Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử đất nước. Tham dự và chứng kiến sự kiện trọng đại này, có một số người nước ngoài, trong đó có thiếu tá tình báo Mỹ Archimedes L.A Patti.
Trong ngày lịch sử trọng đại của người Việt Nam, ngày 2/9/1945, cùng với nhóm công tác của mình, thiếu tá Patti đã có mặt tại Quảng trường Ba Đình để rồi miêu tả một cách chi tiết về sự kiện này trong những trang viết của thiên hồi ký “Why Việt Nam?” (Tại sao Việt Nam?), xuất bản 35 năm sau, trong đó có đoạn: “Từ sớm tinh mơ, dân chúng Hà Nội như các bầy ong, từng đoàn lúc lớn lúc nhỏ, lũ lượt dần dần kéo đến cạnh Quảng trường Ba Đình. Ở nhiều chỗ là một khối dân chúng các làng ngoại ô. Đi theo trong biển người đó, có cả những toán nhân dân miền núi với y phục địa phương của họ, và nông dân trong những bộ khăn áo cổ truyền. Giữa các khối khác nhau, người ta dễ dàng nhận ra các tổ chức của công nhân, sơ mi trắng, quần dài hoặc quần soóc trắng hoặc xanh. Phụ nữ mặc áo dài trắng hay màu sáng, tay khoác nón”. (NXB Đà Nẵng, 2008, người dịch Lê Trọng Nghĩa).
Viên sĩ quan tình báo Mỹ cùng toán OSS (Cơ quan phục vụ chiến lược Mỹ) nhận thấy trên tay dòng người nô nức “thật đáng kinh ngạc” ấy những tấm biểu ngữ: “Việt Nam của người Việt Nam”, “Thà chết, không nô lệ”, “Hoan nghênh Đồng minh”…
1. Sau những ngày sôi sục khí thế cách mạng giành chính quyền về tay nhân dân, mà đỉnh cao là Tổng khởi nghĩa Tháng Tám ngày 19/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng những người đồng chí vào sinh ra tử của mình đã nhanh chóng đứng ra thành lập Chính phủ, cùng toàn thể người dân Việt Nam không phân biệt trẻ già, trai gái, giai cấp, tôn giáo, dân tộc... xây dựng đất nước của mình: Một đất nước kiệt quệ trong đêm trường nô lệ dưới ách thực dân phong kiến, một đất nước hơn 90% người dân mù chữ, một đất nước mà nhà tù thực dân nhiều hơn trường học.
Để đến ngày 2/9, Chủ tịch Hồ Chí Minh chính thức tuyên bố với toàn thế giới một nước Việt Nam độc lập, nước Việt Nam của người Việt Nam, do người Việt Nam làm chủ.
Trong đêm trường nô lệ lầm than, người Việt Nam ý thức sâu sắc về nền độc lập, độc lập cho dân tộc, tự do cho giống nòi. Nền độc lập ấy chỉ có được dưới sự dẫn đường của Đảng Cộng sản Việt Nam, của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Khí thế quật cường của một dân tộc không chịu sống quỳ đã gắn kết người Việt Nam lại bên nhau, dựng lên một Nhà nước công nông mới chưa từng có tiền lệ trong lịch sử dân tộc. “Đất nước bốn ngàn năm không nghỉ/ Những đạo quân song song cùng lịch sử/ Đi suốt thời gian, đi suốt không gian/ Sừng sững dưới trời, anh dũng hiên ngang”. Và đó cũng là “Đất nước của những người con gái con trai/ Đẹp như hoa hồng, cứng như sắt thép/ Xa nhau không hề rơi nước mắt/ Nước mắt để dành cho ngày gặp mặt...”, như nhà thơ Nam Hà đã viết trong bài thơ “Chúng con chiến đấu cho người sống mãi Việt Nam ơi”.
Ngày 2/9/1945 mãi mãi đi vào lịch sử dựng nước và giữ nước của người Việt Nam như một cột mốc huy hoàng nhất. Đó là ngày toàn thể dân tộc Việt Nam “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”. Những tháng ngày hào hùng của Tổng khởi nghĩa Tháng Tám, của Ngày Độc lập 2/9 là ngọn gió mát lành lồng lộng trên khắp non sông. Tinh thần ấy, khí thế đã giúp chúng ta bước vào những cuộc chiến đấu sinh tử một mất một còn trong suốt nửa sau của thế kỷ XX đầy biến động. Liên tiếp những cuộc kháng chiến trường kỳ với những hy sinh, mất mát lớn lao, dân tộc Việt Nam đã kiên gan bền chí, quật cường vượt qua tất cả. Để đến trưa ngày 30/4/1975, lá cờ của đội quân chiến thắng tung bay trên nóc Dinh Độc lập, đặt dấu chấm hết cho cuộc trường chinh gian nan và mở ra chân trời mới: Đất nước thống nhất, giang sơn thu về một mối. “Ta lại về ta, những đứa con/ Máu hòa trong máu, đỏ như son”, như nhà thơ Tố Hữu đã viết trong bài thơ “Việt Nam máu và hoa”.
Kể từ đó, toàn thể dân tộc Việt Nam lại bước tiếp vào cuộc trường chinh mới, cuộc trường chinh xây dựng đất nước hùng cường; thực hiện ước nguyện thiêng liêng của Bác Hồ kính yêu: Xây dựng đất nước Việt Nam “bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu”, như trong “Thư gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa”, Người viết ngày 15/9/1945...
2. Những ngày này, cả nước đang phải gồng mình chiến đấu chống lại đại dịch Covid-19, chống lại kẻ địch vô thanh vô ảnh nhưng sự tàn phá, hủy hoại của nó vô cùng khốc liệt. Kể từ đầu năm 2020, đây là đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, đợt bùng phát với biến thể Delta hoành hành dữ dội. Tính từ ngày 27/4/2021 tới nay, 62/63 tỉnh thành cả nước đều đã có ca Covid-19. Nhất là tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, dịch bệnh bùng phát dữ dội với những diễn biến phức tạp, kéo dài.
Đảng, Nhà nước hết lòng, hết sức chăm lo cho dân. Người dân đồng lòng cùng Đảng, Nhà nước chống dịch. Tại nhiều địa phương phải áp dụng Chỉ thị 16-CT/TTg giãn cách xã hội để phòng, chống dịch, cuộc sống của người dân gặp nhiều bất tiện, khó khăn. Nhưng, cũng chính trong thời khắc gian khó ấy, đạo lý “thương người như thể thương thân”, truyền thống tương thân tương ái “lá lành đùm lá rách” của người Việt Nam lại bừng dậy, sáng ngời. Trong từng hẻm phố thực hiện cách ly, người dân sẻ chia, giúp đỡ nhau không hề tính đếm. Còn trên tuyến đầu chống dịch, đội ngũ y bác sĩ; những cán bộ, chiến sĩ, những người trực chiến tại các chốt kiểm soát, thành viên của những Tổ Covid cộng đồng... không quản ngày đêm, không ngại hiểm nguy. Họ đứng cùng nhân dân trong cuộc chiến đầy cam go. Hơn bao giờ hết, sự đoàn kết, đồng thuận, đồng lòng được phát huy cao độ.
Ngày Độc lập - Quốc khánh 2-9 năm nay là một dịp thật đặc biệt. Một lần nữa chúng ta lại được chứng kiến tinh thần đại đoàn kết thiêng liêng của dân tộc Việt Nam. Tinh thần ấy đã tạo nên sức mạnh vô song của dân tộc Việt Nam, được đúc kết trong hàng ngàn năm lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước. Tinh thần ấy đã chói sáng rực rỡ trong ngày 2/9 cách đây 76 năm, nay lại hiển hiện trong từng gương mặt, từng ánh mắt, từng hành động cụ thể của mỗi một người dân khi cả nước đồng lòng chống dịch.
Với tinh thần ấy, khi sức mạnh đã kết thành một khối, chúng ta tin tưởng chắc chắn rằng gian khó sẽ vượt qua, dịch bệnh sẽ sớm chấm dứt, cuộc sống sẽ lại an lành. Không để ai bị bỏ lại phía sau, cùng kề vai sát cánh đồng cam cộng khổ vượt khó khăn. Đại dịch sẽ được dập tắt, chúng ta sẽ nhớ lại những ngày tháng này, những tháng ngày triệu người như một vượt qua đại dịch cùng đất nước vững vàng tiến về phía trước. Khó khăn, thách thức càng làm ngời sáng những phẩm chất cao quý của người Việt Nam ta, càng trui rèn ý chí của mỗi người chúng ta. Để chúng ta càng mạnh mẽ hơn, yêu thương nhau hơn và tự hào về Đất nước của mình hơn. Đất nước của những con người “đẹp như hoa hồng, cứng như sắt thép”...