, giữ gìn tình làng nghĩa xóm, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau chứ không phải xã hội chạy theo đồng tiền. Thủ tướng lưu ý các cơ quan chức năng trong chỉ đạo điều hành cần coi trọng việc giữ gìn văn hóa ở địa phương, chứ không chỉ tập trung lĩnh vực kinh tế để cuộc sống người dân thực sự ấm no, hạnh phúc cả về vật chất và tinh thần.
Diện mạo, đời sống, văn hóa nông thôn Việt Nam ngày nay là kết quả tạo dựng, vun đắp, trao truyền từ ngàn đời nay. Đặc biệt, qua 10 năm được tập trung đầu tư bài bản theo các tiêu chí, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã mang lại sức sống mới cho nhiều làng quê Việt Nam. Dễ thấy nhất là hạ tầng phục vụ sản xuất, dân sinh ở nông thôn được đầu tư nhiều hơn, kiện toàn hơn, đồng bộ hơn; nhiều mô hình kinh tế mới xuất hiện giúp người dân nông thôn có thêm những lựa chọn về sinh kế, không còn chỉ luẩn quẩn với con lợn, cây lúa. Trên hết là đời sống vật chất của số đông người dân nông thôn đã được cải thiện, nhiều hộ nghèo đã thoát nghèo, hộ giàu có, khá giả thì càng giàu có, khá giả hơn. Cả dân sinh, dân trí và dân chủ đều được nâng cao, tăng cường...
Tuy nhiên, đi liền với những chuyển động này là không ít hệ lụy. Rõ nhất là không gian, cấu trúc, lối sống của nhiều làng quê bị tác động, thay đổi. Ở nhiều làng quê, ao hồ đã bị san lấp hết; nhiều diện tích ruộng vườn được sử dụng vào mục đích khác. Nhà ngói ba gian, vườn cây, ao cá được thay thế bằng nhà ống, bám mặt đường chẳng khác gì phố phường. Những lũy tre xanh- biểu tượng gắn kết cộng đồng của làng quê cũng bị bật gốc, ngày càng vắng bóng ở nhiều làng quê.
Đáng nói là, khi hồn cốt làng quê bị mai một, lai căng cũng là lúc sự gắn kết cộng đồng ở nhiều làng quê trở nên rệu rã. Nhiều nhà kín cổng cao tường nên tối đến, thay vì tham gia những sinh hoạt cộng đồng, mọi người thu mình quanh chiếc ti-vi, dán mắt vào chiếc điện thoại thông minh. Ít thôn xóm còn duy trì được các CLB văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao. Trong khi đó, những mâu thuẫn, xích mích… trong cộng đồng làng quê lại xuất hiện ngày một nhiều. Đôi khi anh em, xóm giềng từ nhau chỉ vì những mâu thuẫn, lợi ích vật chất nhỏ bé. Các loại tệ nạn xã hội không những không giảm mà còn gia tăng.
Hơn 10 năm trước, Nghị quyết quan trọng của Đảng về “tam nông”- nghị quyết “khai sinh” Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM- đặt ra mục tiêu tổng quát: “Xây dựng NTM có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hoá dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ; hệ thống chính trị ở nông thôn dưới sự lãnh đạo của Đảng được tăng cường”. Tuy nhiên, với những diễn biến không mong muốn trong đời sống nông thôn ngày nay cho thấy không ít địa phương dường như mới chỉ chăm lo cho “cái vỏ” NTM mà quên đi “cái ruột” là xây dựng, gìn giữ mối quan hệ đoàn kết, gắn bó cộng đồng; quên đi việc gìn giữ, vun đắp những giá trị được cho là hồn cốt của làng quê...
Nói chuyện gìn giữ hồn cốt làng quê trong lúc nhiều địa phương đang đau đầu lo đạt đủ 19 tiêu chí để được công nhận đạt chuẩn NTM; đau đầu vì những khoản nợ đọng... liệu có phải là chuyện “viển vông”? Điều này có lẽ phụ thuộc vào nhận thức của từng cá nhân, cộng đồng, địa phương. Chỉ biết rằng, với những người quan tâm, hiểu biết lịch sử, văn hóa làng quê Việt Nam, việc hồn cốt, nhiều giá trị văn hóa truyền thống, tốt đẹp của làng quê Việt Nam đang bị mai một, lai căng là một nỗi niềm.
Để giải quyết những vấn đề trên không thể chỉ từ một quyết định hành chính mà cần phải có một chủ trương tổng hòa, có định hướng đúng đắn, phù hợp. Trên hết cần sự chung tay gìn giữ của mọi thành phần xã hội, nhất là ý thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình, dòng họ, cộng đồng ở làng quê. Nói như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi tiếp xúc cử tri Hải Phòng mới đây là chúng ta đang xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN chứ không phải xây dựng xã hội thị trường. Vậy nên, không thể chỉ quan tâm đến nhiệm vụ phát triển kinh tế, mà cần phải coi trọng việc giữ gìn những giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp của làng quê, qua đó để xã hội nông thôn phát triển hài hòa, cuộc sống của người dân thực sự ấm no, hạnh phúc cả về vật chất và tinh thần...
Giá trị riêng của nông thôn là sự yên bình, là sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên, là tính gắn kết cộng đồng, là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa, nhân văn, hồn cốt của dân tộc. Không bảo vệ, lưu giữ được những giá trị này thì “hồn quê” sẽ dần phai nhạt, khôi phục lại sẽ vô cùng khó khăn.