Hàng năm, cứ vào dịp này, trên khắp con đường làng Hương Trà (phường Hòa Hương, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam), những hàng cây sưa cổ thụ hơn 100 năm tuổi lại trổ hoa vàng khoe sắc trong nắng. Làng quê vốn yên tĩnh bỗng nhộn nhịp bởi du khách đến thăm.
Trên các con đường làng Hương Trà dài hàng km, hai bên là những hàng sưa cổ thụ tỏa bóng mát và hoa nở rộ. Dưới sông cũng lung linh bóng sưa vàng. Những con thuyền chở nắng, chở cả ánh vàng hoa sưa.
Theo người làng Hương Trà, con đường trước đây là một tuyến đê ven sông được dân làng đắp và trồng cây sưa hai bên để giữ đất chống sạt lở và ngăn chặn nước sông Tam Kỳ dâng cao tràn ngập vào ruộng vườn, nhà cửa. Dần dà sưa lớn tỏa bóng mát. Những ngày hoa sưa nở luôn thu hút du khách gần xa. Gần đây TP Tam Kỳ lại có Lễ hội mùa hoa sưa nên làng Hương Trà lại càng nổi tiếng.
Ngôi nhà của ông Bùi Thanh Tuấn (70 tuổi) nằm bên bờ sông Tam Kỳ dưới hàng cây sưa cổ thụ, với những tán lá rộng tỏa bóng mát. Ông Tuấn cho biết khi sinh ra đã thấy hàng cây sưa. Cha ông kể lại, ngày xưa khi làng mới hình thành bên dòng sông, vào một đêm mưa to gió lớn, nước lũ từ thượng nguồn đổ về, có một cây cổ thụ tấp vào đê làng. Khi mưa tạnh, dân trong làng mới chặt nhánh cắm dọc bờ đê cho chắc thân đê, nhưng không ngờ sau thời gian cây nứt lá, vươn thân rất nhanh. Mấy năm sau cây lớn xanh tốt rồi ra hoa vàng, tỏa hương thơm ngát.
Về sau này mới biết đó là cây sưa. Theo các nhà nghiên cứu thì đây là một loài chi của cây Giáng Hương, dân địa phương còn gọi là sưa vườn, khác với loại sưa trắng, sưa đỏ ở miền Bắc. Cây sưa vàng này đã làm đẹp cho quê hương Hương Trà nói chung và TP Tam Kỳ nói riêng và nó đã trở thành nơi thương nhớ, đi về của bao thế hệ người dân.
Chị Nguyễn Thị Hoài Thu, người làng Hương Trà cho biết, ở làng này nơi có nhiều cây sưa cổ thụ nhất phải kể đến là vườn Cừa, nơi dọc bờ sông Tam Kỳ với hàng chục cây đường kính từ hơn 1m, tuổi đời hơn 100 năm, vào mùa nắng cây sưa tỏa bóng mát và ra hoa nở vàng rực rỡ rất đẹp. Hiện nay làng Hương Trà có khoảng 200 hộ dân trồng sưa với hàng trăm cây sưa lớn nhỏ, trong đó khoảng hơn 100 cây sưa cổ thụ.
“Du khách đến đây quanh năm, vào dịp lễ hội thì rất đông nên mỗi ngày tôi bán giải khát cũng kiếm được từ 2 - 3 triệu đồng, còn ngày thường thì từ 300 - 500 nghìn đồng/ngày. Khi khách du lịch đến đông thì tôi còn giữ xe cho khách, nhờ vậy có thêm nhiều nguồn thu nhập” - chị Thu cho biết. Còn chị Nguyễn Thị Cúc, một du khách cho biết: “Tôi đã nhiều lần đến tham quan vườn Cừa thấy rất đẹp, độc đáo, chưa thấy ở đâu có những hàng sưa cổ thụ ra hoa vàng rực rỡ trải xuống cả dòng sông, cảnh quá đẹp và thơ mộng.
Đang tất bật dọn đồ bán nước giải khát ở vườn Cừa, chị Nguyễn Thị Ánh cho hay, mấy hôm nay rất đông người dân và du khách đến đây chụp ảnh lưu niệm với hàng cây sưa. Hoa sưa đang ra hoa vàng rất đẹp, tỏa mùi hương thơm nhẹ nhàng dưới ánh nắng. Nhờ vậy mà những ngày qua chị bán được nhiều nước giải khát cho du khách, qua đó giúp gia đình chị có nguồn thu nhập để trang trải cuộc sống gia đình.
“Mưu sinh là chuyện đã đành, nhưng vui lắm khi thấy hoa sưa vàng thắm cả một làng quê và đông đảo du khách xa gần về đây tham quan, chụp ảnh lưu niệm, trò chuyện rôm rả, không khí những ngày này rất sôi động” - chị Ánh nói.
Tới nay chính quyền TP Tam Kỳ đã đẩy mạnh về phát triển du lịch làng sinh thái Hương Trà, với hoạt động như Lễ hội hoa sưa nhằm tuyên truyền, quảng bá các giá trị văn hóa, nghệ thuật đặc sắc của vùng đất, qua đó giới thiệu, quảng bá về vùng đất, con người và các điểm du lịch ở Tam Kỳ nói chung và làng Hương Trà nói riêng; tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, dịch vụ và du lịch của thành phố.
Tuy nhiên, theo người dân trong làng, muốn phát triển du lịch sinh thái thì chính quyền cần đầu tư thêm cơ sở hạ tầng để thu hút, giữ chân du khách.
Ông Nguyễn Hồng Lai - Phó Chủ tịch UBND TP Tam Kỳ cho biết, nhằm quảng bá, giới thiệu về hình ảnh đất và người Tam Kỳ, thông qua một số hoạt động thiết thực để kích cầu phát triển du lịch thành phố tại thời điểm mùa hoa sưa thành phố khoe sắc, UBND TP Tam Kỳ tổ chức Lễ hội “Tam Kỳ - Mùa hoa sưa năm 2023”, thời gian từ ngày 8/4 - 30/4 tại làng sinh thái Hương Trà, trong đó những hoạt động chính của chương trình lễ hội sẽ diễn ra từ ngày 20/4 đến hết ngày 23/4.
Theo ông Lai, đến với lễ hội hoa sưa du khách sẽ được trải nghiệm không gian làng quê, những hoạt động văn hóa thể thao truyền thống, ghi lại những khoảnh khắc đẹp với loài đặc trưng của Tam Kỳ - thành phố của hoa sưa.
Theo ông Hồ Minh Sơn, một người dân làng Hương Trà, tại vườn Cừa có khoảng 197 cây sưa, đa số những cây sưa cổ thụ trên 100 năm tuổi. Nguồn gốc của tên gọi Hương Trà xuất phát từ 2 loại cây được người dân trồng tại vùng đất này là cây sưa, vì đó là loài cây Giáng Hương. Hư thực chưa biết thế nào, nhưng rõ ràng cây sưa hoa vàng đã trở thành nét riêng độc đáo của vùng đất này.