Dư luận vẫn tiếp tục nóng với ý tưởng phát hành chứng chỉ vàng để huy động lượng vàng nhàn rỗi trong dân. Nhiệm vụ huy động vàng trong dân liệu có bất khả thi? Báo cáo Kinh tế vĩ mô Việt Nam quý II-2016 do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội công bố chiều 14/7 thêm một lần nữa đề cập tới vấn đề nêu trên.
Huy động vàng trong dân - ý tưởng tốt nhưng khó thực thi.
Theo báo cáo, giá vàng hơn một tuần qua có nhiều biến động. Còn giá vàng giao tháng 8 trên thị trường thế giới tăng tương ứng lên 1.343 USD/oz. Theo tỷ giá ngoại tệ ngày 14/7, giá vàng thế giới tương đương ở mức 35,44 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng SJC 1,76 triệu đồng/lượng.
Chỉ đạo mới của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nghiên cứu, xem xét đưa phương án huy động nguồn lực trong dân (bao gồm vàng và tiền) nhằm tạo nguồn lực phục vụ tăng trưởng kinh tế.
Đề án huy động vàng trong dân cũng từng được đưa ra từ 2 năm trước, thời điểm giá vàng trong nước còn có những đợt vênh giá kỷ lục với giá vàng quốc tế đến 5 triệu đồng. Và nay người dân bắt đầu thờ ơ với vàng, hiện tượng người dân đổ xô, xếp hàng mua vàng đã gần như không còn, thị trường được “bình ổn” theo đúng nghĩa. Câu chuyện huy động nguồn vàng trong dân để đưa vốn vào phục vụ sản xuất kinh doanh không mới.
Hiệp hội kinh doanh vàng cho rằng, về phương thức huy động, NHNN có thể phát hành các chứng chỉ vàng ngắn, trung và dài hạn để gom vàng về. Với chứng chỉ vàng ngắn hạn, nên nghiên cứu áp dụng lãi suất 0% như áp dụng với huy động USD.
Với chứng chỉ vàng trung, dài hạn, NHNN xem xét trả một khoản lãi suất nhỏ để khuyến khích người dân gửi vào “kho” của NHNN, đồng thời yêu cầu người gửi tiền không được rút trước hạn. Sau đó, có thể cho Bộ Tài chính dùng số vàng này làm tài sản thế chấp để vay ngoại tệ của các tổ chức tài chính nước ngoài, phục vụ các dự án phát triển kinh tế - xã hội.
Và việc phát hành chứng chỉ vàng lấy vàng thật hơn 1 tuần trở lại đây đã làm nóng thị trường. Nhiều ý kiến đưa ra đây là việc không thể, người dân sẽ không chịu đổi vàng thật để lấy “vàng giấy”. Còn phía NHNN? Đến nay cơ quan quản lý về vàng và tiền tệ vẫn không đưa ra một ý kiến gì và hoàn toàn im lặng.
Cũng cần nói thêm, con số vàng “nằm chết” trong dân chính xác là bao nhiêu vẫn chưa thống kê được cụ thể. Lượng vàng 500 tấn thường được đề cập chỉ là một ước tính. Và thói quen của người dân Việt Nam vẫn là mua vàng đút lọ. Người dân cầm vàng hầu như ít quan tâm đến lợi nhuận trước mắt mà nắm giữ tài sản cho dài hạn.
Tại báo cáo Kinh tế vĩ mô Việt Nam quý II-2016 do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng phân tích , huy động vàng cộng với những kích hoạt khác từ phía cầu như trường hợp Brexit sẽ tạo ra những cú sốc tích trữ, đầu cơ, khiến thị trường bất ổn và dễ tổn thương hơn. Đây sẽ là nguyên nhân chính dẫn tới hiện tượng vàng hóa trở lại.
Nhóm nghiên cứu VEPR nhận định, bản chất của việc huy động vàng là đi ngược với nguyên tắc kinh tế. Vàng hiện được cất giữ trong dân, mang bản chất như mọi tài sản khác và chỉ ưu việt hơn về việc cất giữ, bảo quản. TS. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng VEPR khẳng định, muốn người dân không nắm giữ vàng nữa, cần môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, lãi suất tiền đồng ổn định và người dân thấy có lợi, khi đó người dân bán vàng để chuyển sang gửi tiết kiệm hoặc các kênh đầu tư khác.
Báo cáo của VEPR cũng ghi rõ “trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã lần lượt loại vàng và ngoại tệ ra khỏi hệ thống tín dụng. Ngân hàng Nhà nước cần thực hiện việc này một cách nhất quán, quyết đoán, tránh lập lại những sai lầm không cần thiết”.
Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Đức Độ bình luận rằng chuyện huy động vàng gần như là rất khó. Tâm lý nắm giữ vàng của người dân, đặc biệt là ở nông thôn rất khó thay đổi và có những cái thuộc về tập quán. Lãi suất cao hay thấp, giá vàng lên hay xuống người ta vẫn tích, theo thói quen. Do đó, để thay đổi điều này không dễ.