Chính quyền thành phố Thessaloniki, phía Bắc Hy Lạp, đã thực hiện chiến dịch sơ tán kỷ lục lên tới 75.000 người trong hôm 12/2 để các chuyên gia quân đội có thể vô hiệu hóa một quả bom nặng 227 kg có từ thời Thế chiến II mới được phát hiện tại một trạm xăng.
Các chuyên gia tháo gỡ bom mìn của quân đội Hy Lạp tại vị trí có bom. (Nguồn: AP).
Chiến dịch sơ tán khổng lồ này bắt đầu từ 7h sáng 12/2 (giờ địa phương). Cảnh sát đã tới từng nhà một gõ cửa để nhắc nhở người dân sinh sống trong khu vực bán kính gần 2km (từ trạm xăng) rời khỏi nhà.
Các chuyên gia tháo gỡ bom đã bắt đầu công việc của mình lúc 11h30 sáng, chậm 90 phút so với kế hoạch, nhưng chỉ mất 30 phút để hoàn thành.
“Giai đoạn đầu trong việc vô hiệu hóa quả bom này đã thành công mỹ mãn” - ông Apostolos Tzizikostas, đại diện chính quyền vùng Trung Macedonia, cho hay - “Việc còn lại là di chuyển nó khỏi hiện trường. Người dân vẫn sẽ chưa được cho phép trở về nhà, do sự ngủy hiểm trong quá trình vận chuyển”.
Rất nhiều người dân trong khu vực có bom đã rời khỏi nhà bằng xe hơi, trong khi một số người bắt xe buýt tới các trường học và nhà thi đấu thể thao trong thành phố.
“Chúng tôi nghe tin trên TV thông báo rằng nếu quả bom phát nổ, nó sẽ giống như một trận động đất mạnh” - ông Michalis Papanos, 71 tuổi, nói với hãng tin AP khi rời khỏi nhà cùng vợ để đi sơ tán.
Ông Alexander Bogdani cùng vợ, bà Anna Bokonozi, thì đi bộ tới các trung tâm sơ tán cùng với cô con gái mới sinh của họ. “Họ đã cảnh báo chúng tôi, và chúng tôi rất lo lắng cho con mình” - ông Bogdani nói.
Tuyến xe buýt chính của thành phố này đã phải tạm đóng cửa, các con tàu trong khu vực cũng bị ngừng và các nhà thờ cũng phải hủy các buổi cầu nguyện hôm Chủ nhật. Thành phố còn đặt khoảng 175 phòng khách sạn để phục vụ những người dân bị hạn chế di chuyển.
Một người dân lớn tuổi còn kể về cái ngày mà trái bom nọ đã rơi xuống thành phố. “Vụ đánh bom đó được thực hiện bởi các máy bay của Anh và Mỹ vào ngày 17/9/1944. Nó xảy ra đúng vào lúc buổi trưa một ngày Chủ nhật”, ông Giorgos Gerasimou, 86 tuổi, nhớ lại.
Ông Gerasimou cho hay, lúc bấy giờ quân Đồng minh đang đánh bom nhằm vào một cơ sở đường sắt của Đức quốc xã, và ông nhớ ngày đó rất rõ bởi một trong số những người bạn của đứa con trai 10 tuổi của ông đã thiệt mạng trong vụ đánh bom. Được biết Đức quốc xã đã chiếm đóng Hy Lạp trong khoảng thời gian từ 1941 đến tháng 10/1944.