Hợp pháp hóa mại dâm - Nên hay không nên? Đó là nội dung được các đại biểu thảo luận tại hội thảo về quan điểm, định hướng xây dựng chính sách, pháp luật về mại dâm do Bộ LĐTB&XH; tổ chức ngày 28/3 tại Hà Nội.
Theo ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục Phòng chống Tệ nạn xã hội (Bộ LĐTB&XH), xu hướng trên thế giới, quyền công dân, quyền con người ngày càng được nâng cao. Hầu hết mại dâm bị cấm ở nhiều quốc gia, nhưng một số chính phủ các nước lại cho rằng nên “hợp pháp hóa” mại dâm để dễ kiểm soát. Tuy nhiên sau một thời gian đã cho thấy, việc hợp pháp hóa mại dâm thường không đạt được những mục tiêu đề ra mà còn làm cho vấn đề nghiêm trọng hơn, do đó một số nước sau thời gian dài chấp nhận mại dâm như một nghề đã phải quay lại biện pháp cấm hoàn toàn.
Tại nước ta hiện nay, việc nên hay không nên công nhận mại dâm là một nghề đã được bàn tới từ nhiều năm nay, nếu công nhận là nghề thì rất khó, vì đã là nghề thì phải tuân theo Luật Giáo dục nghề nghiệp, phải có giáo trình, chứng chỉ, thang bảng lương... theo quy định.
Bàn về vấn đề này, TS Trần Văn Đạt, Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp cho rằng: xuất phát từ thực tiễn và yêu cầu đổi mới thì quan điểm xây dựng Luật về phòng, chống mại dâm cần hướng dần đến công nhận mại dâm là một nghề. Nhà nước nên thừa nhận mại dâm và tổ chức quản lý hoạt động mại dâm trong các khu vực riêng biệt giống như một số quốc gia khác. Tuy nhiên đây là vấn đề cần có đánh giá, nghiên cứu một cách nghiêm túc, thấu đáo. Bởi lẽ, tệ nạn mại dâm là một vấn đề xã hội, để giải quyết cần phải có những biện pháp mang tính xã hội, phù hợp trong một thời điểm nhất định. Mặt khác giải quyết vấn đề này cần xem xét dưới nhiều góc độ, nhiều yếu tố như truyền thống văn hóa Việt Nam.
“Trên cơ sở tiếp cận theo hướng dần công nhận mại dâm là một nghề thì Dự thảo luật cần xác định việc quản lý mại dâm là trách nhiệm chính của Nhà nước. Do vậy Nhà nước phải có chính sách đầu tư về kinh phí cho việc xây dựng các khu phố quản lý riêng biệt, dịch vụ y tế…để người hành nghề mại dâm có thể được hoạt động trong sự quản lý của Nhà nước. Tuy nhiên cũng cần phải thể hiện nhất quán quan điểm không khuyến khích phát triển hoạt động này. Vì vậy các chính sách cần phải hướng đến các biện pháp phòng, chống mại dâm” - TS Trần Văn Đạt nói.
Cũng theo ông Lập, dù có áp dụng biện pháp nào thì chúng ta cũng phải thừa nhận mại dâm là một vấn đề hiện hữu trong xã hội. Vì vậy việc áp dụng các biện pháp tiếp cận giảm tác hại là giải pháp khả thi nhất và mang lại nhiều kết quả trong giai đoạn hiện nay.
Cho đến nay, bên cạnh những kết quả đã đạt được, hệ thống pháp luật về phòng chống mại dâm đã bộc lộ những bất cập không còn phù hợp với yêu cầu trong giai đoạn phát triển mới, do đó việc xây dựng Luật về phòng, chống mại dâm là cần thiết.