Theo dự báo từ Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), dân số thế giới sẽ đạt tới mốc 8 tỷ người trong năm 2022. Với những thành tựu trong y tế và khoa học, tỷ lệ tử vong ở bà mẹ và trẻ nhỏ đã được hạn chế đồng thời tuổi thọ của con người đang ngày càng được kéo dài hơn. Thế nhưng, những quan ngại về tình trạng mất cân bằng giới tính cũng như già hóa dân số trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng vẫn còn tồn tại.
Nguy cơ thừa nam giới
Thông tin từ Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), Bộ Y tế, tại Việt Nam, hiện tượng mất cân bằng giới tính khi sinh đã xuất hiện từ những năm đầu của thế kỷ 21, tuy diễn ra muộn hơn so với một số nước trong khu vực nhưng tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam luôn ở mức trên 110 trẻ trai/100 trẻ gái sinh ra sống, từ năm 2006 đến nay.
Trao đổi về tình trạng này, ông Phạm Vũ Hoàng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ đánh giá: “Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam vẫn còn diễn biến phức tạp, tỷ số giới tính khi sinh có xu hướng lan rộng: Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2018, tỷ số giới tính khi sinh là 114,8 trẻ trai/100 trẻ gái sinh ra sống, năm 2019 giảm còn 111,5; đến năm 2020 tăng lên mức 112,1. Năm 2020, 5/6 vùng kinh tế - xã hội ở Việt Nam đang phải đối mặt với vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh, chỉ có Tây Nguyên ở mức cân bằng với tỷ số giới tính khi sinh là 106, còn vùng đồng bằng sông Hồng vẫn là khu vực xảy ra tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở mức cao nhất (113,6). Mất cân bằng giới tính khi sinh xảy ra ở cả thành thị và nông thôn”.
Ông Hoàng lý giải: Tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam vẫn đang ở mức mất cân bằng tự nhiên (103-107) và xét ở phạm vi vùng kinh tế thì vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh xảy ra ở diện rộng. Việt Nam vẫn tồn tại tư tưởng trọng nam hơn nữ, mô hình gia đình truyền thống trong đó coi trọng việc con trai để nối dõi tông đường, thờ phụng tổ tiên, phụng dưỡng cha mẹ là giá trị nền tảng. Việc lạm dụng tiến bộ khoa học công nghệ để lựa chọn giới tính thai nhi vẫn còn xảy ra, trong khi việc thực thi các chế tài xử lý vi phạm còn chưa hiệu quả…
Theo UNFPA, mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng như tình trạng dư thừa số lượng nam giới so với nữ giới ở độ tuổi trưởng thành việc tìm kiếm bạn đời; việc gia tăng tỷ số giới tính khi sinh dẫn đến nguy cơ tăng thêm sự bất bình đẳng giới, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết, tình trạng bạo hành, buôn bán phụ nữ và trẻ em gái có nguy cơ tăng lên.
Thích ứng với già hóa dân số
Số liệu từ Tổng cục DS-KHHGĐ, từ năm 2011, nước ta chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số. Tới năm 2019, tỷ lệ người cao tuổi chiếm 11,86% dân số. Theo dự báo, tỷ lệ người cao tuổi sẽ tăng lên 16,66% vào năm 2029 và lên 26,10% vào năm 2049.
Với những con số được đưa ra ở trên, nước ta là một trong số những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Trong khi các nước phát triển mất nhiều thập kỷ, có nước hàng thế kỷ mới chuyển đổi từ giai đoạn già hóa dân số sang giai đoạn dân số già như: Pháp: 115 năm; Australia: 73 năm… nhưng ở Việt Nam chỉ khoảng 26 năm.
Hệ quả là số lượng người cao tuổi Việt Nam tăng nhanh từ 7,67 triệu người năm 2009 lên 11,4 triệu người năm 2019. Theo dự báo đến năm 2030, người cao tuổi ở nước ta khoảng 18 triệu người, chiếm 17,5% dân số, tức là cứ 6 người dân thì có hơn 1 người cao tuổi.
Theo quy luật tự nhiên, khi tuổi càng cao sức khỏe và năng lực nội tại càng suy giảm. Năm 2011, hơn 60% người cao tuổi cho biết tình trạng sức khỏe là yếu và rất yếu cần được chăm sóc sức khỏe; hơn 46% người cao tuổi mắc bệnh tăng huyết áp; 34% mắc bệnh viêm khớp; khoảng 20% mắc các bệnh khác như tim mạch, răng miệng, viêm phế quản và bệnh phổi mạn tính…
Trong khi đó, công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại nước ta còn không ít khó khăn, bất cập. Ông Nguyễn Doãn Tú - Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ cho hay: Tuổi thọ bình quân của người Việt Nam tăng nhưng số năm sống khỏe mạnh thấp so với nhiều nước, số năm phụ nữ sống có bệnh tật trung bình khoảng 11 năm và nam giới khoảng 8 năm. Người cao tuổi đối diện với gánh nặng “bệnh tật kép” và thường mắc các bệnh mạn tính, bình quân mỗi người cao tuổi có 3 bệnh, đối diện với nguy cơ tàn phế do quá trình lão hóa, chi phí điều trị lớn. Tuổi thọ trung bình cao nhưng tuổi thọ khỏe mạnh của người cao tuổi ở nước ta thấp (64 tuổi); đặc biệt, có 67,2% người cao tuổi có tình trạng sức khỏe yếu và rất yếu. Bên cạnh đó, người cao tuổi Việt Nam sống chủ yếu ở nông thôn, sống cùng con cháu; đời sống vật chất còn gặp nhiều khó khăn…