Tuần qua, thương vụ hợp tác bất thành giữa Công ty cổ phần Ba Huân (Ba Huân) và tập đoàn Vinacapital đã làm nóng dư luận. Bà chủ của Ba Huân đã gửi văn bản “kêu cứu” đến Thủ tướng Chính phủ, mong được các cơ quan xem xét, hỗ trợ trong việc chấm dứt hợp tác với quỹ đầu tư tài chính Vinacapital.
Phía Ba Huân cho rằng việc chi trả lãi và các điều kiện ràng buộc mà Vinacapital đưa ra hơi quá. Sau đó, Vinacapital nói rằng các điều khoản đã ký kết với Ba Huân tương đồng với các thương vụ hợp tác trước đây của doanh nghiệp (DN) cũng như tuân thủ pháp luật Việt Nam, và sẽ dừng khoản đầu tư 32 triệu USD tại Ba Huân. Thực hư mối lương duyên này như thế nào, nhiều câu hỏi về thói quen cầu cứu của DN nội cũng như hành lang pháp lý liên quan đến hợp tác đầu tư được đặt ra. Luật sư Hà Huy Phong - Giám đốc Công ty Luật TNHH Inteco đã có cuộc trao đổi với báo chí.
LS Hà Huy Phong.
PV:Theo thông tin từ phía Công ty Ba Huân đưa ra, bản thỏa thuận hợp tác quy định sử dụng hai ngôn ngữ Anh - Việt, nhưng đến nay hai bên mới chỉ ký thỏa thuận bằng bảng tiếng Anh, DN muốn hủy vì không thể đáp ứng được các điều khoản sau khi đọc kỹ bản tiếng Việt. Thưa ông, liệu có khả năng nào Ba Huân đã bị Vinacapital cài bẫy trong việc này hay không?
Luật sư Hà Huy Phong: Cá nhân tôi không nhận thấy Vinacapital đã cài bẫy Ba Huân trong vụ việc này. Khi việc hợp tác mới bắt đầu thì đã xuất hiện tình trạng “cơm không lành canh không ngọt”. Tôi nghĩ đó là do hai bên có sự khác nhau trong cách tiếp cận và hiểu vấn đề. Vinacapital là một công ty quản lý quỹ và tiền mà họ đầu tư vào Ba Huân từ các cổ đông khác nên chịu sức ép từ chính các cổ đông của mình. Hoạt động đầu tư tài chính của một quỹ đầu tư khác rất nhiều so với hoạt động góp vốn mua cổ phần của một cổ đông thông thường.
Tiền vốn đầu tư từ một quỹ đầu tư tài chính thường sẽ đi đôi với nhiều điều kiện, trong đó có các điều kiện liên quan đến sử dụng vốn, quản trị nội bộ DN và các chỉ tiêu về doanh thu, chỉ tiêu lợi nhuận hoặc chỉ tiêu về tăng trưởng thị phần, thị trường. Để đảm bảo DN nhận vốn thực hiện đúng các nghĩa vụ đã cam kết với bên tài trợ vốn, quỹ đầu tư thường yêu cầu các cổ đông lớn của DN nhận vốn đứng ra làm người bảo lãnh và sử dụng chính cổ phần làm tài sản bảo đảm cho nghĩa vụ bảo lãnh đó. Lợi nhuận mà qũy đầu tư kỳ vọng có thể là lợi nhuận từ chính hoạt động của DN, nhưng thường thì họ kỳ vọng hơn vào việc bán lại danh mục đầu tư của mình cho nhà đầu tư khác. Kỳ hạn cho mỗi danh mục đầu tư như vậy thường chỉ kéo dài từ 3 - 5 năm hoặc dài hơn theo tính toán riêng của quỹ.
Ở đây dường như Ba Huân đã nghĩ rằng, Vinacapital sẽ đầu tư và giữ vai trò trong DN của mình như một cổ đông thông thường. Nếu xuất phát điểm của Ba Huân là như vậy sẽ không chính xác về mặt định hướng. Với những thông tin loan tải trên báo thì tôi nhận thấy là Vinacapital đang làm việc theo đúng cách của họ, cho dù có áp đặt với Ba Huân thì những điều kiện mà họ đặt ra đã được hai bên thống nhất bằng văn kiện hợp đồng. Có thể coi đó là một sự áp đặt của kẻ mạnh hơn là sự cài bẫy.
Có khi nào nội dung hợp đồng bằng bản tiếng Anh khác nội dung với bản hợp đồng bằng tiếng Việt. Như vậy hợp đồng sẽ bị coi là vô hiệu không, thưa ông?
- Bộ luật Dân sự và các văn bản pháp luật khác của Việt Nam không có yêu cầu hợp đồng như trong giao dịch giữa Ba Huân và Vinacapital phải bằng Tiếng Việt. Vinacapital là một công ty quản lý quỹ và nguồn vốn chủ yếu đến từ nước ngoài. Thông thường họ lựa chọn ngôn ngữ sử dụng trong các văn kiện là tiếng Anh để phù hợp với hoạt động kinh doanh quốc tế của họ và yêu cầu đối tác cũng sử dụng tiếng Anh. Tôi cho rằng, hợp đồng giữa Vinacapital và Ba Huân cũng sẽ sử dụng tiếng Anh hoặc song ngữ. Nếu sử dụng song ngữ, khả năng tiếng Anh sẽ là ngôn ngữ được ưu tiên áp dụng khi giải thích và áp dụng hợp đồng. Ba Huân có thể sử dụng bản tiếng Việt để nghiên cứu nội bộ nhưng quan hệ giữa hai bên cần sử dụng bản tiếng Anh. Ngôn ngữ hợp đồng là một trong số những nội dung theo thỏa thuận giữa hai bên và pháp luật không cấm những thỏa thuận như vậy.
Trong những hợp đồng đầu tư lớn, những quy định và điều khoản về ngôn ngữ áp dụng khi có sự mâu thuẫn hoặc sai khác giữa các ngôn ngữ chắc chắn đã được đưa vào và quy định chặt chẽ. Do đó, việc các bên lựa chọn ngôn ngữ hợp đồng tiếng Anh là không trái với pháp luật Việt Nam. Do đó, xét riêng về yếu tố ngôn ngữ thì không tồn tại yếu tố vô hiệu trong trường hợp này.
Theo như các thông tin được đưa ra, có vẻ như Ba Huân hiểu lầm và bị hớ trong bản ký kết bằng tiếng Anh, trong khi đây là DN lớn trong lĩnh vực thu mua và cung cấp trứng sạch...
- Hớ thật hay không thì chỉ những người trong cuộc mới hiểu hết. Chúng ta đang đứng bên ngoài để đánh giá sự việc nên khó có thể chính xác hết. Bản hợp đồng này có giá trị hơn 30 triệu USD và chắc chắn hai bên phải có sự bàn thảo rất kỹ trước khi ký kết. Tôi cho rằng, viện dẫn tới các vấn đề kỹ thuật của Hợp đồng, như ngôn ngữ của văn bản chỉ là cái lý do che giấu đằng sau sự việc khác.
Như tôi nói ở trên, có thể nguyên nhân thực sự là cách hiểu vấn đề, cách tiếp cận vấn đề và văn hóa quản trị quá lệch nhau nên phải quyết định chia tay.
Theo ông, nhìn từ cuộc hợp tác bất thành này, DN Việt Nam nên rút kinh nghiệm gì?
- Việc nhận vốn tài trợ từ các quỹ đầu tư tài chính là một cơ hội rất lớn cho DN nhận tài trợ, song cũng kèm thử thách rất lớn cho chính DN và các nhà quản trị DN đó. Bất kỳ quỹ đầu tư nào cũng có thể coi là cá mập, khi họ luôn đưa ra các điều kiện không dễ chấp nhận và nếu chấp nhận cũng không dễ dàng thực hiện. Các điều kiện như vậy, đặt ra không chỉ với việc sử dụng tiền của quỹ, mà còn là các vấn đề về quản trị nội bộ của DN, về phương hướng kinh doanh, về các chỉ tiêu kinh doanh cụ thể. Do đó, nếu DN và chủ DN nào không sẵn sàng thay đổi, không sẵn sàng cho việc phải đứng trước hội đồng quản trị và đại hội đồng cổ đông để bảo vệ cách điều hành của mình thì không nên nghĩ tới việc hợp tác với các quỹ đầu tư tài chính. Bất kỳ quỹ đầu tư tài chính nào cũng sẽ yêu cầu được cử người của mình tham gia vào Hội đồng quản trị để tham gia quản lý và giám sát quá trình điều hành doanh nghiệp. DN nhận vốn đầu tư, bên cạnh nhận được một số vốn lớn, sẽ nhận được những kỹ năng về điều hành và quản trị doanh nghiệp do chính Quỹ đầu tư buộc áp dụng. Tuy nhiên, lợi thế này chỉ áp dụng đối với ông chủ DN nào sẵn sàng thay đổi và sẵn sàng chấp nhận cuộc chơi mà trong đó, mọi hoạt động quản trị phải được minh bạch, quyết định đưa ra dựa trên sự tính toán cụ thể chứ không phải cảm tính.
Do quỹ đầu tư thường bị coi là cá mập nên DN nhận vốn cần tìm cách làm cho bản thân mình mạnh hơn, vững chắc hơn, hơn là nghĩ tới chuyện làm sao cho “cá mập” trở nên yếu đi. Và nếu xét thấy chưa đủ điều kiện, thì nên cân nhắc lại việc đón nhận vốn từ quỹ đầu tư tài chính.
Sự vội vàng là nguyên nhân của nhiều thất bại. Hợp tác với các quỹ đầu tư, không chỉ là việc nhận tiền mà kéo theo là rất nhiều vấn đề khác, như tái cấu trúc lại các danh mục hoạt động của DN, cơ cấu lại bộ máy tổ chức và áp dụng những thông lệ quản trị tiên tiến do quỹ đầu tư đề xuất. Do đó, DN nhận vốn tài trợ từ quỹ nên có sự tham vấn từ đội ngũ luật sư giàu kinh nghiệm, có hiểu biết về lĩnh vực quản trị doanh nghiệp và đầu tư tài chính, cũng như là nên có sự tham vấn từ đội ngũ chuyên gia về tài chính. Giao dịch không chỉ tồn tại ở văn kiện hợp đồng mà nó còn kéo dài rất lâu về sau, nên việc duy trì một đội ngũ luật sư tư vấn sẽ giúp chủ DN không bị đi chệch hướng hoặc làm trái với cam kết đã ký.
Câu hỏi cuối: Liệu Chính phủ có nên can thiệp vào việc này hay không?
- Ba Huân và Vinacapital là hai DN thuộc khối tư nhân, không có vốn nhà nước. Quan trọng hơn, giao dịch giữa Ba Huân và Vinacapital là giao dịch dân sự, các bên được tự do thỏa thuận và tự chịu trách nhiệm về cam kết của mình theo thỏa thuận. Tôi cho rằng, không nên viện dẫn tới Chính phủ để áp dụng các biện pháp hành chính vào một quan hệ dân sự như vậy.
Còn bình luận như thế nào về tỷ suất hoàn vốn 22% mà Vinacapital đưa ra? Theo kinh nghiệm của tôi, thì con số 22% này là một trong số các chỉ tiêu kinh doanh mà quỹ đầu tư đặt ra cho Ban giám đốc DN Ba Huân, chứ không phải là một khoản tiền cố định mà Ba Huân phải chi trả định kỳ cho Vincapital dựa trên số tiền vốn đã nhận. Với tư cách là một nhà đầu tư và là một cổ đông, thì Vinacapital sẽ được hưởng cổ tức của doanh nghiệp theo cách lời ăn lỗ chịu phát sinh từ hoạt động của doanh nghiệp. Tuy nhiên, do là một quỹ đầu tư tài chính, Vinacapital sẽ không thể tham gia vào doanh nghiệp như một cổ đông thông thường, mà họ phải đặt ra các chỉ tiêu tăng trưởng, chỉ tiêu doanh thu hoặc chỉ tiêu lợi nhuận cụ thể mà DN nhận vốn phải đạt được. Trong trường hợp DN nhận vốn không đạt được thì sẽ chịu bị xử lý theo một số chế tài nào đó đã quy định trong hợp đồng. Tỷ suất hoàn vốn là một khái niệm tương đối phức tạp và cần nhiều hiểu biết về tài chính để giải thích, làm rõ. Tuy nhiên, chúng ta tuyệt nhiên không nên bị nhầm lẫn và coi đây là một khoản tiền cố định mà Ba Huân phải trả cho Vinacapital theo định kỳ. Nếu cho rằng, đây là khoản tiền cố định phải trả, thì khoản tiền đầu tư từ Quỹ sẽ dễ bị giải thích là một khoản cho vay lãi cao hơn là một khoản tiền đầu tư, và như vậy, không phản ánh đúng bản chất của giao dịch mà chúng ta đang nói đến.
Trân trọng cảm ơn ông!