Hướng đến nền hành chính phục vụ- Bài 2: Nhiều lĩnh vực trọng yếu đã thay đổi

Nguyên Khánh 15/04/2021 09:00

Nhờ đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), nhiều lĩnh vực trọng yếu của Hà Nội đã thay đổi theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp (DN).

DN không cần trực tiếp đến cơ quan Thuế

Không còn cảnh DN xếp hàng dài chờ nộp tờ khai thuế hay nộp thuế như trước đây, hiện bộ phận một cửa ở các cơ quan thuế trên địa bàn Hà Nội khá thưa người bởi hầu hết những vấn đề liên quan đến DN đều được làm theo hình thức trực tuyến.

Với mục tiêu tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho DN, ngành thuế Hà Nội luôn nỗ lực đổi mới trong quản lý thuế. Ngành đã đưa ra những giải pháp và cải cách hiệu quả cho DN phát triển. Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) thuế đã được DN đánh giá cao.

Nỗ lực cải cách nên người dân đến làm thủ tục trực tiếp tại cơ quan thuế đã giảm
Nỗ lực cải cách nên người dân đến làm thủ tục trực tiếp tại cơ quan thuế đã giảm

Bà Trịnh Thị Bích Thủy, Giám đốc điều hành Công ty CP dược phẩm Sohaco miền Bắc cho biết, thời gian qua Cục Thuế Hà Nội rất nỗ lực trong CCHC đem lại sự thuận lợi nhất cho DN. Việc ứng dụng CNTT vào ngành thuế, như dùng hóa đơn điện tử, nộp tờ khai điện tử đã giúp giảm chi phí, thời gian, tiền bạc cho DN. Bên cạnh đó sự hỗ trợ hướng dẫn của cán bộ thuế với DN rất chính xác, kịp thời, giúp DN rất nhiều nhất là trong bối cảnh dịch bệnh.

Nhiều DN cũng cho biết, việc thanh tra, kiểm tra các DN bằng hình thức điện tử đã đem lại hiệu quả nhất định trong công tác quản lý thuế. Điều này giúp cho DN tập trung sản xuất, tiết kiệm được nhiều chi phí. Thực tế, thực hiện kiểm tra thuế theo hình thức truyền thống thì cơ quan thuế phải đến tận DN để làm việc. Quá trình kiểm tra cũng như các công việc hạch toán, so sánh, đối chiếu dữ liệu hóa đơn đều là thủ công. Do vậy, khó có thể xác đinh được đối tượng có hành vi sai phạm bởi hóa đơn có thể được làm giả. Tuy nhiên khi thực hiện thanh tra, kiểm tra điện tử sẽ xác định được các đơn vị sai phạm được chính xác hơn, minh bạch hơn.

Theo Phó Cục trưởng Thuế TP Hà Nội Nguyễn Tiến Trường, những năm qua, bên cạnh việc thực hiện quyết liệt các giải pháp quản lý thu, khai thác nguồn thu, chống thất thu và đẩy nhanh tiến độ thu hồi nợ đọng tiền thuế, ngành Thuế nói chung và Cục Thuế TP Hà Nội nói riêng đã tập trung CCHC mà trọng tâm là CCTTHC thuế; lấy sự hài lòng của DN, người nộp thuế là mục tiêu chính để CCTTHC thuế.

Theo đó, đến nay, số lượng thủ tục TTHC trong lĩnh vực thuế giảm chỉ còn 308 TTHC, trong đó có 18 TTHC cấp Tổng cục Thuế, 166 TTHC cấp Cục Thuế và 124 TTHC cấp Chi cục Thuế. Việc rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa TTHC đã được ngành Thuế bám sát mục tiêu, yêu cầu về cải cách TTHC rút ngắn thời gian chi phí cho DN.

Không chỉ cắt giảm các TTHC, việc hiện đại hóa công tác quản lý thuế được Cục thuế Hà Nội coi là nhiệm vụ hàng đầu. Ông Trường cho biết, nhờ ứng dụng mạnh mẽ CNTT trong công tác quản lý thuế đã tạo sự thuận lợi nhất cho DN. Trên địa bàn Hà Nội việc kê khai qua mạng luôn đạt trên 98%; nộp thuế điện tử đạt trên 96% giúp giảm thời gian, chi phí cho người nộp thuế cơ quan thuế.

Không chỉ là nộp thuế điện tử, kê khai thuế qua mạng, Cục Thuế Hà Nội cũng sẽ hoàn thành sớm việc triển khai mở rộng áp dụng hóa đơn điện tử với trên 99,5% DN, tổ chức thông báo phát hành hóa đơn điện tử thành công với số lượng đã phát hành là trên 15 tỷ hóa đơn. Đặc biệt, Cục Thuế Hà Nội đã và đang triển khai ủy nhiệm thu thuế đã ký với Bưu điện TP Hà Nội. Bên cạnh đó đã phối hợp với các ngân hàng thương mại triển khai hiện đại hóa thu nộp khu vực thông qua các phương thức không dùng tiền mặt như: Internet Banking, App (ứng dụng)… Nhờ đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý điều hành, nó không cắt giảm chi phí mà tạo sự minh bạch cho ngành Thuế, nâng cao năng lực cạnh tranh của TP thời gian qua.

Đơn giản hóa TTHC ở lĩnh vực nhạy cảm

Được cho là một trong những lĩnh vực nhạy cảm, những năm qua, ngành Tài nguyên và Môi trường Thủ đô đã và đang rà soát cắt giảm các TTHC, để người dân không còn ngại đến cơ quan công quyền khi thực hiện những thủ tục liên quan đến lĩnh vực đất đai như trước. Theo đó, chú trọng công tác CCHC, như đẩy mạnh ứng dụng CNTT, tăng tỷ lệ giải quyết TTHC qua mạng; giảm phiền hà, tăng sự hài lòng của người dân.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TU ngày 01/9/2016 của Thành ủy và Chỉ thị số 11/CT-UBND ngày 17/5/2016 của UBND Thành phố về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Sở đã với phối hợp với Tổ công tác liên ngành TP làm việc với các quận, huyện, thị xã tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Bên cạnh đó, công tác CCHC của Sở Tài nguyên và Môi trường ngày càng chuyển biến rõ rệt, nên công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thời gian qua đạt kết quả cao.

Những chuyển biến tích cực trong thực hiện CCTTHC cũng diễn ra ở nhiều chi nhánh quận, huyện, thị xã thuộc Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội. Điển hình tại chi nhánh quận Hà Đông đã thực hiện CCTTHC trên tất cả các lĩnh vực, thực hiện hiệu quả cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” đối với 100% TTHC. Thực hiện triệt để luân chuyển hồ sơ ở tất cả các khâu, các bước khi thực hiện TTHC theo hướng đơn giản, rút gọn quy trình, cắt giảm một số loại giấy tờ cũng như thời gian, chi phí, thực hiện nhằm tạo thuận lợi cho người dân trong việc nộp hồ sơ và nhận kết quả…

Phó Cục trưởng Cụ Thuế Hà Nội NguyễnTiến Trường
Phó Cục trưởng Cụ Thuế Hà Nội NguyễnTiến Trường

Có thể nói, công tác CCTTHC trong công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của thành phố Hà Nội có một bước tiến dài trong lĩnh vực quản lý đất đai. Điều này thể hiện ở chỗ, Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội đã chủ động triển khai toàn bộ hệ thống đơn giản hóa TTHC, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công dân, tổ chức khi liên hệ thực hiện các thủ tục cấp giấy chứng nhận. Đáng chú ý, quy trình hồ sơ được bảo đảm chặt chẽ, công khai, minh bạch, thực hiện luân chuyển hồ sơ ở tất cả các khâu, các bước trong hệ thống khi thực hiện TTHC; đồng thời, phân công rõ trách nhiệm của từng cán bộ thụ lý chịu trách nhiệm từ khâu hồ sơ đến khi có quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nhờ đẩy mạnh CCHC đã cắt giảm thời giờ giải quyết TTHC từ 30 đến 50% so với thời gian quy định.

Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, đơn vị này đang tiếp tục rà soát để tinh giản hơn nữa về TTHC, đồng thời, bảo đảm quy trình hồ sơ chặt chẽ, công khai, minh bạch về nội dung hồ sơ quy trình và thời gian giải quyết TTHC. Phân công “rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm và rõ hiệu quả”, “Một việc - một đầu mối xuyên suốt”, từ đó tạo lòng tin cho tổ chức, DN.

Trong khi đó, ngành Thuế luôn xác định CCHC là nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo và thực hiện, do đó ngay từ đầu năm 2021, Cục Thuế TP Hà Nội xây dựng kế hoạch, nhiệm vụ CCHC, trong đó xác định rõ 5 mục tiêu chính ông Trường chia sẻ.

5 nhiệm vụ của ngành Thuế Thủ đô bao gồm: Triển khai đồng bộ, toàn diện công tác CCHC, phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị, gắn với chủ đề công tác năm 2021: “Kỷ cương, trách nhiệm, sáng tạo, nâng cao chất lượng quản lý thuế” và nhiệm vụ trong tâm công tác thuế năm 2021, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị năm 2021 của Cục Thuế TP. Hà Nội. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm, chất lượng và hiệu quả phục vụ người nộp thuế của cán bộ công chức. Tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá nghiêm túc, trung thực, khách quan kết quả thực hiện CCHC theo quy định. Thay đổi phương thức phục vụ, lấy người nộp thuế làm trung tâm, đảm bảo gắn kết chặt chẽ ứng dụng CNTT với CCHC, đổi mới lề lối, phương thức làm việc, xác định ứng dụng CNTT là công cụ hữu hiệu hỗ trợ, thúc đẩy CCHC trong lĩnh vực thuế. Đích cuối cùng của những sự cải cách này là đem đến sự hài lòng nhất cho người dân và DN.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hướng đến nền hành chính phục vụ- Bài 2: Nhiều lĩnh vực trọng yếu đã thay đổi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO