Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc nhấn mạnh: “Xử lý các giếng nước của bà con trên địa bàn huyện bị nhiễm phèn, nhiễm bẩn do đợt mưa lũ vừa qua, để đảm bảo nguồn nước sạch cho người dân sử dụng, đồng thời hạn chế lây lan dịch bệnh như sốt xuất huyết, tiêu chảy là việc làm cấp bách khẩn trương”.
Theo đó, tại Quảng Nam sau khi nước lũ rút xuống, nhiều giếng nước của người dân ở huyện Đại Lộc bị nhiễm phèn hoặc nhiễm bẩn, cho dù họ đã làm nhiều cách để có nước sạch, thế nhưng sinh hoạt cuộc sống của người dân nơi đây vẫn gặp rất nhiều khó khăn.
Vì thế những ngày qua sau khi nước lũ rút xuống, người dân ở các xã Đại Lãnh, Đại Hưng, huyện Đại Lộc tất bật dọn dẹp nhà cửa, bùn đất bám đầy nhà cửa đến khuôn viên, đường sá. Nhưng thật đáng lo ngại trong đó nhiều giếng nước của bà con bị ngập nước lâu ngày dẫn đến nhiễm phèn hoặc nhiễm chất bẩn khiến cho đời sống sinh hoạt của người dân gặp rất nhiều khó khăn.
Có mặt nơi đây, qua trò chuyện nhiều hộ dân xã Đại Hưng, Đại Lãnh cho biết, để bảo vệ giếng đào, trước trận lũ dữ bà con đã dùng nắp đậy hoặc dùng tấm vải nylon bịt kín miệng giếng, thế nhưng đợt mưa vừa rồi lũ quá lớn khiến nước giếng vẫn bị nhiễm phèn và ô nhiễm rất nặng. Tấm nắp đậy và tấm vải nylon chỉ ngăn được rác, cặn bẩn trôi vào giếng thôi, chứ không thể ngăn chặn nước bẩn xâm nhập vào giếng.
Bà Huỳnh Thị Hai (55 tuổi), trú xã Đại Lãnh cho biết: “Do ở đây bà con dùng giếng đào, giếng đóng, gia đình tôi cũng vậy, giếng bị ngập trong nước lũ lâu ngày nên nguồn nước bị nhiễm phèn, hiện nay chúng tôi bơm lên bể để lọc qua nhưng vẫn còn phèn lắm. Nước này chỉ để dùng tắm giặt thôi, chứ nhiều nhà ăn uống phải mua nước bình về dùng”.
Trong khi đó, ông Trần Đắc Chí (53 tuổi), trú xã Đại Hưng cho rằng: “Đợt lũ vừa qua quá lớn vì thế nhiều khu vực ở địa phương bị ngập sâu trong nước, trong đó giếng nước của các hộ dân đã bị nhấn chìm trong nước lũ. Nhà cửa còn ngập huống gì giếng nước, mà đã ngập thì bị ô nhiễm thôi”.
Ông Phạm Quang Hiển Chủ tịch UBND xã Đại Hưng cũng xác nhận: “Trên địa bàn xã đa số các hộ dân dùng nước giếng khoan và giếng đào, đợt mưa vừa qua quá lớn gây lũ lụt làm ngập sâu nên nguồn nước bị nhiễm phèn, nhiễm bẩn dẫn đến người dân thiếu nguồn nước sạch để sinh hoạt. Khi lũ rút xuống thì nguồn nước sẽ dần dần ổn định trở lại. Đối với giếng đào thì dùng hóa chất để xử lý để nguồn nước sạch trở lại”.
Hiện nay người dân đang dùng nhiều cách để có nước sinh hoạt, như bơm nước từ giếng bị nhiễm phèn lên bể rồi lọc lấy nước, có người bỏ hàng chục triệu đồng để đóng giếng mới thật sâu qua khỏi nguồn nước ngầm bị nhiễm phèn, có người mua nước bình đã lọc về dùng cho việc ăn uống...
Ông Trần Đắc Chí cho biết: “Cứ mỗi khi vào mùa mưa bão, hàng trăm người dân lại rơi vào cảnh thiếu nước sạch để sinh hoạt, ở vùng lũ lụt thật khổ sở. Còn hiện nay để có nước sinh hoạt, người dân chúng tôi phải tìm mọi cách như lọc lại nguồn nước nhưng cũng không hết bẩn, chỉ để dùng tắm rửa, giặt đồ, nước dùng ăn uống phải mua nước bình”.
Còn bà Huỳnh Thị Hai, trú xã Đại Lãnh cho biết: “Để xử lý nguồn nước giếng bị ô nhiễm, gia đình bà đã tháo bỏ nắp đậy trên miệng giếng. Sau đó múc nước dưới giếng lên dội xung quanh thành giếng làm cho trôi sạch hết đất cát và bùn bám trên sàn nền giếng. Sau đó bỏ clorua vôi xuống giếng để xử lý lại nguồn nước cho sạch. Dù tôi phải mua hóa chất xử lý nhưng nguồn nước sau xử lý chỉ để cho gia đình tắm rửa, giặt giũ quần áo, nước nấu thức ăn thì phải mua nước lọc bình về sử dụng”.
Còn bà Trương Thị Minh Phương, Chủ tịch UBND xã Đại Lãnh cũng xác nhận, tại địa phương giếng đào bị nhiễm phèn, nhiễm bẩn đã được cán bộ Y tế xã cung cấp hóa chất để xử lý để người dân tắm giặt, tưới nước cho cây trồng.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho biết, đợt mưa lũ vừa qua, chưa thể thống kê hết số giếng nước bị nhiễm phèn hay ô nhiễm nguồn nước, nhưng ngay sau lũ UBND huyện đã chỉ đạo cho các Trung tâm y tế huyện, xã xuống hỗ trợ cho các hộ dân ở xã Đại Hưng, Đại Lãnh và các xã trên địa bàn huyện bị ngập nước sâu để phục hồi lại các giếng nước. Hiện nay lực lượng chức năng đang đi hỗ trợ cho bà con. Dự kiến vài ngày nữa mới hoàn thành việc giúp bà con xử lý các giếng nước bị nhiễm phèn, nhiễm bẩn này.
Ông Lê Văn Quang nhấn mạnh: “Xử lý các giếng nước của bà con trên địa bàn huyện bị nhiễm phèn, nhiễm bẩn do đợt mưa lũ vừa để đảm bảo có nước sạch cho người dân sử dụng, đồng thời hạn chế lây lan dịch bệnh như sốt xuất huyết, tiêu chảy là việc làm cấp bách khẩn trương”.