Hung thần lái xe

Tinh Anh 09/03/2022 12:00

Sau 1 tuần ra quân tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông (từ ngày 1-7/3), lực lượng Cảnh sát giao thông trên toàn quốc đã xử lý 2.862 trường hợp vi phạm nồng độ cồn và ma túy. Một số ý kiến cho rằng kết quả trên là đáng mừng, bởi đã giảm thiểu khá nhiều số lái xe sử dụng ma túy trong đợt ra quân của lực lượng CSGT vừa qua. Thế nhưng, xin thưa, đó chỉ là kết quả 1 tuần kiểm tra.

Và ngay cả khi 100% các trường hợp vi phạm nồng độ cồn, không có tài xế nào sử dụng ma túy thì cũng không có gì đáng mừng ở đây cả. Bởi, khi đã sử dụng rượu, bia rồi điều khiển phương tiện cơ giới tham gia giao thông cũng gây nguy hiểm cho người và phương tiện khác không kém gì sử dụng ma túy. Say rượu và phê ma túy có khác gì nhau đâu?

Thậm chí, con số thống kê trên khiến chúng ta phải giật mình, bởi chỉ với 7 ngày ra quân tuần tra, kiểm soát trật tự an toàn giao thông mà lực lượng Cảnh sát giao thông trên toàn quốc đã phát hiện, xử lý tới gần 3.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn và dương tính với ma túy. Thử hỏi với ngần ấy trường hợp “lọt lưới” sẽ gây ra bao nhiêu vụ tai nạn giao thông, gây họa cho bao nhiêu người?

Các chuyên gia y tế khẳng định, khi tài xế đã uống bia, rượu, sử dụng ma túy thì tinh thần sẽ không còn được minh mẫn để kịp thời xử lý những tình huống phát sinh trên đường. Đó là trong trường hợp lái xe vẫn còn nhận thức được môi trường xung quanh. Còn nếu đã say mèm hay phê ma túy thì sẽ tự gây tai nạn giao thông mà không cần bất cứ tình huống khách quan nào.

Với những người sử dụng ma túy tổng hợp, ma túy dạng đá gây ảo giác, thậm chí còn tự vác dao đi tìm người để đâm, chém, huống hồ điều khiển phương tiện lưu thông trên đường làm sao có thể không gây tai nạn giao thông?

Vì thế, có thể nói rằng, những tài xế sử dụng rượu, bia, chơi ma túy rồi điều khiển phương tiện tham gia lưu thông trên đường chính là các hung thần cầm vô lăng. Họ thực sự là nỗi ám ảnh, thậm chí là nỗi khiếp sợ đối với người và phương tiện tham gia giao thông trên đường.

Lạ một điều là có những người nghiện ma túy nhưng vẫn được các cơ sở y tế cấp giấy chứng nhận đủ sức khỏe để lái xe, các trung tâm đào tạo và sát hạch cấp giấy phép lái xe. Nói hơi quá, nhưng cung cách làm ăn thiếu trách nhiệm đó như một hình thức cho “ra lò” những “sản phẩm” lỗi, nếu không muốn nói là đào tạo thần chết.

Còn về phần các “ma men”, có thể các cơ sở y tế, trung tâm đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe không thể phát hiện, nhưng thiết nghĩ mỗi tài xế phải tự ý thức được mối họa từ bản thân mình. Chưa nói đến việc sử dụng rượu, bia gây tai nạn giao thông làm nhiều người khác thương vong, chỉ riêng việc say xỉn đâm vào gốc cây, dải phân cách... lái xe cũng khó giữ được mạng.

Ấy vậy mà nhiều người vẫn chưa biết sợ, vẫn uống rượu bia rồi tham gia giao thông trên đường. Đó chính là lý do dù các cơ quan chức năng có cố gắng kiểm soát, ngăn ngừa nhưng vẫn khó kéo giảm được các vụ tai nạn giao thông hàng năm. Số tiền hàng năm của cả Nhà nước và nhân dân đổ vào để khắc phục hậu quả của các vụ tai nạn giao thông lên tới hàng trăm, thậm chí hàng nghỉn tỷ đồng. Thật đáng tiếc!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hung thần lái xe