Hợp tác xã kiểu mới là đòi hỏi tất yếu

Dạ Yến - Văn Nhất Ảnh: Hoàng Anh 06/10/2016 20:42

Trước những trăn trở của đội ngũ lãnh đạo và bà con nhân dân thị trấn Ma Lâm, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận trong việc tìm đầu ra cho quả thanh long, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định một đòi hỏi tất yếu hiện nay với không chỉ Ma Lâm là phải thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh. Hợp tác xã kiểu mới chính là giải pháp tối ưu cho bài toán “được mùa mất giá”.

Hợp tác xã kiểu mới là đòi hỏi tất yếu

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại buổi tiếp xúc nhân dân.

Tối ngày 6/10, trong không khí thẳng thắn, chân tình, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã có buổi tiếp xúc với các tầng lớp nhân dân thị trấn Ma Lâm, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận.

Đây là một trong những nội dung quan trọng của Đoàn công tác UBTƯ MTTQ Việt Nam nhằm lắng nghe các tầng lớp nhân dân tại tỉnh Bình Thuận do Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân dẫn đầu.

Cùng đi với đoàn có Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Mạnh Hùng; Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Bùi Thị Thanh; Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh; Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương Hà Ngọc Anh; Phó Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ Trần Tấn Hùng và đại diện Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Bộ Văn hoá thể thao và du lịch cùng các vị trong Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam.

Hợp tác xã kiểu mới là đòi hỏi tất yếu - 1

Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh tại buổi tiếp xúc nhân dân.

Ngay từ chập tối 6/10, người dân thị trấn Ma Lâm đã đến chật kín hội trường UBND thị trấn.

Ngoài trời mưa rất to do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới nhưng không làm vơi đi những tình cảm, sẻ chia thẳng thắn, chân tình giữa các thành viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam với các tầng lớp nhân dân thị trấn Ma Lâm.

Ông Thông Điệu, một trí thức tiêu biểu trong cộng đồng người Chăm tại thị trấn Ma Lâm bày tỏ niềm xúc động khi được gặp gỡ và trao đổi với Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cũng như các thành viên trong đoàn công tác của Mặt trận Trung ương ngay tại quê hương mình. Niềm vui được nhân đôi khi ngày lễ Ka tê- một lễ hội truyền thống của đồng bào Chăm đang đến rất gần.

Ma Lâm là thị trấn huyện lỵ của huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận. Thị trấn được thành lập vào năm 1999 trên cơ sở toàn bộ diện tích, dân số của xã Ma Lâm cũ.

Cư dân chủ yếu là người Kinh và người Chăm. Trong đó, người Kinh thường sống ở khu phố 1 và 2 còn người Chăm sống tập trung ở khu phố 3.

Hợp tác xã kiểu mới là đòi hỏi tất yếu - 2

Trăn trở với thanh long

Trong không khí ấm áp thân tình, người dân thị trấn Ma Lâm đánh giá cao việc gắn kết chính quyền, đoàn thể với nhân dân nhưng cũng có rất nhiều trăn trở.

Đặc biệt là câu chuyện sản xuất nông nghiệp dù có cơ giới hóa, hiện đại nhưng chưa đồng bộ. Năng suất vì thế chưa cao.

Một trong những cây nông nghiệp chủ đạo ở Ma Lâm là thanh long.

Ông Thông Khói, người dân tộc Chăm, chia sẻ câu chuyện trồng thanh long của mình. Theo ông Khói, hiện nay việc sản xuất thanh long gặp khó khăn do chất lượng đất màu.

Do không có hồ, nước nên ngay cả sản xuất lúa cũng bấp bênh. Tuy vậy, do biết áp dụng khoa học kỹ thuật nên mỗi hecta gia đình ông cũng có thể thu hoạch được 7 tấn/ một vụ.

Đồng cảm với những trăn trở của ông Thông Khói, Mục sư Nguyễn Đức Thắng cho biết, cây thanh long ở Ma Lâm và Hàm Thuận Bắc được trồng rất nhiều nhưng lại không được giá. Thanh long mất giá người dân phải phá để làm ruộng.

Tuy nhiên, theo Mục sư Nguyễn Đức Thắng: “Ngay cả phá cây thanh long cũng không có kinh phí. Quay lại làm ruộng cũng không hề đơn giản. Trong khi đó, nhiều khi chính quyền không cho phá nhưng dân cũng cứ làm”.

Hợp tác xã kiểu mới là đòi hỏi tất yếu - 3

Quang cảnh buổi tiếp xúc.

Điều mà Mục sư Nguyễn Đức Thắng chia sẻ cũng chính là nỗi đau của người nông dân Hàm Thuận Bắc khi phải phá đi hàng chục nghìn trụ thanh long. Trong bối cảnh đó, nhiều người vẫn làm và bán được bao nhiêu thì bán.

“Ma Lâm là thị trấn miền núi nhưng giá cả lại cao hơn thị trấn Phú Lâm, Thuận Hòa (xã miền núi). Tôi không hiểu vì sao giá ở Ma Lâm lại cao như vậy?” - Mục sư Nguyễn Đức Thắng trăn trở.

Chưa kể, dù đã nỗ lực rất nhiều nhưng tình hình trộm cắp thanh long liên tiếp xảy ra. Nhiều gia đình về ăn cơm xong ra thì thanh long mất. Đây là một vấn nạn nhức nhối trong cộng đồng.

Trăn trở với câu chuyện này, ông Phạm Văn Tĩnh cho rằng, thanh long chiếm diện tích nhiều hơn lúa ở Ma Lâm. Trước đây cây thanh long là cây có thể xóa đói, giảm nghèo nhưng hiện nay dù người nông dân Ma Lâm phải một nắng hai sương với thanh long nhưng không quyết định được giá, phụ thuộc vào tư thương.

Từ đó, ông Tĩnh kiến nghị, trung ương và địa phương cần quan tâm đến đầu ra cho cây thanh long. Chính quyền địa phương nên có hướng đi đúng cho thanh long để dân thoát nghèo.

Không chấp nhận tiếp tay cho doanh nghiệp trái phép

Chia sẻ với những trăn trở của các tầng lớp nhân dân thị trấn Ma Lâm, ngay tại cuộc tiếp xúc của Đoàn Chủ tịch, Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Mạnh Hùng đã trao đổi cụ thể với từng vấn đề mà bà con nêu.

Bí thư Nguyễn Mạnh Hùng thừa nhận trước kia thanh long rõ ràng là cây trồng góp phần xóa đói giảm nghèo, giúp cho nhiều hộ khá giả. Nếu làm tốt, có thể giàu. Thời gian gần đây, thanh long có nhiều vấn đề đặt ra.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, đó là một câu chuyện dài từ cách trồng, chăm sóc cho đến bảo quản trái thanh long.

“Nếu chúng ta không khắc phục được bệnh đốm nâu ở trái thanh long thì sẽ có hậu quả lớn”, Bí thư Nguyễn Mạnh Hùng lo lắng.

Toàn tỉnh Bình Thuận hiện có khoảng 27.000 hecta thanh long với sản lượng xấp xỉ 500.000 tấn, thanh long đã đi vào 14 nước và vùng lãnh thổ nhưng có tới 70% thanh long tiêu thụ ở Trung Quốc, trong số đó có tới 70% theo đường tiểu ngạch. Vì nhiều lý do khác nhau, thanh long chưa xuất khẩu được theo đường chính ngạch.

Trong bối cảnh người nông dân trồng thanh long không quyết định được giá thì hiện tượng ép giá từ một số doanh nhân trong đó có người nước ngoài, kinh doanh trái phép, trốn thuế thì chính quyền đã vào cuộc.

“Những doanh nhân nước ngoài núp bóng, kinh doanh trái phép, trốn thuế sẽ không làm gì được nếu không có sự tiếp tay của người dân chúng ta. Chúng ta không chấp nhận được những chuyện đó, nhất là người dân vì lợi ích trước mắt mà tiếp tay cho người nước ngoài núp bóng, trốn thuế”, Bí thư Tỉnh uỷ Bình Thuận khẳng định.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng cũng chia sẻ với bà con thị trấn Ma Lâm về sự cố gắng duy trì sản lượng thanh long. Để làm được điều này, bằng nhiều cách khác nhau, Chính phủ đã quan hệ tốt với nhiều nước.

“Trung ương giúp Bình Thuận làm được nhiều việc, nếu thanh long đảm bảo được giá trị thương phẩm, thì thanh long sẽ xuất khẩu được sang nhiều nước. Vấn đề là phải tuân thủ tiêu chuẩn của các nước đó”, ông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Thay đổi phương thức sản xuất

Trước những trăn trở của đội ngũ lãnh đạo và bà con nhân dân địa phương, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định một đòi hỏi tất yếu hiện nay với không chỉ Ma Lâm là phải thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh.

Hộ nông dân không thể đàm phán sòng phẳng với tư thương, doanh nghiệp. HTX là mô hình tốt, có tư cách pháp nhân. Nếu Ma Lâm có 500 hộ trồng thanh long, và muốn xuất khẩu theo đường chính ngạch thì phải có thương hiệu. Nếu không có thương hiệu, không làm gì được.

“100 hộ trồng thanh long cạnh nhau, nếu không có hướng dẫn cụ thể thì không thể giám sát nhau về quy trình trồng thanh long. Chỉ có vào HTX mới có thể làm được điều này, để quản lý lẫn nhau theo cùng một tiêu chuẩn chất lượng”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.

Bởi vì thực tế đã chứng minh hộ nông dân có thể sản xuất giỏi nhưng không thể đơn lẻ buôn bán giỏi.

HTX kiểu mới chính là giải pháp gỡ khó cho người nông dân. Làm HTX kiểu mới chính là giúp cho đời sống nâng cao. Hiện Chính phủ đang có nhiều khuyến khích, hỗ trợ cho các mô hình HTX kiểu mới.

Đặt ra vấn đề HTX kiểu mới, Người đứng đầu Mặt trận mong mỏi với quyết tâm và nỗ lực của cả hệ thống chính trị, Bình Thuận nên liên kết với các địa phương lân cận để xuất khẩu thanh long, thành lập mô hình HTX, mô hình liên kết, chứ không nên cạnh tranh hạ giá nhau.

Không học những ngành mà nhà nước “hết biên chế”

Bên cạnh cây thanh long thì một trong những trăn trở của nhiều người dân nơi đây là tình trạng học sinh tốt nghiệp không có việc làm.

Bà Trần Thị Kim Loan nêu một thực tế: Nhà nước cho sinh viên vay tiền học, nhưng khi học xong thì không có việc làm nên không có tiền trả.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hùng cũng chia sẻ ngay vấn đề này.

“Xu hướng tới đây ở các cơ quan nhà nước là ngày càng tinh gọn biên chế. Đó là khó khăn chung. Trong khi đó những ngành nghề dù có lợi thế của tỉnh nhưng việc áp dụng kiến thức của con em mình vẫn còn nhiều vấn đề phải bàn” ông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ.

Hiện nay, trong vấn đề việc làm, bất cứ một nước nào cũng đang đối mặt với tình trạng học xong không có việc làm.

Theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, vấn đề nằm ở định hướng nghề nghiệp, chứ không phải cứ học xong không có việc làm thì lại “kêu” nhà nước giải quyết.

“Cần phải học nghề theo nhu cầu xã hội. Để giải quyết việc này, có trách nhiệm của Trung ương nhưng tỉnh phải có trách nhiệm dự báo, công bố nhu cầu việc làm, nhu cầu nhân lực của tỉnh để định hướng cho nguồn nhân lực”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.

Đối mặt với vấn đề “hết biên chế” người đứng đầu Mặt trận cũng thẳng thắn bày tỏ, “Cần định hướng học sinh không đi học những ngành mà nhà nước không thể thu nhận được nữa. Nếu ngành nghề mình học không có việc làm thì phải đổi nghề và sẵn sàng học thêm để tiếp tục tìm việc làm”.

Hợp tác xã kiểu mới là đòi hỏi tất yếu - 4

Hợp tác xã kiểu mới là đòi hỏi tất yếu - 5

Hợp tác xã kiểu mới là đòi hỏi tất yếu - 6

Hợp tác xã kiểu mới là đòi hỏi tất yếu - 7

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hợp tác xã kiểu mới là đòi hỏi tất yếu