Lịch sử khoa bảng thời phong kiến ở Việt Nam ghi nhận rất nhiều giai thoại hay. Câu chuyện Hứa Tam Tỉnh đỗ bảng nhãn đời vua Lê Uy Mục được dân gian suy tôn là trạng nguyên, trong khi trạng nguyên thật lại bị coi là “mạo”. Lý do Hứa Tam Tỉnh bị xếp “nhì bảng” do… giỏi Hán văn và xấu trai.
Trường thi thời Lê. Minh họa: I.T.
Dấu xưa phảng phất
Tương truyền Hứa Tam Tỉnh sinh năm 1481 (có người nói sinh năm 1476), và năm mất chưa rõ. Ông người làng Như Nguyệt, tên nôm là làng Ngọt, nay thuộc xã Tam Giang, huyện Yên Phong tỉnh Bắc Ninh.
Ngày nay, ở làng Ngọt dòng họ Hứa còn lác đác vài hộ dân. Và hiện tại, ông Hứa Văn Trắc người được coi là di duệ xa đời của Hứa Tam Tỉnh là trưởng họ Hứa ở đây.
Người dân làng Ngọt truyền miệng rằng: Ngày xưa, trong những cuộc họp đình vào dịp lễ quan trọng của làng, hậu duệ cụ trạng Hứa Tam Tỉnh đều được chia phần cỗ rất to và người ta gọi là phần của cụ Trạng.
Chuyện kể rằng: Cậu bé Hứa Tam Tỉnh là con nhà nghèo, sớm mồ côi cha nên không có điều kiện học hành đến nơi đến chốn.
Bù lại, cậu bé Tỉnh rất thông minh và bạo dạn. Vì ham học nên dù không có tiền theo học thầy đồ nhưng mỗi khi rảnh việc chăn trâu, cắt cỏ, cậu lại đến bên nhà thầy đồ họ Ngô để học mót.
Rồi cậu lại mượn sách của bè bạn để tự học thêm. Lắm khi chỉ mượn sách được một chút vào buổi tối thì cậu lại đốt lá khô lấy ánh sáng để đọc sách.
Nhà văn Phạm Thuận Thành kể rằng: Vì ham học, lại không có bảng nên Tỉnh lấy luôn mảnh ván thôi (gỗ làm quan tài) làm bảng. Hôm đó, trời mưa, Tỉnh lấy bảng che lên đầu.
Thầy Ngô nhìn thấy cả kinh: “Thằng bé này đội mũ quan hẳn là điềm trời báo trước, sau này ắt nên nghiệp lớn”. Thầy gọi vào lớp hỏi dăm ba chữ nghĩa thấy Tỉnh trả lời rành mạch và lễ phép. Thầy hài lòng lắm nhận vào lớp cho học, lại còn cấp tiền giấy bút cho.
Nhưng Tỉnh cũng chỉ được học nửa ngày, còn nửa ngày phải chăn trâu nữa chứ. Vậy mà tiến bộ vượt xa bạn bè trong lớp.
Rồi một hôm thầy đồ họ Ngô bảo Tỉnh phải đi tìm thầy khác trên tỉnh thôi vì thầy không còn chữ để dạy nữa. Nhưng Tỉnh lấy đâu ra tiền mà đi học.
Võng cáng nên duyên
Những tưởng chuyện học hành sẽ chấm dứt vì hoàn cảnh khó khăn, và mơ ước sẽ chỉ là ước mơ vời vợi. Ấy thế mà duyên trời chợt tới.
Chuyện xảy ra vào một ngày chắc cũng đẹp trời vì hôm đó, trên đường đi thì Tỉnh gặp đám rước quan Trấn thủ xứ Kinh Bắc trẩy qua.
Phía sau kiệu quan là võng của tiểu thư con quan. Giữa khi Tỉnh nhìn về phía võng tiểu thư thì không hiểu có cơn gió nhẹ thổi tung rèm hồng hay vô tình đúng lúc tiểu thư vén rèm ngó xem phong cảnh xung quanh?.
Hứa Tam Tỉnh sững người trước vẻ đẹp diễm lệ của tiểu thư khuê các. Vì mê mẩn trước sắc đẹp nên Tỉnh đánh liều xin người phu cáng cho mình khiêng thay một chút. Người phu cáng có lẽ đang khi mỏi, lại thấy có người “dở hơi” như thế nên bằng lòng.
Cứ thế, Tỉnh “xin” được khiêng võng hàng chục dặm về tận dinh quan trấn. Trên đường đi, thi thoảng Tỉnh lại trộm ngắm dung nhan tiểu thư. Về đến nhà rồi, Tỉnh như vẫn còn người ở trên mây.
Vì vậy, Tỉnh nói với mẹ tới nhà quan tổng trấn xin được gả con gái cho. Người mẹ ban đầu thì sợ hãi nhưng thấy con nằn nì quả quyết nên cũng đánh bạo một phen.
Hai mẹ con xin người gia nhân cho vào gặp quan tổng trấn. Run rủi thế nào lại đúng lúc quan có nhà, tinh thần lại đương vui. Quan pha trà, mời nước xong rồi hỏi: “Hai mẹ con bà gặp ta có việc gì?”.
Người mẹ cứ ấp a ấp úng không nói nên lời. Quan gắt: “Ô thế mẹ con nhà bà gặp ta có việc gì?”.
Bà mẹ vội chắp tay, thưa: “Bẩm quan lớn, tôi đến là do thằng con đây. Bữa trước nó xin khiêng võng tiểu thư về tận dinh.
Nó si mê tiểu thư nên cứ bắt tôi đến gặp quan thưa chuyện. Mong quan lớn đèn giời soi xét”. Quan bật cười: “À ra vậy. Ta thấy bà cứ ấp a ấp úng nên suýt giận. Nhưng dù sao bà cũng đi làm cái việc cao cả, thôi ta tha cho, mẹ con bà về đi”.
Bà mẹ vội vã đứng dậy, Hứa Tam Tỉnh cũng cung kính lạy chào quan rồi ra về. Được mấy hôm, Hứa Tam Tỉnh lại thuyết phục mẹ mang trầu cau tới nhà quan.
Người mẹ không dám nhưng Tỉnh nói thái độ vui vẻ của quan trước lời đề nghị đó là đã đồng ý. Bà mẹ bán tín bán nghi nhưng cũng liều đi mua trầu cau…
Trước mâm trầu cau của hai mẹ con Hứa Tam Tỉnh mang tới, quan tổng trấn giận dữ, ngài hét: “Mẹ con bà đúng là không biết trời cao đất dày lại dám đến vấy ố thanh danh con gái ta sao”.
Trước cơn lôi đình, Hứa Tam Tỉnh chắp tay lễ phép đáp: “Bẩm quan lớn, hôm trước quan đã nhận lời cầu thân của mẹ con rồi ạ. Nếu quan không bằng lòng thì đã nói ra, đằng này quan chỉ bảo về đi. Tức là về chuẩn bị đồ lễ”.
Quan tổng trấn tức quá mà không biết nói sao nên bỏ mặc mẹ con Hứa Tam Tỉnh đứng giữa sân.
Nhưng khi ngồi ở tràng kỷ, cơn giận dữ lắng dịu, ngài chợt nghĩ tới lá số tử vi của con gái, số lấy được chồng hiền, làm quan tể phụ triều đình.
Lâu nay quan cứ nghĩ chắc đó là người con nhà gia thế, tướng mạo khôi ngô. Không ngờ hôm nay lại có sự lạ này. Nhưng biết đâu kẻ hàn nho kia lại là người quý tướng?
Nghĩ vậy, quan trấn bình tĩnh lại, rồi ra hỏi Hứa Tam Tỉnh có biết chữ không? Thử tài học, quan không ngờ Tỉnh đều trả lời trôi chảy cả.
Ngẫm nghĩ một lát, quan tổng trấn bảo: “Hai mẹ con bà cứ mang trầu cau về. Ta chưa nhận. Vì gia cảnh khó khăn nên ta có một chút tiền để cho lên tỉnh học. Nếu thi đỗ tiến sĩ ta sẽ gả con gái cho”.
Không ngờ, Hứa Tam Tỉnh lần lượt đỗ thi hương rồi thi hội. Và “thách cưới” chỉ đỗ tiến sĩ là cho cưới tiểu thư mà không ai tin nổi, kỳ thi năm 1508 Tỉnh lại đỗ Bãng nhãn, tức là hàng tam khôi, chỉ đứng sau trạng nguyên.
Sau đám cưới tưng bừng, tưởng mọi sự toại nguyện, nhưng đến đêm tân hôn, tiểu thư lại đóng cửa phòng và chìa ra một vế đối và nói nếu đối được mới mở cửa cho động phòng. Vế đối là:
- Ốc lậu nguyệt xuyên hình như kê noãn, tam tam tứ tứ.
(Nghĩa là: Nhà thủng bóng trăng dọi xuống, hình như trứng gà, lốm đa lốm đốm).
Hứa Tam Tỉnh nghĩ mãi không sao đối được, nghĩ thẹn nên bỏ ra bờ sông định tự tử cho khỏi nhục. Khi tới sông, tình cờ trông thấy bóng trăng soi trên mặt nước như muôn ngàn lớp sóng bạc dập dềnh, bỗng nảy tứ thơ, quay ngay về phòng đối rằng:
- Giang trường phong lộng, thế tự long lân, điệp điệp trùng trùng.
(Nghĩa là: Sông dài gió lộng, thế như vảy rồng điệp điệp trùng trùng).
Tiểu thư xem xong liền mở cửa…
Trạng Me đè trạng Ngọt
Tại kỳ thi năm Mậu Thìn, niên hiệu Đoan Khánh năm thứ 4 (1508) đời vua Lê Uy Mục, Nguyễn Giản Thanh đỗ trạng nguyên, Hứa Tam Tỉnh đỗ Bảng nhãn còn Nguyễn Hữu Nghiêm đỗ thám hoa.
Tuy chỉ đỗ Bảng nhãn nhưng Hứa Tam Tỉnh lại được dân gian coi là trạng và Nguyễn Giản Thanh tuy là trạng nhưng lại bị coi là “mạo” tức là chỉ được cái đẹp trai và là trạng giả.
Chuyện kể rằng: Nguyễn Giản Thanh người làng Me (làng Ông Mặc, nay thuộc Từ Sơn, Bắc Ninh) là người tài hoa, điển trai. Ông là con tiến sĩ Nguyễn Giản Liêm, là học trò của tiến sĩ Đàm Thận Huy. Khi thi hội, Nguyễn Giản Thanh chỉ xếp thứ hai, sau Hứa Tam Tỉnh. Đến khi thi đình, hoàng thái hậu cũng ngồi xem. Thấy Nguyễn Giản Thanh điển trai, lại người cùng quê nên thái hậu chỉ tay hỏi vua Lê Uy Mục: “Chắc đó là trạng nguyên?”. Nhà vua nói: “Cũng còn chờ đình thí bài phú “Phụng thành xuân sắc”.
Bấy giờ, hội nguyên Hứa Tam Tỉnh nhận đề xong liền cắm cúi làm bài vẻ tâm đắc lắm.
Nguyễn Giản Thanh biết sở trường Hán văn mình sẽ không thắng nổi Hứa Tam Tỉnh nên sẽ thể hiện bài phú bằng văn nôm theo sở trường của mình. Nhưng còn ý tứ bài phú ra sao?
Nguyễn Giản Thanh quan sát cán bút thoăn thoắt trên tay của Hứa Tam Tỉnh biết là đang viết gì. Vì vậy, vừa “trộm ý” vừa bổ sung thêm ý mình…
Bài Hán văn của Hứa Tam Tỉnh ý tứ sâu xa, các quan đều tấm tắc nhưng thái hậu sở học có hạn lại nghe bài phú nôm ngữ điệu mượt mà nên cứ tấm tắc khen. Một số câu văn bóng bẩy xao xuyến thái hậu như: “Liễu Chương Đài mây ngọc giờn giờn; Đào Thượng Uyển má hồng rờ rỡ; Trai lanh lẹ đá cầu vén áo; Gái éo le rủ yếm dôi quần”.
Chiều ý thái hậu, vua chấm Nguyễn Giản Thanh xếp trên Hứa Tam Tỉnh.
Sau khi đỗ Bảng nhãn, Hứa Tam Tỉnh được bổ quan. Năm 1513, Hàn lâm viện thị thư Hứa Tam Tỉnh được cử đi sứ sang nhà Minh. Đến năm Mậu Tuất (1538), dưới triều nhà Mạc, Hứa Tam Tỉnh lại được tín nhiệm cử đi sứ nhà Minh. Khi trở về, ông được thăng Thượng thư bộ Lại, hàm Thiếu bảo, tước Đôn Giáo bá.