Tại huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk, hàng trăm hộ chăn nuôi trâu, bò đang gặp khó khi nguồn thức ăn tự nhiên khan hiếm do khô hạn. Nhiều hộ phải bán bớt trâu, bò để mua thêm rơm duy trì đàn vật nuôi.
Gần 1 tháng qua, gia đình bà Nguyễn Thị Hiên ở thôn Đừng, xã Ia Lốp, huyện Ea Súp phải cử người canh mua rơm của một số thương lái từ tỉnh Gia Lai. Bà Hiên chia sẻ, gia đình bà có 35 con trâu và bò, trước đây thường lùa trâu, bò sang bên Gia Lai chăn thả, nhưng bây giờ bên Gia Lai những cánh đồng bỏ hoang người dân bên đó cũng đã trồng mì, trồng cao su hết nên họ cấm không cho sang nữa, giờ chỉ chăn thả quanh quẩn gần nhà rồi mua thêm rơm cho trâu bò nó ăn. Mùa này trên biên giới các đồng cỏ cháy khô, gia đình lùa xa gần 10 km mới tìm được bãi chăn thả. Không có nước tưới nên việc trồng cỏ làm thức ăn cho trâu, bò không hiệu quả.
“Rơm rạ cứ một cuộn hết 45.000 đồng, gia đình phải mua nhiều lắm. Vào mùa khô phải bán trâu khoảng 3-4 con, bò cũng 3-4 con mới đủ!”, bà Hiên than thở.
Tương tự, tại xã Ia Rvê, các hộ chăn nuôi phải đến các xã khác để mua rơm về tích trữ cho bò ăn. Chị Hà Thị Phong ở thôn 5, xã Ia Rvê cho biết: “Gia đình có 10 con bò, hôm nào đi được xa có chút ít cỏ thì bò còn đỡ, hôm nào đi gần không có cỏ thì mình phải cho ăn thêm 1 cuộn rơm sợ chúng nó đói. Cũng tầm 40 đến 50 cục rơm một lần mua nhưng bữa nay cũng hiếm rơm”.
Theo thống kê của phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Ea Súp, hiện toàn huyện có khoảng 35.000 con trâu và bò, tập trung ở các xã Ia Rvê, Ia Lốp, Ya Tờ Mốt, Ya Jlơi… Trước tình trạng thức ăn khan hiếm, nguồn nước khô cạn, ngành Nông nghiệp huyện khuyến cáo các hộ chăn nuôi tranh thủ tận dụng thêm các phụ phẩm nông nghiệp. Đồng thời, cải tạo các ao, nạo vét kênh mương, đào mới một số ao dọc các con suối để đảm bảo nguồn nước uống cho gia súc.
Là một bình nguyên lớn nhất Đắk Lắk, huyện biên giới Ea Súp có nhiều tiềm năng về chăn nuôi đại gia súc: ngoài chăn thả trên các đồng cỏ thì gia súc còn được thả dưới tán rừng. Tuy nhiên, khí hậu khắc nghiệt ở vùng biên giới về mùa khô là trở ngại lớn cho người chăn nuôi khi cây cỏ trong môi trường tự nhiên bị khô cháy, các nguồn nước cạn kiệt không thể trồng cỏ. Vấn đề đặt ra là phải chủ động nguồn thức ăn dự trữ, không phụ thuộc vào nguồn cỏ tự nhiên.
Đã có nhiều tỉnh phía Bắc trồng cỏ voi, ngô sinh khối ủ chua để dự trữ thức ăn cho trâu bò trong mùa Đông. Đây là giải pháp có nhiều ưu điểm vì thức ăn có hàm lượng dinh dưỡng cao, có thể bảo quản từ 6-9 tháng. Nên chăng ngành chức năng địa phương tham khảo giải pháp này để áp dụng rộng rãi nhằm khắc phục tình trạng khan hiếm thức ăn cho trâu bò vào mùa khô, phát huy được lợi thế, tiềm năng chăn nuôi đại gia súc của địa phương.