Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học European Heart Journal, thông qua công trình nghiên cứu kéo dài tới 32 năm trên 9.000 người Anh cho thấy, chỉ cần huyết áp “hơi cao” ở tuổi 50, tức khoảng 130/80 mmHg, nguy cơ phát triển các bệnh mất trí nhớ sớm đã tăng đến 45%.
Nghiên cứu cũng cho biết, nhón ngươi này sẽ trải qua nhiều cơn đột quỵ “mini”, tổn hại đến chất trắng trong não và hạn chế sự cung cấp máu cho não. Những điều này khiến não “âm thầm” suy yếu, dẫn đến chứng mất trí- sa sút trí tuệ, trong đó căn bệnh mất trí phổ biến nhất là Alzheimer: đứng đầu bảng các nguyên nhân phổ biến gây tử vong sớm tại Anh và Úc, đứng hàng thứ hai tại Mỹ.
Thông thường, một bệnh nhân được xác định là cao huyết áp khi chỉ số đo được là 140/90 mmHg. Tuy nhiên, qua nghiên cứu trên, các nhà khoa học kiến nghị chỉ định cho cả những người huyết áp 130/80 mmHg dùng thuốc.
Với Việt Nam, theo cơ quan chức năng, tỷ lệ người bị tăng huyết áp ở đã ở mức báo động đỏ. Theo Hội Tim mạch học Việt Nam, trung bình 10 người lớn có 4 người bị cao huyết áp. Đáng chú ý là sự gia tăng tình trạng này. Năm 2000 có khoảng 16,3% người lớn bị cao huyết áp, thì đến năm 2009 tỷ lệ này tăng lên 25,4%. Đến năm 2016, tỷ lệ này ở mức 40%.
Hiện Việt Nam vẫn áp dụng “chuẩn” cao huyết áp là 140/90mmHg trở lên, trong đó có tới 50% bệnh nhân không được điều trị; dẫn tới việc khi buộc phải điều trị thì từ 50-80% không đạt đích điều trị.
Được biết, phòng bệnh là biện pháp quan trọng ngăn ngừa cao huyết áp. Ngoại trừ yếu tố di truyền và tuổi tác là không tác động được, còn lại các yếu tố nguy cơ khác có thể thay đổi được bằng cách điều chỉnh lại sinh hoạt, lối sống lành mạnh, cụ thể giảm muối trong bữa ăn, ăn nhiều rau, hoa quả, hạn chế rượu bia, không hút thuốc lá, vận động thể lực nhiều, duy trì cân nặng phù hợp. Với người bệnh cao huyết áp cần uống thuốc đều.