Năm 2022 là một năm đáng nhớ với “kỷ lục gia” kịch hát Lê Thế Song, bởi anh gặt hái khá nhiều thành công trên cả sân khấu lẫn các kỳ liên hoan. Đắm đuối, trăn trở với sự phát triển của sân khấu, Lê Thế Song nhận định, sân khấu hiện còn thiếu những tác giả, nhất là các sao trẻ.
Lê Thế Song là một tác giả trẻ "đa năng". Anh không chỉ viết kịch bản (chèo, tuồng, cải lương, dân ca)… mà còn là tổng đạo diễn cho nhiều chương trình nghệ thuật, lễ hội văn hoá ở khắp các vùng, miền trên cả nước.
Năm 2022, các kịch bản của anh tiếp tục có mặt trong những cuộc liên hoan sân khấu như: Liên hoan Sân khấu Thủ đô năm 2022, Liên hoan sân khấu Chèo toàn quốc năm 2022, Liên hoan Sân khấu Thể nghiệm quốc tế năm 2022 và nhiều vở diễn về đề tài cận đại, hiện đại, dân gian, huyền thoại.
Nhân dịp trước thềm năm mới xuân Quý Mão 2023, PV Báo Đại Đoàn Kết có cuộc trò chuyện với nhà viết kịch Lê Thế Song, nghe anh tâm sự về chuyện nghề, về định hướng phát triển của sân khấu trong năm tiếp theo.
PV:Năm 2022, nhà viết kịch Lê Thế Song có khá nhiều dấu ấn nghề nghiệp, anh có hài lòng với những gì mình đạt được?
Nhà viết kịch Lê Thế Song: Năm 2022 là một năm vất vả đối với tôi. Bởi vì tôi may mắn được tham gia nhiều cuộc thi, Liên hoan sân khấu cải lương, Liên hoan sân khấu Chèo toàn quốc và Liên hoan sân khấu thể nghiệm quốc tế.
Trong tất cả các liên hoan đấy tôi có những tác phẩm dự thi và có hai vở đạt giải thưởng. Đó là vở “Thiên duyên hiền tích” của Nhà hát Chèo Thái Bình đã đạt Huy chương Vàng và vở về cố lãnh tụ Trường Chinh trọn đời vì nước non đạt Huy chương Bạc.
Còn trong Liên hoan sân khấu thể nghiệm quốc tế, tôi được cùng với các ekip sáng tạo tham gia vở diễn là “Thượng tiên thánh mẫu” và cũng đạt huy chương Vàng. Đấy là thành tích khá lớn trong hoạt động nghệ thuật năm 2022 của tôi.
Ngoài ra, Năm 2022, tôi cũng tham gia với vai trò là tổng đạo diễn cho rất nhiều các lễ hội mà dấu ấn đặc biệt là tham gia ý kiến sáng tạo cho Lễ hội hoa Đà Lạt. Chương trình đã được truyền hình trực tiếp trên VTV. Chương trình khá là ấn tượng bởi vì đã góp phần tái hiện truyền thuyết của thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng, khung cảnh vùng đất ngàn hoa của những người nông dân trồng hoa…
Tôi không còn gì tiếc nuối và rất hài lòng với những gì bản thân đã gặt hái được trong một năm vừa qua.
Xem và thưởng thức những vở do anh viết kịch bản, dễ dàng nhận thấy, sở trường của anh là chiến tranh cách mạng, các tác phẩm sân khấu về chiến tranh cách mạng. Trong năm tới, anh có cái khai phá, khai thác thêm về các mảng đề tài khác không?
- Đề tài chiến tranh cách mạng là một đề tài khá hấp dẫn và cũng rất khó. Bởi vì chiến tranh đã qua lâu rồi và tôi không mong ước là mình sẽ làm một tác giả viết những tác phẩm đấy. Trái lại tôi sẽ có một sự kết hợp.
Tôi thường đọc một số tác phẩm của anh Hoàng Thanh Du, của nhà biên kịch Lê Quý Hiền và của nhà văn Minh Chuyên rồi nhà văn Chu Thơm, kể cả nhà văn Chu Lai và một số các nhà văn khác. Tôi thấy rằng đề tài này khá hấp dẫn, nhưng thật sự là khó. Bởi, thế hệ chúng ta không được dự những cuộc chiến tranh đấy và chúng ta chỉ cảm nhận nó qua những trang viết của các nhà văn. Thế nhưng với kinh nghiệm và đặc biệt là sự đam mê, tôi mong rằng sẽ có những tác phẩm về đề tài chiến tranh cách mạng được ấp ủ để phát triển, để được lên sàn diễn, lên sân khấu kịch hát và có thể là những tác phẩm kịch nói.
Gắn bó với sân khấu truyền thống, điều anh trăn trở nhất về nghề là gì?
- Hiện nay sân khấu đang gặp nhiều khó khăn và thách thức. Không chỉ giai đoạn Covid-19 vừa qua mà từ trước đó, các nhà hát ở các tỉnh, trung ương không thể sáng đèn liên tục. Ngay các nhà hát lớn như Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Cải lương Việt Nam mỗi năm chỉ có thể dựng 3 vở là cùng. Và không phải vở diễn nào dựng ra cũng có thể ăn khách. Là một tác giả, tôi thừa nhận rằng sân khấu đang không theo kịp với xu hướng và thị hiếu khán giả hôm nay.
Tác giả sân khấu không thiếu người có tâm huyết, nhưng kịch bản viết ra không được sử dụng, bởi số lượng vở diễn được dàn dựng ngày càng giảm đi mỗi năm. Tác giả bươn chải với cuộc sống mưu sinh và bị chi phối bởi quá nhiều yếu tố khiến tác phẩm thiếu lửa, thiếu hấp dẫn.
Sân khấu truyền thống hiện nay còn thiếu những tác giả, nhất là các sao trẻ, anh có nhận xét như thế nào về điều này? Theo anh có những biện pháp gì để khắc phục tình trạng này?
- Như bạn đã biết, kịch hát dân tộc là bộ môn gần như là di sản, ví dụ như hiện nay là cải lương, đàn ca tài tử hoặc là sân chèo hoặc kể cả dân ca quan họ, cũng là những di sản rất quý báu cha ông ta để lại. Liên hoan sân khấu chèo toàn quốc hay sân khấu cải lương, tôi nhận thấy có một vài tay bút mới, các bạn ấy cũng đã có sự đam mê để phát triển và tôi hi vọng rằng tới đây thì đội ngũ tác giả trẻ viết cho kịch hát sẽ tăng lên.
Tuy nhiên, quá trình theo đuổi lại rất gian nan bởi vì kịch hát truyền thống có những hình thức, có thể lối riêng, có nguyên tắc riêng nhưng chúng ta không thể giữ mãi cái truyền thống cố định của cha ông để lại được vì như thế thì sự phát triển theo hướng hiện đại, phù hợp xu thế sẽ bị khó.
Vì vậy, những tác giả trẻ cần phải có sự đổi mới về tư duy, về cách làm, để làm sao vừa giữ được truyền thống nhưng vừa đượm nét đương đại, đặc biệt là kịch hát. Đấy là cái đích đến của những người làm sân khấu muốn hướng đến. Tất nhiên nó sẽ phải là thử nghiệm, sáng tạo và mạo hiểm.
Khán giả ngày xưa rất khác với khán giả bây giờ. Theo anh khán giả bây giờ đòi hỏi gì ở sân khấu?
- Sân khấu nếu như vẫn giữ nguyên kiểu truyền thống là tự sự, ỉ ôi, hát hò theo hình thức cũ thì người trẻ sẽ không thích và chúng ta sẽ đánh mất cái truyền thống. Có một cách duy nhất có thể giữ được điều này đó là người viết phải mạnh dạn làm những tác phẩm sân khấu mà ở đó mang hơi thở thời đại này hoặc là những câu chuyện đang là những nan đề của xã hội.
Tác phẩm là sự gai góc của xã hội, về nhân sinh quan, về thế giới quan, về những mối quan hệ, về mẫu tử, về xung đột xã hội, về xung đột giai cấp, về tất cả mọi thứ... đưa lên sân khấu. Nếu chúng ta làm được thì đương nhiên người trẻ, các bạn ấy sẽ thích. Tất nhiên, phê phán để chúng ta xây dựng.
Nói như vậy có nghĩa là tác giả sân khấu ngày nay cũng đang gặp rào cản, thách thức lớn?
- Không có nghề nào dễ dàng, nhất là nghề biên kịch kịch hát dân tộc. Bản thân tôi thấy ngoài việc chăm chỉ học tập, phải yêu nghề, say đắm với kịch hát dân tộc như tôi yêu sân khấu Chèo từ nhỏ thì mới theo nghề đến bây giờ.
Có thể người xem nghe cùng là kịch hát dân tộc nhưng mỗi loại hình có cách thể hiện khác nhau. Đặc biệt nghệ thuật chèo là thuần Việt nhất. Cải lương có thể tiếp thu được tất cả các loại hình.
Dù khác biệt là vậy nhưng điểm chung là tất cả các tác phẩm kịch hát dân tộc cần phải có lề lối của ngôn ngữ biền ngẫu. Ngôn ngữ này gần với thơ, làn điệu của mỗi loại thì tác giả cần dành nhiều thời gian trau dồi, học hỏi, điều quan trọng là phải tích lũy kinh nghiệm làm nghề.
Vừa rồi đã có tác động về sự sáng tạo như việc tổ chức các cuộc thi sáng tác những tác phẩm sống mãi với thời gian. Anh nghĩ thế nào về sự quan tâm, khuyến khích cho các nghệ sĩ sáng tạo?
- Tôi nghĩ đấy là một trong những sân chơi cần phải có. Bởi vì phải có định hướng thì mọi người sẽ tìm được chủ đề. Trong một chủ đề sống mãi với thời gian có rất nhiều những câu chuyện để đáp ứng được chủ đề đấy và tác giả sẽ tự tìm tòi, tìm ra được câu chuyện riêng của mình, góc nhìn của mình, tác phẩm của mình. Tôi tin chắc rằng, đây vừa là cơ hội vừa là thách thức để sân khấu tìm ra những tác phẩm hay, những thế hệ tác giả có tiềm năng.
Năm tới, anh dự định sẽ làm gì?
- Trong năm 2023, tôi sẽ đạo diễn một vài chương trình, trong đó có Lễ hội Mẫu Đông Cuông, Lễ hội Yên Thế, chương trình thực cảnh về Hồ Gươm và một vở chèo tại Nhà hát chèo Quân đội. Tôi dự kiến bên cạnh các tác phẩm sân khấu chuyên nghiệp là Tuồng, Chèo, Cải lương tôi sẽ viết các bài ca cổ về các tỉnh thành mà tôi đã tới như Bến Tre, Ninh Thuận, Bình Phước, Trà Vinh, Hải Phòng, Quảng Ninh… và một tác phẩm về mùa xuân Tết Nguyên đán do NSND Thanh Tuấn - một giọng ca "tượng đài" của nghệ thuật cải lương ca với nghệ sĩ Xuân Hồng. Hi vọng năm 2023, tôi sẽ bận rộn hơn với nhiều dự án.
Cảm ơn nhà viết kịch Lê Thế Song đã chia sẻ!