Huy Trụ, một hồn thơ sâu lắng

ANH TUẤN 03/07/2023 07:16

Có lẽ, dòng sông Mã (Thanh Hóa) là mạch nguồn cảm xúc đã làm nên tên tuổi của nhà thơ Huy Trụ. Như chính ông đúc rút rằng, gần như cả đời thơ của mình đó là sự nung nấu, để đến khi giọt nước tràn ly sẽ tuôn chảy thành những tứ thơ giàu hình tượng, được nhiều người yêu thích. Thơ ông, tả thực về những thứ rất đỗi mộc mạc nhưng ẩn chứa bên trong biết bao sự kỳ vọng lớn lao.

Nhà thơ Huy Trụ.

Huy Trụ sinh ra trong một gia đình ở làng Bồng Thượng, nằm bên bờ tả dòng sông Mã, nơi khởi sinh của nhà Trịnh có nhiều công lao to lớn đối với đất nước.

Nói về câu chuyện một đời thơ của mình, nhà thơ Huy Trụ nhớ lại: “Vào năm học lớp 7 tại xã Vĩnh Minh, tôi bắt đầu viết những vần thơ đầu tiên ghi lại những cảm nhận xung quanh làng quê và có một bài được đăng trên Báo Thanh Hóa”. Bài thơ xuất bản, như một chất xúc tác đặc biệt để rồi cậu bé Huy Trụ âm thầm trăn trở với từng con chữ.

Lớn lên, ông vào quân đội, huấn luyện tại Chiến khu Ngọc Trạo, huyện Thạch Thành. Tại đây, người đứng đầu trung đoàn phát hiện năng khiếu văn học, nghệ thuật của chàng tân binh này. Chính vì vậy, Huy Trụ được điều sang tham gia vào đội văn nghệ, tập trung sáng tác thơ, xây dựng kịch bản để biểu diễn mỗi khi tiễn từng đoàn quân lên đường đi B chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc.

Sau gần 10 năm làm việc trong quân đội, Huy Trụ xuất ngũ trở về nhưng vẫn khó rời xa với công việc từng gắn bó. “Ông Hà Thái Khâm, người đứng đầu ngành kiểm lâm Thanh Hóa khi đó gửi thư mời tôi về đội văn nghệ đang rất mạnh của ngành, được đầu tư khá bài bản, chuyên đi biểu diễn, tuyên truyền trong lực lượng kiểm lâm. Nhưng chỉ khoảng hơn 1 năm sau, ông Khâm nghỉ, đội văn nghệ cũng yếu đi, nên tôi chuyển sang công tác ở ngành văn hóa Thanh Hóa. Hai năm tiếp theo, Sở Văn hóa - Thông tin thành lập Báo Văn hóa - Thông tin, tôi bắt đầu bén duyên với nghề báo nhưng trong trái tim vẫn luôn đau đáu với thơ”.

Huy Trụ ví thơ của mình giống như những cánh chim báo bão, bao giờ cũng phải đi trước một bước để nói về hiện tại và ẩn chứa tiềm tàng bên trong từng con chữ cả ở tương lai. Nói về tập thơ “Buồn vui con chữ” vừa xuất bản cách đây ít ngày, nhà thơ Huy Trụ ngẫm nghĩ một hồi rồi bộc bạch: “Tập thơ gần như là tập hợp đúc kết của một đời sáng tác thi ca của tôi”. Thi ca không phải một thứ gì đó có thể dễ dàng sản xuất được hàng ngày, nó chỉ ra đời, phát tác khi cảm xúc dâng trào tới đỉnh điểm hay rơi xuống vực thẳm giá trị tâm hồn. Và nghĩ ra một câu thơ phải đắn đo từng con chữ, suy đi, tính lại, chọn từ ngữ thế nào để nói được điều mình muốn nói: “Câu thơ như hững, như hờ mà day dứt đến bơ phờ ruột gan”.

“Thơ đối với tôi là sự nung nấu. Như bài thơ “Sông Mã” in trong tập thơ này, phải mất bao nhiêu năm trăn trở về dòng sông, suy ngẫm về tính cách của người Thanh Hóa, đến khi như giọt nước tràn ly, bài thơ mới ra đời”.

Bìa tập thơ "Buồn vui con chữ".

Ông kể rằng, những vần thơ trong bài này tuôn chảy chỉ trong vòng khoảng 30 phút thôi. Đó là những vần thơ tả thực về sự khắc nghiệt của dòng sông cũng như phong cảnh của vùng đất chứa đựng những giá trị văn hóa rất riêng này. Song, nó cũng lột tả được gần như trọn vẹn về tính cách của người Thanh Hóa. Con sông thực ra cũng có lúc êm ả, hiền hòa; nhưng biết bao lần trở nên hung dữ làm cho cuộc sống con người khốn khổ. Vào mùa mưa lũ, khi xưa những con đê đắp bằng đất mong manh, nước khoan xoáy ngầm, phá tung mặt đê tràn vào làng mạc. Nửa đêm vỡ đê thì kinh khủng lắm, tiếng trống vang lên giục giã, cảnh người dân lũ lượt di chuyển chạy lụt vẫn còn in đậm trong tâm trí biết bao người cho tới ngày nay.

Những vần thơ của Huy Trụ đã “cháy” âm ỉ trong tiềm thức nhiều thế hệ con em xứ Thanh. Nhà thơ Huy Trụ nhớ lại: “Một lần, lúc nửa đêm, tôi nhận được cuộc điện thoại từ Pháp. Người ở đầu dây bên kia đang hàn huyên câu chuyện về sông Mã, về người Thanh Hóa và họ nhớ tới những vần thơ trong bài "Sông Mã", nhưng không nhớ đầy đủ nên muốn tác giả đọc lại cho họ nghe. Cảm xúc khi đó dâng trào trong tôi rất lạ, rất tự hào”.

Thơ Huy Trụ vừa mềm mại, uyển chuyển, vừa hàm chứa giá trị sâu lắng bên trong. “Đã sống đất này, dám chấp nhận cùng nhau/ Một câu nói nửa rừng, nửa biển…/ Đi hết lòng nhau để cùng đến bến/ Khúc nông sâu, bồi lở thường tình”. “Hàm ý ẩn chứa trong tứ thơ đó là mong muốn sự nhẫn nhịn, chia sẻ để cùng nhau làm được những việc lớn, giúp dân, giúp nước”, nhà thơ Huy Trụ chia sẻ.

Có thể khẳng định, tập thơ “Buồn vui con chữ” đã tập hợp những áng thi ca đặc sắc nhất trong cuộc đời làm thơ của Huy Trụ. Những vần thơ ông viết ra như rút từ ruột gan mình. Ông đã vật lộn với chữ nghĩa, trăn trở, day dứt, có trách nhiệm với từng tứ thơ để cống hiến cho người đọc, khắc ghi dấu ấn một đời người.

Nhà thơ Huy Trụ tên thật là Trịnh Huy Trụ. Ông sinh năm 1950 tại làng Bồng Thượng, xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa). Ông tham gia hoạt động văn nghệ trong quân đội gần 10 năm. Năm 1979, Huy Trụ xuất ngũ về làm việc tại Báo Văn hoá Thông tin Thanh Hóa. Năm 1994, ông chuyển công tác sang Báo Đại Đoàn Kết, làm Trưởng Văn phòng đại diện Bắc Trung Bộ (trụ sở tại Thanh Hóa) cho tới khi nghỉ hưu. Nhà thơ Huy Trụ đã xuất bản 11 tập thơ, trong đó có 10 tập xuất bản riêng. “Buồn vui con chữ” là tập thơ mới nhất ông vừa xuất bản trong những ngày đầu tháng 6/2023.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Huy Trụ, một hồn thơ sâu lắng