Câu chuyện huyện Yên Định (Thanh Hóa) phải vay hàng chục tỷ đồng để chi tiêu trong suốt nhiều năm qua mà không có khả năng thanh toán đang khiến nhiều người “vỡ” ra nhiều điều đằng sau vẻ hào nhoáng của một địa phương kiểu mẫu, đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới của tỉnh Thanh.
Huyện nông thôn mới Yên Định nợ nhiều tỷ đồng vì tiếp khách.
Đến công sở ăn vạ mới mong lấy được nợ!
Trong nhiều năm liên tục, Huyện ủy và UBND huyện Yên Định (Thanh Hóa) đã chi tiêu thả tay, không đúng nguyên tắc tài chính, khiến cả hai cơ quan lâm vào cảnh nợ nần chồng chất với số tiền lên tới khoảng hơn 50 tỷ đồng. Hệ lụy là hàng chục cán bộ bỏ tiền ra cho cơ quan vay, các nhà hàng trên địa bàn đang điêu đứng vì không lấy được nợ.
Chuyện công nợ của Huyện ủy và UBND huyện Yên Định chủ yếu diễn ra trong giai đoạn 2011 - 2015, khi ông Hoàng Cao Thắng làm Bí thư Huyện ủy và bà Ngô Thị Hoa làm Chủ tịch UBND huyện. Hiện cả ông Thắng và bà Hoa đều đã nghỉ hưu. Bà Phạm Thị Thịnh - nguyên Giám đốc Trung tâm VHTDTT huyện Yên Định cho biết: Trong giai đoạn làm việc, bà phải bỏ tiền của gia đình, và vay mượn khắp nơi để có tiền cho các hoạt động của đơn vị mình. Không những thế, bà còn nhiều lần phải bỏ tiền ra để lãnh đạo UBND huyện đi tiếp khách, ăn uống, nghỉ ngơi. Tất cả những lần chi tiền đều có chứng từ liên quan và theo chỉ đạo của bà Ngô Thị Hoa - Chủ tịch UBND huyện, với số tiền nợ của cá nhân bà Thịnh lên tới hơn 4 tỷ đồng.
Thế nhưng, suốt từ năm 2013 đến nay, dù nhiều lần đòi nợ UBND huyện Yên Định, làm đơn gửi đến UBND tỉnh Thanh Hóa, Thanh tra Chính phủ, thậm chí làm cả đơn khởi kiện ra TAND huyện Yên Định, TAND tỉnh Thanh Hóa, nhưng vị cán bộ này vẫn chưa được UBND huyện Yên Định thanh toán đồng nào.
Không chỉ có bà cán bộ trên mà nhiều cán bộ công tác tại các vị trí của Văn phòng Huyện ủy Yên Định, Văn phòng UBND, Phòng Văn hóa -Thể thao, Phòng Thanh tra... cho đến người làm việc cho nhà ăn của UBND huyện Yên Định cũng bị rơi hoàn cảnh tương tự. Bất cứ khi nào, nếu Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện yêu cầu là những cán bộ trên lại phải mang tiền của gia đình mình, thậm chí vay ngân hàng để cho tập thể chi tiêu. Một số cán bộ đi vay tiền, hoặc đứng ra nhận nợ cho UBND huyện Yên Định, sau đó liên tục bị chủ nợ đến nhà đòi.
Không chỉ nợ hàng trăm cán bộ, nhân viên trong cơ quan, cả Huyện ủy và UBND huyện Yên Định còn nợ tiền các nhà hàng trên địa bàn để ăn uống, liên hoan, mời khách. Chủ nhà hàng Mỹ Hạnh (tại thị trấn Quán Lào, huyện Yên Định) cho biết: Cả Huyện ủy và UBND huyện có thời điểm nợ nhà hàng này gần 1 tỷ đồng. Nhiều lần chủ nhà hàng đến tận 2 cơ quan đòi nợ. Dù vậy, đến nay nhà hàng này vẫn còn bị 2 cơ quan trên nợ khoảng 200 triệu đồng.
Chưa có hướng xử lý!
Trước tình trạng nợ tiền các cán bộ, nguyên cán bộ, vừa qua UBND huyện và Huyện ủy Yên Định đã cho rà soát, thống kê lại số nợ. Bước đầu, UBND huyện Yên Định đã có thống kê công nợ phải trả trong giai đoạn 2012 -2015 là hơn 24,5 tỷ đồng. Trong đó năm 2012 là hơn 4,6 tỷ đồng; năm 2013 gần 9,5 tỷ đồng; năm 2014 hơn 5,6 tỷ đồng và năm 2015 hơn 4,7 tỷ đồng. Riêng tại cơ quan Huyện ủy, số nợ cũng lên tới 28 - 29 tỷ đồng theo xác nhận của một lãnh đạo huyện Yên Định. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có thống kê chi tiết từng người.
Tại UBND huyện Yên Định, tổng số cán bộ, nhân viên thuộc 11 phòng, ban trong cơ quan UBND huyện này bị nợ tiền lên tới hơn 100 người. Riêng Văn phòng UBND huyện có 23 cán bộ, nhân viên phải bỏ tiền cá nhân ra chi tiêu cho cơ quan, với hơn 11,2 tỷ đồng; Phòng Nội vụ có 11 cán bộ, nhân viên bỏ ra hơn 3,8 tỷ đồng; Phòng NNPTNT 15 người với hơn 2,8 tỷ đồng; Phòng Kinh tế - Hạ tầng 19 người với hơn 1,3 tỷ đồng... Tuy nhiên, theo tìm hiểu thì thống kê trên vẫn chưa hết.
Được biết, trong giai đoạn từ 2012 - 2015, khi bà Ngô Thị Hoa làm Chủ tịch UBND huyện Yên Định (hiện đã nghỉ hưu), chỉ riêng tiền chi tiêu mua thức ăn tiếp khách hoặc mua nợ thực phẩm nấu ăn cho cơ quan, một phục vụ bếp ăn đã phải gánh chịu khoản nợ lên tới hơn 1,2 tỷ đồng.
Trao đổi với báo chí, bà Ngô Thị Hoa, nguyên Chủ tịch UBND huyện Yên Định khẳng định: Trong thời gian bà đương chức, việc chi tiêu và nợ nần bà có biết, nhưng con số cụ thể nợ bao nhiêu, chi cụ thể như thế nào thì không nắm rõ. Bà Hoa cũng cho rằng không thể không nhắc đến trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan UBND huyện Yên Định lúc bấy giờ là ông Nguyễn Văn Xô- Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Định, giai đoạn 2012 - 2015 (tháng 9/2015 ông Xô chuyển sang làm Phó Chủ tịch HĐND huyện Yên Định và đã nghỉ hưu từ năm 2019).
Khi được hỏi về trách nhiệm trong thời gian còn công tác đã để xảy ra tình trạng nợ nần, bà Hoa nói: “Từ năm 2012, khi tỉnh tổ chức hội nghị mô hình nông thôn mới tại huyện Yên Định, lãnh đạo tỉnh lúc bấy giờ cũng đề nghị huyện tiếp các đoàn đến thăm học tập mô hình xây dựng nông thôn mới. Nói là Yên Định cứ đón tiếp nồng nhiệt đi rồi tỉnh sẽ hỗ trợ. Sau đó tỉnh cũng có hỗ trợ, nhưng rất ít!”. - bà Hoa phàn nàn.
Trao đổi với phóng viên báo Đại Đoàn Kết, chiều ngày 17/3, ông Lưu Vũ Lâm – Chủ tịch UBND huyện Yên Định cho biết: “Hiện tại chúng tôi đang cho các phòng, ban chuyên môn rà soát, thống kê chi tiết lại các khoản nợ và ghi nợ lại đó. Trước mắt vẫn chưa có nguồn để xử lý”. Khi được hỏi: “Trước các khoản nợ không mấy “hay ho” này, liệu UBND tỉnh có phương án hỗ trợ cho huyện trả nợ?”- ông Lâm khẳng định: “Tỉnh sẽ không hỗ trợ cho huyện trong vấn đề này”.
Tìm hiểu từ một số người cho huyện vay nợ, chúng tôi được biết: Những món nợ của Huyện ủy, UBND huyện Yên Định chủ yếu như: Nợ tiền sửa sang cơ sở vật chất công sở Huyện ủy, UBND huyện; tiền xăng xe đi công tác của lãnh đạo; tiền sửa xe khi hư hỏng; tiền quà tặng các dịp đại hội, lễ kỷ niệm; tiền chè nước, giấy mực in; tiền ăn uống, nghỉ ngơi khi tiếp khách ở các nhà hàng, khách sạn của lãnh đạo huyện đều được chi theo kiểu này.