Không một loài thú nào có cái cổ cao như hươu cao cổ, điều đó đã được khẳng định. Tuy nhiên, loài hươu này không chỉ độc đáo nhờ chiếc cổ mà đời sống của chúng cũng có nhiều điều kỳ lạ.
Hươu cao cổ có cuộc sống bầy đàn khá tình cảm.
Ít ai biết rằng, hươu cao cổ từng giúp NASA- Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ. Người ta biết rằng, khi ở trong không gian, máu chuyển động khá khác biệt so với trạng thái bình thường. Hệ thống tuần hoàn của chân không bơm máu trở lại khiến tĩnh mạnh rơi vào trạng thái gần như không hoạt động và yếu đi.
Để khắc phục điều này, giữ sức khỏe cho các phi hành gia khi quay trở về trái đất, các nhà khoa học của NASA đã nghiên cứu cấu tạo sinh học của hươu cao cổ và nhận thấy hươu cao cổ khi mới sinh ra đã ngay lập tức đứng dậy được là nhờ vào hệ tĩnh mạch ở chân phát triển nhanh chóng.
Từ kết quả nghiên cứu đó, NASA đã tạo ra một thiết bị bao gồm một ống kín dán vào xung quanh thắt lưng của các phi hành gia và áp dụng lực chân không, khiến các tính mạch ở chân mở rộng và quá trình lưu thông máu diễn ra bình thường.
Khác với vẻ ngoài lành hiền, hươu cao cổ có khả năng chiến đấu rất tốt. Theo nhà nghiên cứu động vật hoang dã Phranco Superiett, hươu cao cổ có sức mạnh tiềm ẩn. Chúng có khả năng nhảy cao, nhảy xa ít loài có được, chính vì thế chúng có thể phi nước đại chạy trốn hoặc tấn công kẻ thù.
Một cuộc chiến.
Khi giao chiến, chiếc cổ dài là một vũ khí vô cùng lợi hại, dùng để quật ngã đối phương. Với một cú đá sấm sét, hươu cao cổ có thể khiến một con sư tử bị thủng bụng. Người ta cũng không giải thích được một cách rõ ràng vì sao chiếc cổ rất dài ấy lại không bị vôi hóa, hoặc là lệch đĩa đệm giữa hai đốt sống.
Hươu cao cổ có bước chạy đều đặn, tạo ra một giai điệu đặc biệt. Người Bushmen ở khu vực Kalahari đã sử dụng giai điệu này trong các điệu nhảy săn bắn của họ. Mỗi bước đi của một con hươu cao cổ trưởng thành có sải chân dài 4,5m, có nghĩa là tốc độ trung bình khi đi bộ của loài này lên đến 16km/giờ, còn khi phi nước đại, một con hươu cao cổ có thể đạt tốc độ 56 km/giờ.
Thực tế thì mỗi ngày loài hươu này dành ra khoảng 1/3 thời gian chỉ để... chạy, tương ứng là 1/3 thời gian tìm thức ăn và số giờ còn lại để nghỉ ngơi.
Hươu cao cổ ngày càng ít đi, một phần do chúng bị con người săn bắt, phần khác do thói quen giao phối phức tạp. Bất cứ con hươu cái nào cũng từ chối giao phối trong suốt quá trình mang thai kéo dài 15 tháng.
Hai mẹ con.
Giữa các kỳ mang thai, hươu cái có thể giao phối với một con đực phù hợp, nhưng chỉ trong giai đoạn ngắn theo chu kỳ cách nhau hai tuần. Gần giống như loài gấu trúc, các nhà nghiên cứu nhận thấy hươu cao cổ rất “lười” giao phối, từ đó dẫn đến số hươu non được sinh ra rất ít. Trong đời một con hươu cái, thường chỉ sinh nở 3-4 lần, nhưng số con non sống sót chỉ khoảng 1/2.
Nếu chiếc cổ dài và 4 chân lênh khênh giúp hươu cao cổ dễ dàng kiếm thức ăn trên cao thì ngược lại, chính điều đó khiến chúng rất khó nhọc khi tìm nước uống.
“Đây là vấn đề nghiêm trọng với hươu cao cổ. Để uống nước, chúng cần dang rộng hai chân trước và cúi cổ xuống một cách vụng về. Khi đó, chúng rất dễ bị các loài động vật ăn thịt, như cá sấu- tấn công”- P.Superriett đưa ra nhận xét. Nhưng để bù lại, hươu cao cổ lại có chiếc dạ dày kì lạ, giúp chúng có thể chịu đựng được bất cứ nguồn nước nào, dù là bẩn.
Chúng cũng không cần quá nhiều nước vì rằng hệ thống tiêu hóa của hươu có thể hấp thu được gần như tất cả các loại nước cần thiết từ các loại cây mà chúng ăn. Thêm nữa, hươu cao cổ hầu như không thoát mồ hôi hoặc buộc phải thở mạnh để làm mát cơ thể. Thay vào đó, chúng cho phép nhiệt độ cơ thể dao động theo nhiệt độ xung quanh để tiết kiệm nước.
Hươu cao cổ là động vật cao nhất hiện nay còn tồn tại trên cạn.
Một điều rất đặc biệt nữa ở loài thú này chính là miệng và lưỡi của chúng. Lưỡi của một con hươu cao cổ trưởng thành dài tới 50cm. Lưỡi có màu xanh đen để tự bảo vệ khỏi tác động của ánh sáng mặt trời, nhưng đáng nể hơn lưỡi của chúng được dùng để nắm các vật khác. Hươu cao cổ còn dùng lưỡi để... ngáy và làm sạch tai.
Để lấy thức ăn, chúng chỉ cần dùng lưỡi liếm xung quanh những tán lá và giật mạnh rồi đưa vào miệng. Các bộ phận bên trong miệng, cùng với môi và lưỡi hươu cao cổ được bao phủ bởi một phần mô nhú cứng giống như ngón tay để bảo vệ chúng khỏi bụi gai và các vết thương. Chính nhờ cấu tạo đặc biệt ấy mà chúng có thể ăn được cả những bụi gai mà không hề bị tổn thương.
Hươu cao cổ là loài vật cao nhất hiện còn tồn tại trên cạn, chúng có thể cao từ 4,8-5,5m và nặng hơn 1 tấn đối với con đực, còn con cái vào khoảng 800-900kg. Con hươu cao cổ “khủng” nhất từng được ghi nhận cao tới 5,87m và nặng gần 2 tấn.
Cũng chính cơ thể khổng lồ và hàm lượng dinh dưỡng cao trong thịt đã khiến hươu cao cổ thường xuyên phải đối mặt với các loài ăn thịt như sư tử, chó hoang hay linh cẩu, bởi một con trưởng thành có thể đáp ứng nhu cầu ăn cho cả đàn sư tử.
Tới nay, người ta chỉ còn thấy hươu cao cổ trong các vườn thú. Ở tự nhiên, chúng còn rất ít và thường trốn tránh trong rừng sâu. Riêng với châu Phi, hươu cao cổ còn khá nhiều, được bảo vệ trong những khu vườn cấm quốc gia.
Ngay từ năm 2.500 trước Công nguyên, các vị vua Ai Cập cổ đại đã dùng hươu cao cổ làm quà tặng của những người cầm quyền. Julius Caesar, một vị vua nổi tiếng của Ai Cập cổ đại từng nhận một món quà là hươu cao cổ và đem về diễu hành tại Roma. Zarafa là con hươu đầu tiên được dùng làm món quà hoàng gia mà Muhammad Ali- Phó vương Ottoman của Ai Cập dành tặng vua Charles X tháng 10-1826, sau hành trình từ Marseilles đến Paris (nước Pháp) |