Hướng đến nền nông nghiệp đô thị hiện đại

Quốc Định 21/11/2015 00:26

Là một đô thị lớn, so với cả nước, TP Hồ Chí Minh có nhiều điều kiện để phát triển một nền nông nghiệp đô thị như: dân số trên 10 triệu người, cơ sở hạ tầng hiện đại; tập trung nhiều nhà khoa học, có nguồn vốn dồi dào...  Tuy nhiên, tiềm năng đó vẫn chưa được khai thác hiệu quả. 

Hướng đến nền nông nghiệp đô thị hiện đại

Ảnh minh họa.

Đó là đánh giá của các đại biểu tại buổi Tọa đàm về xây dựng và phát triển mô hình nông nghiệp đô thị TP HCM, ngày 20/11.

Thống kê của UBND TP HCM, hiện diện tích đất dành cho sản xuất nông nghiệp khoảng 90.000 ha, không kể rừng và cây xanh đô thị. TP có 3 vùng sản xuất nông nghiệp ở nội đô, ven đô, và ngoại thành…, được coi là lợi thế.

Tuy nhiên, TS Trần Viết Mỹ- Phó Chủ tịch thường trực Hội Sinh vật cảnh TP HCM cho rằng, nếu dựa vào các tiêu chí và loại hình nông nghiệp đô thị để đánh giá thì nông nghiệp TP.HCM vẫn còn là nông nghiệp truyền thống do diện tích lúa vẫn còn khá nhiều: hơn 20.400 ha canh tác. Nông nghiệp đô thị với các loại hình như nông nghiệp xanh, nông nghiệp thu ngoại tệ, nông nghiệp du lịch, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp an dưỡng…xuất hiện nhưng chưa nhiều, còn tự phát.

Nhiều loại hình mới bước đầu hình thành nhưng thiếu sự kết nối của các ngành liên quan; nông nghiệp sinh thái với quy mô các sản phẩm sạch còn chiếm tỉ trọng khiêm tốn; các sản phẩm chủ lực của TP tập trung cho xuất khẩu mặc dầu đã được xác định là giống rau, giống heo, rau sạch, hoa lan, cây cảnh, cá cảnh, thịt, da cá sấu… nhưng số lượng không lớn, nếu không nói là chỉ mới mang tính chất thăm dò thị trường.

Theo Đề án Phát triển nông nghiệp đô thị trên địa bàn TP HCM đến năm 2020, tầm nhìn đến 2025, sẽ là quá trình chuyển đổi tất yếu từ nền nông nghiệp truyền thống sang nền nông nghiệp có hàm lượng chất xám cao, công nghiệp hiện đại, được đầu tư toàn diện và đồng bộ. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020 là, diện tích đất sản xuất các loại giống 2.880 ha; diện tích trồng hoa, cây cảnh đạt khoảng 2.250 ha; rau an toàn 6.900 ha; đàn bò sữa khoảng 75.000 con; đàn heo 275.000 con; diện tích nuôi thủy sản 7.800 ha; sản lượng cá cảnh trên 200 triệu con; các loại cây trồng, vật nuôi cung cấp lương thực, thực phẩm đều sản xuất theo quy trình GAP, không có hóa chất độc hại tồn dư trong sản phẩm khi cung cấp đến người tiêu dùng; phát triển rừng và cây xanh các loại, đảm bảo độ che phủ rừng trên 18,5%, độ phủ rừng và cây xanh trên 40%.

Từng phụ trách về lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, ông Võ Văn Cương- nguyên Phó Chủ tịch UBND TP HCM đề nghị, nông nghiệp đô thị không chỉ chú ý tới năng suất mà cần phải quan tâm tới môi trường. Cơ cấu cây, con mới cần phù hợp với điều kiện thiên nhiên nhưng phải đảm bảo về môi trường.

TP HCM cần phải xây dựng thành trung tâm giống của cả nước; các loại sản phẩm sinh vật cảnh bao gồm cây và con, sản phẩm này cần phải chiếm diện tích lớn trong cơ cấu nông nghiệp; cần kết hợp giữa cây ăn trái với vườn sinh thái, tức là trồng cây ăn trái kết hợp với du lịch thì hiệu quả kinh tế mới cao.

Đối với các loại cây xanh ở nông thôn, có 2 loại cây đó là cây theo đường giao thông và cây trong vườn, cần hợp tác với người dân để làm, sau này người dân thu hoạch nhằm tăng thu nhập, không phải sử dụng nhiều đến ngân sách, mà vẫn có màu xanh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hướng đến nền nông nghiệp đô thị hiện đại