Huyện Thới Bình (Cà Mau): Thích ứng với biến đổi khí hậu để phát triển

THẾ TRÂN 21/08/2023 18:00

Hạn hán, xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu ở ĐBSCL ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường. Để thích ứng và tồn tại trong điều kiện khắc nghiệt, nhiều nông dân ở huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau đã sản xuất nông nghiệp theo hướng “thuận thiên”, bước đầu mang lại hiệu quả cao.

Xã Trí Lực, huyện Thới Bình (Cà Mau) là địa phương được tổ chức Aquaculture Stewardship Council (Hội đồng quản lý Nuôi trồng thủy sản) cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn quốc tế (chứng nhận ASC) về tôm sạch với mô hình tôm – lúa kết hợp vào cuối tháng 10/2022.

Chứng nhận ASC là sự xác nhận cấp quốc tế đối với thủy sản nuôi có trách nhiệm, giảm thiểu tối đa tác động xấu lên môi trường, hệ sinh thái, cộng đồng dân cư và đảm bảo tốt các quy định về lao động. Đây là mô hình đầu tiên của Việt Nam đạt chứng nhận này.

Mô hình “4 trong 1” thích ứng với biến đổi khí hậu đã giúp đời sống gia đình ông Mưa ngày thêm sung túc.
Mô hình “4 trong 1” thích ứng với biến đổi khí hậu đã giúp đời sống gia đình ông Mưa ngày thêm sung túc.

Ông Lê Văn Mưa, ngụ ấp 5, xã Trí Lực, huyện Thới Bình (Cà Mau) chia sẻ, gia đình ông canh tác hơn 8ha đất nuôi trồng thuỷ sản kết hợp trồng lúa hữu cơ “4 trong 1”, theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu. Đây là mô hình phát triển tốt và bền vững.

“Trong 6 tháng mùa mưa, trên cùng 1 diện tích, nông dân địa phương nuôi, trồng đến 4 loại gồm: cua, tôm sú, tôm càng, lúa. Tính riêng tôm càng và cây lúa, mỗi vụ mang lại lợi nhuận khoảng hơn 90 triệu đồng/ha. Từ khi con tôm của bà con nông dân địa phương được đạt chứng nhận ASC, đời sống của người dân rất tốt, giá tôm được bao tiêu đầu ra với mức giá ổn định, cao hơn so với giá thị trường từ 3.000 – 5.000 đồng/kg”, ông Mưa cho biết.

Theo ông Mưa, lúa hữu cơ ở địa phương được trồng theo hướng nông sản sạch, nói không với phân bón hoá học, thuốc trừ sâu nên được bao tiêu sản phẩm và nông dân cũng không bận tâm về đầu ra và giá cả. Trung bình mỗi ha trồng lúa sẽ cho năng suất từ 6 – 7 tấn. “Từ khi mô hình lúa – tôm được chứng nhận ASC, đời sống của người dân địa phương được cải thiện rõ rệt. Về kỹ thuật gieo sạ, thu hoạch mùa vụ, hầu hết nông dân địa phương thực hiện bằng kỹ thuật thủ công truyền thống”.

Ông Tính giới thiệu quy trình ủ lên men vi sinh vừa tạo thức ăn cho thuỷ sản nuôi, vừa làm sạch môi trường nước.
Ông Tính giới thiệu quy trình ủ lên men vi sinh vừa tạo thức ăn cho thuỷ sản nuôi, vừa làm sạch môi trường nước.

Trên địa bàn xã Trí Lực có nhiều nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật để ủ men vi sinh làm thức ăn cho tôm và làm sạch môi trường nước rất hiệu quả. Ông Trần Văn Tính, ngụ ấp 9, xã Trí Lực tâm tình, gia đình ông có 4ha đất nuôi tôm kết hợp trồng lúa an toàn sinh học. Vào mùa nắng, ông Tính cải tạo ao đầm thả tôm cua rồi ủ men vi sinh cho tôm cua ăn dặm, cách làm này có nhiều tiện ích. Một mặt giúp tôm, cua lớn nhanh, mặt khác men vi sinh giúp làm sạch môi trường nước nên tôm, cua nuôi không bị nhiễm bệnh. Mùa mưa, ông Tính trồng lúa kết hợp thả tôm càng xanh, tôm sú và cua.

“Trong quá trình nuôi tôi cho tôm ăn dặm bằng gạo cám, lên men. Tác dụng của men vi sinh vừa giúp làm sạch môi trường nước, vừa tạo nguồn thức ăn tự nhiên và ngăn ngừa dịch bệnh cho thuỷ sản nuôi. Từ khi tôi áp dụng kỹ thuật nuôi này, hiệu quả mang lại rất cao. Doanh thu hàng năm của gia đình tôi khoảng 300 triệu đồng. Thời gian ủ men rất ngắn, tầm 48 giờ là có thể sử dụng được”, ông Tính cho hay.

Ông Hà Minh Sữa, Phó Chủ tịch UBND xã Trí Lực, đánh giá: “Mô hình nuôi kết hợp “4 trong 1” của ông Mưa cũng như nhiều nông dân khác ở địa phương đã mang tính chất ổn định và bền vững, sản xuất theo hướng thuận thiên, có liên kết nên tạo được sự an tâm cho nông dân về đầu ra về giá. Mục đích của mô hình là đa dạng hóa cây trồng vật nuôi, mang hiệu quả kinh tế ổn định, thu nhập khá cao và bền vững”.

Việc ứng dụng kỹ thuật ủ men vi sinh trong nuôi tôm đã giúp ông Tính rút ngắn thời gian nuôi.
Việc ứng dụng kỹ thuật ủ men vi sinh trong nuôi tôm đã giúp ông Tính rút ngắn thời gian nuôi.

Theo ông Sữa, mô hình nuôi tôm bằng men vi sinh của ông Tính có tác dụng tốt trong xử lý môi trường, tạo nguồn thức ăn tự nhiên cho thuỷ sản nuôi và giúp người nông dân không phải tốn thêm chi phí thức ăn và xử lý môi trường.

Ông Nguyễn Hoàng Bạo, Phó Chủ tịch UBND huyện Thới Bình, cho biết: “Trong những năm qua, huyện Thới Bình đã đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Qua triển khai, hiện trên địa bàn huyện có 2 mô hình lúa tôm nổi bật. Cụ thể là mô hình xen canh lúa – tôm sú và mô hình xen canh lúa – tôm càng xanh. Đây là mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu”.

Lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau kiểm tra mô hình nuôi đạt chứng nhận ASC.
Lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau kiểm tra mô hình nuôi đạt chứng nhận ASC.

Theo ông Bạo, xã Trí Lực là một trong những đơn vị của huyện có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển mô hình lúa tôm. Địa phương quan tâm, thường xuyên chỉ đạo thực hiện nhiều mô hình về lúa sạch, lúa hữu cơ và nuôi tôm theo hướng VietGap trên địa bàn. Từ đó, giúp cho các sản phẩm nông nghiệp của nông dân được nâng cao giá trị sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Huyện đã mời gọi, tạo điều kiện thuận lợi để các công ty, doanh nghiệp tham gia liên kết vào chuỗi giá trị lúa tôm trên tại địa phương.

“Qua mời gọi, hiện huyện Thới Bình có Công ty TNHH xã hội chuỗi tôm rừng Minh Phú phối hợp với Trung tâm MCD tham gia xây dựng vùng nuôi tôm Minh Phú trên địa bàn huyện Thới Bình đạt chứng nhận nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm ASC tại xã Trí Lực. Với nhiều nỗ lực của các đơn vị có liên quan nên mô hình lúa – tôm sú trên địa bàn xã Trí Lực được Hội đồng quản lý Nuôi trồng thủy sản cấp chứng nhận toàn cầu về nuôi trồng thủy sản bền vững và sản xuất có trách nhiệm ASC cho 252 hộ nuôi với diện tích hơn 557ha trên địa bàn xã Trí Lực.

Mô hình nuôi tôm – lúa đạt chứng nhận ASC ở xã Trí Lực đã giúp cho đời sống của người dân địa phương ngày thêm ổn định.
Mô hình nuôi tôm – lúa đạt chứng nhận ASC ở xã Trí Lực đã giúp cho đời sống của người dân địa phương ngày thêm ổn định.

Lợi ích lớn nhất khi được chứng nhận ASC chính là giải quyết vấn đề về nuôi tôm bền vững đối với việc nuôi nhỏ lẻ, giảm thiểu tác động tiêu cực của môi trường và đảm bảo lợi ích xã hội. Góp phần làm thay đổi thói quen sản xuất, cách suy nghĩ của người nuôi và doanh nghiệp về nuôi tôm bền vững. Hướng đến mục tiêu cao nhất là phát triển bền vững 4 trụ cột về môi trường – xã hội, an sinh, động vật và an toàn thực phẩm. Đây là điều kiện thuận lợi để quảng bá hình ảnh con tôm Cà Mau nói chung, huyện Thới Bình nói riêng ra thị trường thế giới, nhất là các thị trường khó tính như châu Âu”, ông Bạo chia sẻ.

Hiện UBND huyện Thới Bình đã có những chính sách khuyến khích mở rộng mô hình và định hướng sản xuất tôm lúa trên địa bàn. Chú trọng phát triển và hướng đến nhân rộng ra nhiều xã khác trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Huyện Thới Bình (Cà Mau): Thích ứng với biến đổi khí hậu để phát triển

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO