Mặc dù là đô thị lớn nhất của cả nước nhưng hạ tầng giao thông ở TP HCM hiện nay đang vô cùng chật chội, tình trạng ùn tắc kẹt xe ở nhiều khu vực ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân. Đáng báo động hơn, rất nhiều dự án cầu, đường đang được thực hiện nhưng lại chậm tiến độ. Thậm chí, cả những dự án có số vốn hàng ngàn tỷ đồng trễ hẹn cả vài năm trời, kéo thêm nhiều hệ lụy tiêu cực khác.
Dự án bến xe miền Đông mới vẫn chưa rõ hình hài
Điểm mặt dự án “rùa bò”
Được Tổng công ty Cơ khí Sài Gòn (Samco) thực hiện, đến thời điểm này, cả 2 Dự án Bến xe miền Đông (quận 9, Bình Dương) và Bến xe miền Tây (Bình Chánh) mới đều đã trễ hẹn.
Đặc biệt, khởi công vào tháng 4/2017, dự án bến xe miền Đông được kỳ vọng sẽ đưa vào sử dụng dịp Tết 2018 vừa qua nhưng đến nay, Dự án vẫn ngổn ngang nguyên vật liệu xây dựng, công nhân thưa thớt. Thậm chí, ngay cả phương án giải tỏa mặt bằng cũng chưa xong, vẫn còn 2 hộ dân chưa chấp thuận phương án đền bù của chủ đầu tư.
Với tổng nguồn vốn đầu tư lên đến 4.000 tỷ đồng (gồm 2 giai đoạn), Dự án khổng lồ này không chỉ có nhiệm vụ thay thế bến xe miền Đông hiện hữu (quận Bình Thạnh) mà còn hứa hẹn sẽ là trung tâm giao thông quan trọng ở cửa ngõ phía Đông Bắc thành phố. Dự án sẽ kết nối với tuyến metro số 1, đường cao tốc, quốc lộ 1A, khu làng đại học hay các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa- Vũng Tàu…
Hậu quả của tình trạng này, đến nay, quanh khu vực bến xe miền Đông luôn luôn xảy ra tình trạng ùn tắc, kẹt xe. Còn bến xe miền Tây mới, sau nhiều lần trì hoãn, đến nay Dự án vẫn chưa chính thức… khởi công.
Tương tự, Dự án xây cầu Tân Kỳ - Tân Quý và nút giao thông Tân Kỳ - Tân Quý giao với đường Trường Chinh đến nay cũng ì ạch, chưa biết khi nào hoàn thiện. Trước đó, năm 2017, cầu Tân Kỳ - Tân Quý cũ bị mưa cuốn sập. Lãnh đạo thành phố quyết định xây dựng cầu mới nhưng không đủ nguồn vốn ngân sách nên giao dự án này cho công ty Cổ phần đầu tư và phát triển hạ tầng (IDICO) gộp cùng với dự án Xây dựng cải tạo tuyến quốc lộ 1A từ nút An Sương tới nút An Lạc (khoảng 12 km) đang được thực hiện theo hình thức BOT.
Mặc dù cầu Tân Kỳ - Tân Quý không nằm trong tuyến đường quốc lộ 1A trước khi IDICO nhận dự án này. Đổi lại, thời gian để IDICO thu phí hoàn vốn trên tuyến quốc lộ sẽ được điều chỉnh theo hướng tăng lên. Và mặc dù giao cho doanh nghiệp thực hiện theo hình thức BOT nhưng sau khi khởi công 8/2017, dự án có số vốn 312 tỷ đồng đến nay vẫn chưa rõ hình hài, tiến độ thi công chậm chạp.
Cũng ở trong tình trạng tương tự, chưa biết khi nào hoàn thành, Dự án chống ngập có tổng số vốn tới 10.000 tỷ do tập đoàn Trung Nam thực hiện cũng sẽ lỡ hẹn theo kế hoạch là đưa vào sử dụng ngày 30/4/2018. Hiện nay, mốc thời gian trên đã tới hạn nhưng theo ông Nguyễn Tâm Tiến, Giám đốc tập đoàn Trung Nam thì dự án mới hoàn thiện khoảng hơn 70% khối lượng công trình.
Hệ lụy khó lường
Theo tìm hiểu của chúng tôi, có rất nhiều nguyên nhân khiến cho các dự án hạ tầng giao thông đô thị ở TP HCM bị chậm trễ. Trong đó, ngoài nguồn vốn, năng lực nhà thầu thi công thì giải phóng mặt bằng cũng là yếu tố khiến các dự án trễ hẹn. Thậm chí, như Dự án Bến xe miền Đông mới, nhiều người còn băn khoăn rằng chính chủ đầu tư chưa muốn hoàn thành đúng kế hoạch.
Cụ thể, nếu hoàn thành, chủ dự án, công ty Samco sẽ phải di dời toàn bộ hoạt động ở bến xe miền Đông (quận Bình Thạnh) hiện hữu. Trong khi đó, thay đổi thói quen di chuyển của hành khách, nhà xe là vô cùng khó khăn và sẽ khiến nhà đầu tư khó thu hồi vốn. Điều này càng có cơ sở khi các hạ tầng giao thông kết nối với bến xe miền Đông mới như tuyến metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên, đường dẫn cao tốc, cải tạo quốc lộ 1A… đều chưa hoàn thiện.
Rất dễ để nhận ra những hậu quả của việc các dự án giao thông ở khu vực TP HCM bị chậm tiến độ ảnh hưởng nhiều đến giao thông, phát triển các dự án khác của xã hội. Chuyên gia giao thông, TS Phạm Sanh nhận định, các dự án giao thông càng bị chậm tiến độ, nguy cơ đội vốn càng cao.
Lấy ví dụ Dự án nút giao Tân Kỳ - Tân Quý và Trường Chinh cùng cầu Tân Kỳ - Tân Quý (quận Tân Phú) có tổng nguồn vốn thực hiện năm 2010 dự kiến là 1.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, do chậm trễ triển khai, thời điểm 2018, ước tính hoàn thành Dự án trên phải mất tới 2.100 tỷ đồng.
Theo ông Trần Quang Lâm, phó giám đốc Sở GTVT thành phố, đối với các dự án chậm tiến độ, đơn vị này sẽ đốc thúc các chủ đầu tư, nhà thầu đồng thời tìm hiểu nguyên nhân để cùng tháo gỡ.
Cũng theo ông Lâm, trong năm 2018, thành phố sẽ tiếp tục triển khai nhiều dự án hạ tầng giao thông quan trọng ở các khu vực thường xuyên xảy ra ùn tắc như sân bay Tân Sơn Nhất (Tân Bình), cảng Cát Lái, cửa ngõ phía Đông Nam… với các dự án trọng điểm sẽ được khởi công như cầu Nam Lý (quận 2, 860 tỷ đồng), cầu qua đảo Kim Cương (quận 2, 340 tỷ đồng), nút giao thông Bà Chiêm (Nhà Bè, 410 tỷ đồng)…