Một trong những chương trình tín dụng ưu đãi có ý nghĩa lớn đối với những hộ mới thoát nghèo tại Phú Thọ triển khai đó là vay vốn theo Quyết định 28/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo. 5 năm qua, hàng chục nghìn hộ mới thoát nghèo các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn có cơ hội tiếp tục đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, qua đó thoát nghèo bền vững.
Được hỗ trợ vay vốn, nhiều gia đình tập trung phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Nỗ lực từ người dân
Chúng tôi tới thăm mô hình trồng chè của gia đình chị Lê Thị Lan, khu 6, xã Tam Thanh, huyện vùng cao Tân Sơn. Chị Lan chia sẻ, sau nhiều năm “đóng đô” ở hộ nghèo nhất nhì xã với thu nhập chính chỉ trông chờ vào mấy thước ruộng, thêm vào đó là gánh nặng đè lên đôi vai gầy gò khi chồng chị mắc phải căn bệnh hiểm nghèo nên nghèo lại càng nghèo hơn.
Được sự giúp đỡ của các tổ chức chính trị xã hội, chị Lan mạnh dạn vay 30 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội, tập trung đầu tư phát triển kinh tế, phát triển và mở rộng thâm canh trồng chè. Nhờ đó, từ một hộ nghèo, sau 7-8 năm trồng chè, gia đình chị đã thoát nghèo, có thu nhập ổn định và có tích lũy, trả hết nợ ngân hàng.
Không bằng lòng với những gì đã đạt được, năm 2018, chị Lan tiếp tục vay 25 triệu đồng theo chương trình tín dụng ưu đãi cho hộ mới thoát nghèo. Vốn tính cần cù, chịu khó cộng với những kiến thức về trồng, chăm sóc chè tích lũy trước đây, chỉ sau một năm gần 4ha chè của gia đình chị được chăm sóc, trồng lại và tiếp tục bật chồi, ra búp ước tính thu nhập từ 7 - 8 triệu đồng/tháng.
Ngoài trồng, chăm sóc diện tích chè của gia đình, chị Lan còn thu mua chè của bà con trong xã, mở xưởng sơ chế chè bán cho các nhà máy trong khu vực…
Tạm biệt chị Lan, chúng tôi tìm đến gia đình chị Nguyễn Thị Quyên, khu 5 xã Minh Hòa, huyện miền núi Yên Lập là một trong những hộ mới thoát nghèo sử dụng hiệu quả nguồn vốn ưu đãi từ các chương trình tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội.
Trong căn nhà khang trang sạch đẹp được đầu tư xây dựng theo mô hình kiểu nhà Thái, chị Quyên cho hay, cuối năm 2016, gia đình chị thoát khỏi diện hộ nghèo. Tuy nhiên sau khi thoát nghèo, gia đình chị Lan cũng như nhiều hộ mới thoát nghèo khác đứng trước khó khăn về vốn để tái đầu tư, mở rộng sản xuất. Nếu không có sự hỗ trợ kịp thời của các cấp, các ngành, nguy cơ tái nghèo khi gặp rủi ro rất cao. Được sự giúp đỡ của các tổ chức chính trị xã hội, tổ tiết kiệm và vay vốn, năm 2018 chị Lan vay thêm 25 triệu đồng để tiếp tục đầu tư sản xuất.
Có vốn chị Quyên đầu tư vào nuôi bò, trồng nhãn, trồng bưởi, phát triển kinh tế hộ. Đến nay, ngoài hơn 2ha chè và gần chục ha rừng, từ cặp bò đầu tiên mua bằng nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, gia đình chị Quyên có thêm 2 bê con và trồng thêm được 150 gốc bưởi, 100 gốc nhãn. Hiện những loại cây này đã bắt đầu cho quả, thu nhập ước tính cả trăm triệu đồng/năm. Kinh tế gia đình ngày một ổn định, có điều kiện nuôi con học hành, xây dựng nhà cửa khang trang…và trở thành một trong những hộ gia đình điển hình thoát nghèo bền vững của xã và huyện.
Nhờ chăn nuôi, nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo.
Giảm nghèo bền vững
Quyết định 28/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cho vay hộ mới thoát nghèo đã mở rộng thêm đối tượng được vay vốn tín dụng ưu đãi đó là những hộ mới thoát nghèo. Đây là những gia đình đã từng là hộ nghèo, cận nghèo qua điều tra, rà soát hàng năm có thu nhập bình quân đầu người cao hơn chuẩn cận nghèo theo quy định của pháp luật hiện hành, được UBND cấp xã xác nhận và thời gian kể từ khi ra khỏi danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo tối đa là 3 năm.
Lãi suất cho vay áp dụng đối với hộ mới thoát nghèo bằng 125% lãi suất cho vay đối với hộ nghèo quy định trong từng thời kỳ.
Theo ông Tăng Tiến Sỹ, Giám đốc Ngân hàng Chính sách huyện Tân Sơn, chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo đã tạo đà cho các hộ thoát nghèo bền vững; góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Thời gian tới, để nguồn vốn chương trình phát huy hiệu quả, Phòng giao dịch huyện Tân Sơn tiếp tục chỉ đạo tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm sử dụng vốn, đôn đốc, thu hồi nợ đến hạn.
Hiện nay, Ngân hàng Chính sách tỉnh Phú Thọ đã và đang thực hiện 15 chương trình tín dụng chính sách với tổng dư nợ tín dụng đạt trên 4.200 tỷ đồng. Ngân hàng phấn đấu dư nợ tín dụng hết năm 2020 đạt khoảng 603 tỷ đồng với hơn 13.600 lượt hộ mới thoát nghèo được vay.
Ông Nguyễn Thanh Tĩnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Phú Thọ khẳng định, nguồn vốn cho vay hộ mới thoát nghèo là một trong những chương trình tín dụng có sức lan tỏa, kịp thời “tiếp sức” cho các hộ mới thoát nghèo tiếp tục có điều kiện đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, phát triển sản xuất, cải thiện đời sống và thoát nghèo bền vững.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai còn một số hạn chế như: tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo được áp dụng cho các hộ gia đình ra khỏi danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo trong vòng 3 năm chưa đủ đảm bảo thời gian để các hộ có điều kiện thoát nghèo bền vững; thời hạn cho vay tối đa 5 năm chưa phù hợp với chu kỳ sinh trưởng, phát triển của một số cây trồng, vật nuôi (vì hiện nay các hộ mới thoát nghèo chủ yếu sử dụng vốn đầu tư vào phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng rừng, trồng cây công nghiệp, cây ăn quả, cây lấy gỗ,…).
Hiệu quả phối hợp giữa các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ kết nối giữa sản xuất với thị trường tiêu thụ sản phẩm tại một số địa phương chưa cao, dẫn tới hiệu quả sử dụng vốn tín dụng chính sách vẫn còn hạn chế.
Để tiếp tục phát huy tốt hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội, góp phần tích cực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới, mới đây, ngày 6/3/2020, UBND tỉnh Phú Thọ đã có báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đề nghị Chính phủ cho phép tiếp tục thực hiện chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo khi hết thời hạn quy định (31/12/2020) để người dân có điều kiện tiếp cận vốn tín dụng chính sách, phát triển kinh tế thoát nghèo bền vững.