Thời gian qua, chính quyền, người dân huyện M’Drắk đã nỗ lực, hết sức tập trung dồn lực, dồn sức để cùng với các đơn vị thi công Dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột triển khai xây dựng dự án theo đúng kế hoạch.
Gần dân, sát dân, lắng nghe dân
Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư gần 22.000 tỷ đồng với chiều dài hơn 116,5km. Dự án được chia thành 3 thành phần do UBND tỉnh Khánh Hòa; Bộ Giao thông vận tải và UBND tỉnh Đắk Lắk làm chủ đầu tư.
Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk làm đại diện chủ đầu tư dự án thành phần 3 với chiều dài 31,5km. Riêng đoạn dự án chạy qua huyện M’Drắk dài khoảng 17km, trong đó có 2 đường hầm, một đường hầm dài 1,7km, một đường hầm dài hơn 800 mét.
Theo thông tin từ UBND huyện M’Drắk, quá trình thực hiện dự án thành phần 2 thuộc Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột đã thu được những kết quả đáng chú ý.
Cụ thể, tính đến thời điểm này, huyện M’Drắk đã nhận bàn giao hướng tuyến 16,65km, đoạn km 33+900 – Km 43+000 và đoạn km 50+050 – km 50+480 chiều dài 9,53 km; đoạn từ km 43+000 – km 50+123,85 chiều dài 7,123 km; diện tích giải phóng mặt bằng là 127,01ha/173 mốc.
Xác định được đây là nhiệm vụ quan trọng góp phần tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, gắn với tăng cường bảo đảm quốc phòng – an ninh khu vực Nam Trung bộ, Tây Nguyên, thời gian qua, toàn bộ hệ thống chính trị huyện M’Drắk và nhân dân đã đồng lòng trong việc tạo điều kiện thuận lợi nhất để các đơn vị thi công, tư vấn thực hiện Dự án thành phần 2 đảm bảo tiến độ, kế hoạch đã đề ra.
Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, ông Ra Lan Von Ga – Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy M’Drắk cho biết, việc thực hiện giải phóng mặt bằng để dành quỹ đất cho dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột khá suôn sẻ, thuận lợi bởi huyện nhận được sự đồng thuận cao của người dân. Duy chỉ có một số hộ dân ban đầu không đồng ý bàn giao mặt bằng, cũng không chịu nhận tiền đền bù để giải phóng mặt bằng dành đất cho dự án cao tốc. “Tuy nhiên, sau khi kiểm tra, rà soát lại toàn bộ diện tích cần giải phóng mặt bằng, chúng tôi đã đến tận nơi để gặp gỡ người dân, trao đổi vận động, thuyết phục người dân đồng thuận với chủ trương của Nhà nước. Ngay sau cuộc trao đổi giữa đoàn cán bộ huyện với người dân, ngày hôm sau các hộ dân đã đồng ý nhận tiền đền bù và bàn giao mặt bằng để các đơn vị thi công thực hiện triển khai dự án theo đúng kế hoạch.
“Điều đó cho thấy, không phải người dân khó, mà chỉ cần có sự quan tâm, chia sẻ của cán bộ, lắng nghe và nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, giải thích cặn kẽ những lợi ích của việc xây dựng dự án đối với đời sống nhân dân như thế nào, thì người dân sẽ đồng thuận” – ông Ra Lan Von Ga chia sẻ.
Cũng theo vị Bí thư Huyện ủy M’Drắk, khi dự án Đường bộ cao tốc hoàn thành, đoạn đi qua huyện M’Drắk sẽ góp phần mang lại những lợi ích to lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thứ nhất đối với huyện M’Drắk, ngoài quốc lộ 26, địa phương còn có quốc lộ 19C và đường Trường Sơn Đông. Đây chính là những con đường huyết mạch để thông thương hàng hóa giao dịch thương mại thuận tiện trên địa bàn huyện, tạo điều kiện để người dân trên địa bàn huyện đi lại thuận lợi, trẻ em đến trường cũng dễ dàng, nhờ vậy đời sống dân sinh được nâng lên. Tuy nhiên, thời gian qua, việc giao thương giữa các tỉnh vẫn chưa thực sự thuận tiện. Do đó, dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột hoàn thành sẽ mở ra những cơ hội mới, thuận lợi mới, tạo điều kiện hơn nữa cho sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đời sống của người dân trong huyện. “Đoạn đường này có vai trò hết sức quan trọng, bởi không những đảm bảo về an ninh quốc phòng mà còn hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo đời sống cho người dân trên địa bàn huyện. Khi có đường lớn chạy qua, chắc chắn công năng vận chuyển hàng hóa sẽ tăng lên gấp nhiều lần, việc vận chuyển hàng hóa, đi lại của người dân cũng sẽ được giảm thiểu chi phí, từ đó tăng lợi nhuận, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân huyện M’Drắk”- vị Bí thư Huyện ủy M’Drắk nói trong tâm trạng đầy hứng khởi và cho biết thêm, đoạn đường cao tốc hoàn thành không chỉ thuận lợi về vận chuyển, lưu thông hàng hóa giữa người dân trong địa bàn huyện mà còn mở cơ hội phát triển, giao lưu kinh tế giữa người dân trong toàn tỉnh Đắk Lắk.
Đặc biệt theo Quyết định 1747 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch phát triển tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 thì M’Drắk có rất nhiều lợi thế để vươn lên. Đơn cử, huyện sẽ có các khu vực, các điểm để phát triển thương mại, có những khu vực phát triển dịch vụ; khu vực vui chơi giải trí; khu vực phát triển khu công nghiệp. Nếu có cơ sở hạ tầng tốt, có dự án cao tốc chạy qua thì việc phát triển các khu vực công nghiệp nói trên sẽ ở tương lai không xa. Từ đây, thời cơ mới, vận hội mới sẽ đưa huyện M’Drắk phát triển ngày càng mạnh mẽ. Đó sẽ là những điều kiện cơ bản để nâng cao đời sống, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân ở vùng đất đầy nắng và gió này.
Thông tin từ UBND huyện M’Drắk cho biết, cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 chạy qua địa bàn huyện M’Drắk khoảng 17km, trong đó có 2 đường hầm, 1 đường hầm dài 1,7km, 1 đường hầm dài hơn 800 mét. Cao tốc chạy qua địa bàn 2 xã, chính là ở xã Cư San, và một đoạn chạy xã E Trang. Đến thời điểm này, huyện đã phê duyệt 6 vị trí bãi thải, xử lý chất thải, diện tích 9,15ha; phê duyệt đất sản xuất vật liệu xây dựng 4 điểm diện tích 18,03ha; Đo đạc, chỉnh lý biến động, lập bản đồ địa chính với 20 tờ bản đồ với 514 thửa đất, diện tích đo 127,01ha. Thực hiện trích lục bản đồ địa chính 494 thửa để thực hiện bồi thường, hỗ trợ, thu hồi đất; Thông báo thu hồi đất đối với 168 lượt hộ gia đình, 2 tổ chức diện tích 127,01 ha/127,01ha (đạt 100%); Đã hoàn thành công tác kiểm đếm đất đai, tài sản vật kiến trúc (đạt 100%); đã xác nhận nguồn gốc sử dụng đất của một số đơn vị như: Đối với đất thuộc Công ty Lâm nghiệp M’Drắk quản lý: UBND xã Cư San hoàn thành xác nhận nguồn gốc sử dụng đất 92 lượt hộ, diện tích 62,95ha; Đối với đất xã quản lý: Diện tích đồng bộ với kiểm kê rừng năm 2014, UBND xã Cư San đã kiểm tra, xét duyệt, xét duyệt nguồn gốc đất 46 lượt hộ, diện tích 19,1ha... Về lập phương án bồi thường hỗ trợ, GPMB: Đã lập, phê duyệt 08 phương án (trong đó có 2 phương án điều chỉnh) với 196 lượt hộ, diện tích 114,1 ha với số tiền 38,890 tỷ đồng, đã chi trả cho 195 lượt hộ với số tiền 32,414 tỷ đồng.