Một loại vaccine mRNA khiến hệ thống miễn dịch tấn công tế bào ung thư, dự kiến sẽ được áp dụng rộng rãi vào năm 2030 - đó là thông tin được 2 hãng dược phẩm Moderna và Merck công bố, đem lại hy vọng cho những người mắc căn bệnh nan y này.
Vaccine mRNA, hay còn được gọi là RNA thông tin, là vật chất di truyền giúp cơ thể tạo ra phản ứng miễn dịch chống lại khối u ung thư, tuy rằng chưa đủ đề áp chế tế bào ung thư. Chính vì vậy các nhà nghiên cứu sử dụng kết hợp với thuốc Keytruda của Merck, đây là loại thuốc kích thích hệ thống miễn dịch tấn công các khối u.
Các nghiên cứu thử nghiệm đã được áp dụng trên 157 người thuộc lứa tuổi trung niên, gồm cả đàn ông và phụ nữ, bị ung thư giai đoạn 3 và đã phẫu thuật cắt bỏ khối u. Các bệnh nhân này thuộc nhóm có nguy cơ cao bị tái phát khối u ác tính. Nhóm đầu gồm 50 người, điều trị bằng thuốc Keytruda. Nhóm thứ hai gồm 107 người được điều trị kết hợp liệu pháp vaccine mRNA và thuốc Keytruda.
Kết quả cho thấy, trong nhóm 107 người sử dụng liệu pháp kết hợp thì 78,6% bệnh nhân không bị tái phát ung thư sau 18 tháng. Tỷ lệ tái phát ung thư hoặc tử vong trong nhóm này là 22,4%, mức thấp hơn đáng kể so với 40% của nhóm chỉ sử dụng thuốc Keytruda.
Tiến sĩ Kyle Holen - Phó Chủ tịch và là người đứng đầu bộ phận phát triển, trị liệu và ung thư của Moderna, cho biết kết quả này cho thấy tiềm năng của vaccine mRNA khi điều trị những người bị u ác tính và mở ra khả năng kéo dài sự sống cho bệnh nhân.
Đây là “kết quả chấn động” với giới nghiên cứu ung thư, khi vaccine ung thư mRNA không phải là phòng ngừa mà được sử dụng như một loại thuốc, nhằm huấn luyện hệ thống miễn dịch của người mắc chống lại bệnh ung thư.
Tuy nhiên, theo tiến sĩ Anna Osborne - chuyên gia cao cấp của Công ty dược Citeline, việc phát triển vaccine mRNA hiện nay để trị ung thư rất khó vì nó phải phù hợp từng cá nhân, không phải là loại vaccine đại trà. Còn theo ông Paul Burton - Giám đốc Y tế của Moderna thì sau khi đã “cá thể hóa” bệnh nhân, 1 liều vaccine có thể được sản xuất trong vòng 8 tuần. Dù thế, tiến sĩ Eliav Barr - Giám đốc y tế của Merck cho biết, công nghệ vaccine mRNA đã mở ra những bước tiến vượt bậc trong liệu pháp miễn dịch để điều trị ung thư. Ở thời điểm hiện tại do tính chuyên biệt của quá trình sản xuất khiến chi phí rất cao, ước tính lên tới 100.000 USD cho mỗi bệnh nhân.
Điều trị ung thư là mơ ước của khoa học y tế, và đó cũng được coi là thách thức lớn nhất của loài người. Đã có nhiều nghiên cứu đem tới hy vọng, tuy nhiên hy vọng ấy cũng không kéo dài, cho thấy đó là con đường vô cùng gian nan. Một số nghiên cứu gần đây nhất cũng cho thấy điều đó.
Vào tháng 6/2021, Công ty BioNTech (Đức) đã thử nghiệm vaccine ung thư trên người. Cơ chế hoạt động của vaccine ung thư tương tự như vaccine Covid-19, tuy nhiên người bệnh được dùng kết hợp với loại thuốc có tên là Libtayo. Về cơ bản, khi vào cơ thể vaccine này sẽ kích hoạt phản ứng miễn dịch để tấn công tế bào ung thư.
Tới tháng 5/2022, các nhà khoa học tại Imugene Limited và City of Hope thử nghiệm loại virus tiêu diệt ung thư mới, với tên gọi CF33-hNIS, dành cho những người có khối u rắn đang phát triển. Về nguyên tắc, virus được thiết kế đặc biệt để tái tạo bên trong tế bào ung thư, sau đó tiêu diệt chúng mà không gây hại cho các tế bào bình thường xung quanh. “Các nghiên cứu của chúng tôi cho thấy virus có thể kích thích hệ thống miễn dịch phản ứng và tiêu diệt khối u ung thư, đồng thời giúp hệ miễn dịch phản ứng nhanh hơn với các liệu pháp khác, bao gồm chất ức chế kiểm soát” - tiến sĩ Daneng Li, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết.
Thử nghiệm lâm sàng dự kiến kéo dài 2 năm, mục tiêu chính là đánh giá liệu phương pháp này có an toàn hay không và tìm ra liều lượng thích hợp cho người bệnh.
Theo tiến sĩ Arif Kamal (Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ), tới nay nguyên nhân gây tử vong hàng đầu thế giới thực sự là ung thư chứ không phải là các dịch do virus gây ra. Tiến sĩ Arif cũng bày tỏ lo ngại khi dẫn lại nghiên cứu của WHO, ước tính mỗi năm trên thế giới có thêm 20 triệu người mắc ung thư và 10 triệu người không vượt qua căn bệnh này, chiếm khoảng 16% số ca tử vong trên toàn cầu.
Ung thư là bệnh xảy ra khi xuất hiện tế bào bất thường, phát triển không kiểm soát và tập hợp tạo thành khối u. Dần dần, tế bào ung thư sẽ xâm lấn và phá hủy các mô cơ thể bình thường. Cùng với sự tiến bộ của khoa học, hiện đã có nhiều biện pháp điều trị ung thư. Trong đó có việc phẫu thuật loại bỏ tế bào ung thư nhưng thường lại có thể bao gồm cả tế bào khỏe mạnh. Phương pháp hóa trị là dùng thuốc đặc hiệu để nhanh chóng tiêu diệt các tế bào ung thư. Xạ trị là dùng các chùm tia bức xạ mạnh để tiêu diệt tế bào ung thư. Liệu pháp miễn dịch là bổ sung kháng thể để tăng cường miễn dịch tự nhiên trong cơ thể, từ đó tiêu diệt tế bào ung thư. Người ta cũng dùng cách cấy ghép tế bào gốc khi điều trị riêng cho ung thư xương, tủy xương. Còn liệu pháp hormone là loại bỏ hoặc ngăn chặn hormone cấp năng lượng cho u ung thư, ngăn chặn bệnh phát triển...