Cuối tháng 11/2024, nhiều người dân sinh sống tại thôn 7 của xã Tiến Xuân (huyện Thạch Thất, TP.Hà Nội) rất ngạc nhiên khi chứng kiến một người đàn ông điều khiển chiếc máy múc màu vàng cam, tiến hành san gạt khối lượng lớn đất mới tập kết để lấp khu ao hồ Bãi Dài thuộc địa bàn thôn 7.
Những hình ảnh trên được người dân sinh sống tại khu vực thôn 7 của xã Tiến Xuân ghi lại. “Có thể do thấy động lúc chúng tôi dùng máy điện thoại ghi lại cảnh họ múc đất để san lấp khu ao hồ Bãi Dài nên người điều khiển máy múc đã dời đi ngay sau đó. Sự việc diễn ra giữa ban ngày mà tôi không kịp báo để chính quyền xã Tiến Xuân xuống hiện trường lập biên bản xử lý vụ việc”, ông N.V.T, một người dân sinh sống ở xã Tiến Xuân (đề nghị được giấu tên) phản ánh.
Ghi nhận thực tế của PV Báo Đại đoàn kết, khu ao hồ Bãi Dài bị san lấp chỉ cách chục đường nhựa liên xã vài trăm mét. Và để thuận tiện cho việc xe tải chở đất tập kết, san lấp, trước đó, khu vực lối vào ao hồ Bãi Dài đã được dọn dẹp phát quang cây cối, tạo mặt bằng thông thoáng.
Trước sự việc trên, ông Đinh Công Tuân, Chủ tịch UBND xã Tiến Xuân cho biết, đã nắm được thông tin và phân công Trưởng thôn 7, cùng cán bộ xã thường xuyên xuống hiện trường theo dõi, kiểm tra. Theo lời ông Chủ tịch UBND xã Tiến Xuân, khi nhận được phản ánh, cán bộ thôn xuống hiện trường thì người cùng phương tiện dùng để san gạt đất đã dời đi. Hiện chính quyền UBND xã Tiến Xuân đã giao vụ việc cho Công an xã Tiến Xuân để xác minh, làm rõ.
Liên quan tới sự việc kể trên, trung tá Phùng Trung Sơn, Trưởng Công an xã Tiến Xuân cho hay, đã nắm được thông tin phản ánh và cán bộ của đơn vị cũng đã xuống hiện trường kiểm tra. Vị này cho biết, có vài xe đất được đổ xuống khu ao hồ Bãi Dài và dấu hiệu san gạt. Hiện đã không còn tình trạng san gạt diễn ra ở khu vực ao hồ Bãi Dài. Đơn vị sẽ cho kiểm tra hình ảnh, dữ liệu thu thập được từ hệ thống camera lắp đặt trên nhiều tuyến đường để tiến hành xử lý.
Trao đổi với PV Báo Đại đoàn kết, ông Đinh Công Tuân, Chủ tịch UBND xã Tiến Xuân cho biết, khu ao hồ Bãi Dài có diện tích hơn 10.684m2 và có vai trò quan trọng đối với thôn 7 của xã Tiến Xuân. Khu ao hồ Bãi Dài không chỉ tạo cảnh quan thiên nhiên cho các hộ dân sống ven đó, mà còn có nhiệm vụ chứa và tiêu thoát nước mưa.
“Trường hợp ao hồ Bãi Dài bị đổ trộm, san lấp, thì khi trời mưa to nước lớn như đợt con bão số 3 vừa rồi, nước mưa không tiêu thoát kịp sẽ gây úng ngập… đời sống người dân cũng như chăn nuôi mùa vụ bị ảnh hưởng, gây thiệt hại tới đời sống của bà con trong vùng”, ông Chủ tịch UBND xã Tiến Xuân bày tỏ lo ngại.
Ông Đinh Công Tuân cho biết thêm, khu ao hồ Bãi Dài hiện được xã giao cho hộ dân để nuôi trồng thủy sản, với thời gian sử dụng lâu dài chứ không được phép mua bán, chuyển nhượng, hay tiến hành san gạt, lấp khu ao hồ để sử dụng vào mục đích khác.
Trong khi đó, khi trao đổi cùng PV Báo Đại đoàn kết, người dân Thôn 7 nhận định, không phải vô cớ tự nhiên có việc dọn dẹp phát quang lối dẫn vào khu ao hồ Bãi Dài. Tiếp đó đất đồi được tập kết tại đây, rồi máy múc tiến hành san gạt đất... Rất có thể là họ san gạt lấp ao hồ để lấy mặt bằng xây dựng homestay, biệt thự nghỉ dưỡng, hoặc khách sạn, nhà nghỉ để phục vụ khách du lịch.
Theo khảo sát của PV Báo Đại đoàn kết, do có địa thế giáp hồ và gần đồi với nhiều cây xanh bóng mát, không khí trong lành, nên không chỉ trên địa bàn Thôn 7, mà địa bàn xã Tiến Xuân xuất hiện rất nhiều những biệt thự nghỉ dưỡng cuối tuần, những homestay… kinh doanh dịch vụ vui chơi, nghỉ dưỡng và tham quan trải nghiệm.
Trước đó như Báo Đại đoàn kết đã phản ánh, thời điểm đầu tháng 2/2023, việc san gạt hạ đồi, lấp ao hồ Bãi Dài đã từng diễn ra. Điều đáng nói là tình trạng này diễn ra cả ban ngày, cũng như buổi đêm.
Vào thời điểm đó, trao đổi với PV Báo Đại đoàn kết, ông Đinh Công Tuân, Chủ tịch UBND xã Tiến Xuân thừa nhận: khoảng thời gian những ngày đầu tháng 2/2023, trên địa bàn xã Tiến Xuân có xảy ra việc lấp một phần ao hồ Bãi Dài. Hiện chính quyền xã Tiến Xuân đã tiến hành lập biên bản, tạm dừng thi công. Sự việc nêu trên làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường sống, cảnh quan cũng như hệ sinh thái trong khu vực, việc lưu chứa cũng như tiêu thoát nước mưa gặp khó khăn.