Tại cuộc họp báo, nhiều câu hỏi của PV của các báo, đài Trung ương đóng trên địa bàn Hà Tĩnh xoáy sâu về việc vận hành hồ Kẻ Gỗ có phải là nguyên nhân gây ngập lụt nặng ở vùng hạ du hay không.
Sáng 24/10, UBND tỉnh, Sở TT&TT Hà Tĩnh tổ chức buổi họp báo để thông tin một số nội dung liên quan đến tình hình thiên tai, công tác ứng phó với mưa lũ diễn ra từ ngày 18 đến 21/10 và phương án ứng phó với bão số 8.
Tham dự có ông Nguyễn Anh Tú, Phó Vụ trưởng Vụ An toàn hồ đập (Bộ NN-PTNT), đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, Sở NN-PTNT tỉnh Hà Tĩnh và Công ty TNHH Thủy Lợi nam Hà Tĩnh – đơn vị vận hành, quản lý hồ Kẻ Gỗ. Cuộc còn có sự tham dự của đông đảo PV báo, đài Trung Ương, địa phương.
Tại cuộc họp, ông Trần Đức Bá, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh cho biết, đợt mưa từ ngày 18 – 21/10 là đợt mưa bất thường, chưa bao giờ xảy ra tại tỉnh Hà Tĩnh, lớn hơn rất nhiều lượng mưa của lũ năm 2007, 2010.
Riêng khu vực TP Hà Tĩnh lượng mưa thời điểm cao nhất là 1.364 mm, đây là lượng mưa cao kỷ lục. Mưa diễn ra trên địa bàn tỉnh suốt 47 tiếng đồng hồ không dứt phút nào. “Đây là hiện tượng thiên tai bất thường, chưa bao giờ xảy ra, lịch sử tỉnh Hà Tĩnh chưa hề có số liệu này” - ông Trần Đức Bá nói.
Cuộc họp nhận được rất nhiều câu hỏi của PV các báo, đài Trung ương đóng trên địa bàn xung quanhcông tác vận hành hồ Kẻ Gỗ; tại sao không xả lũ hồ Kẻ Gỗ trước khi mưa lớn xảy ra mà để đến khi mưa mới xả; nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn đến vùng hạ lưu hồ Kẻ Gỗ ngập lụt lịch sử…
Trả lời những câu hỏi này, ông Nguyễn Bá Đức – Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Tĩnh cho biết: Hồ chứa nước Kẻ Gỗ dung có tích là 345 triệu m3, cao trình 32,5 m.
Vào 7h sáng 15/10, cao trình mực nước trong hồ 25,8m. Đến 6h ngày 18/10 lên 29,13m. Lưu lượng nước đến hồ lúc 4h sáng 19/10, đỉnh lũ đạt 2.500m3/s, cao hơn đỉnh lũ 2010 rất nhiều.
“Có 3 nguyên nhân chính dẫn đến hạ du hồ Kẻ Gỗ ngập sâu và nhanh đó là do lượng mưa lớn, liên tục trong thời gian dài ở cả thượng lưu và hạ lưu hồ Kẻ Gỗ. Thứ 2 là huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà đều phụ thuộc vào thủy triều, khi mưa đổ xuống, nước mưa dịch ra biển, việc thoát nước ra khó, chậm. Ngoài ra, việc phát triển kinh tế hạ tầng cũng dẫn đến thoát lũ chậm.
“Hồ Kẻ Gỗ phát huy hiệu quả trong việc cắt lũ vì đã ngăn được 200 triệu m3, nếu không có hồ cắt lũ thì hạ du sẽ còn ngập sâu hơn nữa”, ông Nguyễn Bá Đức nói.
Trước thắc mắc của PV về việc báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT-TKCN Hà Tĩnh không đồng nhất về số giờ đồng hồ xả lũ hồ Kẻ Gỗ ở mức kỷ lục là 1.050 m3/2, có nơi báo cáo chỉ 1 tiếng đồng hồ (từ 9h-10h ngày 19/10), nơi thì sau hơn 22 tiếng đồng hồ mới giảm mức xả.
Ông Trần Đức Thịnh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Tĩnh cho hay: “Tất cả các văn bản, thông tin về lưu lượng xả lũ chúng tôi đã đăng tải trên trang fanpage và trang web của Ban chỉ huy PCTT-TKCN Hà Tĩnh. Tuy nhiên, chúng tôi không thể cấp nhật được liên tục. Số liệu chi tiết chỉ có trong nhật ký điều tiết xả lũ hồ Kẻ Gỗ”, ông Thịnh nói.
Ông Nguyễn Văn Tâm, Phó giám đốc phụ trách Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh cũng phân trần: Vào 10h ngày 18/10, lượng mưa bắt đầu lớn, bắt đầu phát lệnh xả lũ. Quá trình xả lũ, lưu lương vào 13h ngày 18/10 là 30 m3/s, sau đó tăng dần lên. Tuy nhiên, vào 6h ngày 19/10, lượng nước lên quá nhanh, nguy cơ vỡ đập, hồ Kẻ Gỗ bắt đầu tăng lưu lượng xả lên 1.050 m3/s từ 9h cùng ngày, một tiếng đồng hồ sau thì giảm xuống còn 960 m3/s.
“Chúng tôi chia sẻ với những thiệt hại của bà con nhân dân trong cơn lũ vừa qua. Tuy nhiên, do lượng mưa lớn, vượt dung tích hồ chứa. Còn quá trình vận hành, xả lũ chúng tôi đã xả lũ đúng quy trình”, ông Tâm khẳng định.
Trước câu hỏi đặt ra là tại sao không xả lũ trước khi mưa lớn đổ xuống mà phải chờ đến lúc mưa nhiều, hạ du ngập rồi mới xả, đại diện đơn vị vận hành hồ Kẻ Gỗ cho biết: Ngưỡng xả tràn của hồ Kẻ Gỗ là 26,5 m; đến 6h ngày 17/10, mực nước ở hồ mới đạt 26,62 m, lúc này chưa thể xả tràn. Đến 13h ngày 18/10, mực nước đến 30,7 m, lúc này mới bắt đầu xả với lưu lượng 30 m3/s.
“Hồ Kẻ Gỗ không có xả đáy, chỉ có xả tràn nên nước phải vượt ngưỡng xả tràn mới có thể xả lũ được”, ông Nguyễn Văn Tâm cho biết.
PV cũng lo ngại, liệu ngập lụt có lặp lại khi bão số 8 và số 9 đang dồn tới?. Ông Nguyễn Văn Tâm khẳng định, theo dự báo, ảnh hưởng của bão số 8, lượng mưa ở Hà Tĩnh khoảng từ 50-150 mm, với lượng mưa này, hồ Kẻ Gỗ không phải xả lũ. Còn bão số 9, đơn vị sẽ cập nhật, nếu lượng mưa quá lớn thì không thể kiểm soát được, nếu dao động từ 300-400 mm vẫn trong tầm kiểm soát của hồ Kẻ Gỗ.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Anh Tú, Phó vụ trưởng vụ an toàn hồ đập (bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn), trong điều kiện khó khăn nhưng hồ Kẻ Gỗ vẫn cắt được 200 triệu m3, điều này được đánh giá rất cao.
Phóng viên Hạnh Nguyên, báo Đại Đoàn Kết: “Công tác sơ tán dân của tỉnh có chậm và bị động hay không khi đêm 18/10 nước đã ngập nhà dân, dân phải chạy lũ trong đêm nhưng đến 8h sáng 19/10 UBND tỉnh mới phát lệnh sơ tán? Đến ngày 20/10 vẫn còn rất nhiều người dân kêu cứu lên mạng xã hội?”.
Trả lời câu hỏi này không phải đại diện UBND tỉnh Hà Tĩnh mà chủ trì cuộc họp giao cho ông Nguyễn Văn Sáu, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà trả lời.
Theo ông Sáu, địa phương đã chủ động thực hiện phương án sơ tán dân, phương châm là ưu tiên vùng ngập lụt nặng và đối tượng yếu thế trước. Tuy nhiên, ông Sáu cũng thừa nhận, công tác sơ tán gặp nhiều lúng túng và hạn chế do thiếu lực lượng, phương tiện.
Được biết, mưa lũ tại Hà Tĩnh từ 18 – 20/10 khiến 6 người chết, thời điểm cao nhất (20/10) toàn tỉnh có 118 xã, phường, thị trấn với hơn 42.000 hộ/151.000 người dân của 11 huyện, thành phố bị ngập lụt. Toàn tỉnh đã tổ chức sơ tán được 18.771 hộ/59.268 người. Tài sản của Nhân dân các xã bị ngập sâu, nhà cửa, đồ dùng gia đình, vật dụng, lương thực, gia súc, gia cầm thiệt hại rất lớn.