Đại đa số những người công dân lương thiện, sống và làm việc theo pháp luật đều đi tố cáo bọn tội phạm với công an. Có một số người, vì nhiều lý do, biết về vụ án nhưng giữ im lặng, không đi tố cáo cũng không bày tỏ ý kiến gì. Bài viết này nói về những đáng tiếc, đáng trách, đáng lên án đối với nhóm người im lặng này.
1. Theo lẽ thông thường, khi xẩy ra một vụ án, một tội ác trong đời sống hàng ngày bao giờ cũng có hai phía: Kẻ gây ra tội (kẻ giết người, kẻ đâm thuê chém mướn, kẻ lừa đảo tiền bạc, buôn người ...) còn gọi là thủ phạm và phía bị hại, còn gọi là nạn nhân, có thể là một hay nhiều người. Nếu tội ác xẩy ra ở vùng hẻo lánh xa xôi không có người sinh sống thì rất khó để tìm ra thủ phạm. Nhưng phần lớn tội ác xẩy ra ở vùng có dân cư sinh sống thì thế nào cũng có người biết, hoặc trực tiếp nhìn thấy, hoặc chứng kiến một phần vụ án, hoặc biết về vụ án theo nhiều cách khác nhau.
Đại đa số những người công dân lương thiện, sống và làm việc theo pháp luật đều đi tố cáo bọn tội phạm với công an.
Có một số người, vì nhiều lý do, biết về vụ án nhưng giữ im lặng, không đi tố cáo cũng không bày tỏ ý kiến gì. Bài viết này nói về những đáng tiếc, đáng trách, đáng lên án đối với nhóm người im lặng này.
Từ cách đây 500 năm trước, nhà triết học thiên tài cổ điển người Đức – Martin Luther (1483 – 1546) đã được cả thế giới học thuật thời đó hết sức ngưỡng mộ vì sự phát hiện ra một thành phần rất có hại trong xã hội loài người.
Đó là những kẻ vô trách nhiệm, sống vô cảm theo lối “cháy nhà hàng xóm, bình chân như vại”, họ giả câm, giả điếc, làm ngơ trước tội ác, làm ngơ trước đau khổ của đồng loại.
Martin Luther lên án: “Anh không chỉ phải chịu trách nhiệm với những gì mình nói ra, mà cả những gì mình im lặng, không chịu nói ra” (You are not only responsible for what you say, but also for what you do not say).
Nhờ phát hiện này từ 500 năm về trước của Martin Luther nên nhiều văn bản Luật pháp, văn bản đạo đức cũng rất coi trọng tính nghiêm trọng của hành động tiêu cực: Biết mà không nói, biết mà vẫn giả vờ như không biết, biết mà vẫn “mũ ni che tai”.
Trong tuyên ngôn Genève năm 1960 về Y đức (International Convention of Medical Ethics) Tổ chức Y tế Thế giới đã lên án: “Im lặng trước một sai phạm Y tế (do thày thuốc, do người bệnh gây nên) dẫn đến chết người bị coi là tội ác, trái với lời thề tốt nghiệp Y khoa, trái với lương tâm con người”.
Luật hình sự ở nhiều quốc gia cũng quy định “Tội che dấu, a tòng với tội ác, không tố cáo tội ác đều bị đưa ra xét xử”.
Như vậy cái tai hại của nhóm người im lặng đáng sợ như phần đầu nêu ra đã thấy rõ. Rồi năm tháng trôi qua, nhiều trường học, nhiều sách giáo khoa, nhiều sách dạy làm người cũng có hẳn nhiều chương mục đề cập đến những “im lặng đáng sợ” (The appeling silence) này.
Trong đó nêu nhiều ví dụ sinh động, nhiều cách giải quyết cụ thể, nhiều hậu quả tai hại giúp cho nhiều thế hệ con người tránh xa được cái đáng sợ này ở nhiều mức độ.
Đến thế kỷ XX, cả nhân loại lại được hâm nóng, được báo động mạnh mẽ về vấn đề này bởi nhà dân chủ Mỹ người da đen nổi tiếng – Martin Lutherking (1929 – 1968).
Nhà dân chủ này ra đi ở tuổi 39 vì bị ám sát nhưng ông đã kịp để lại cho đời lời cảnh báo lớn sau đây: “Thế giới chịu nhiều đau khổ không chỉ do sự tàn bạo của những kẻ xấu mà còn do sự im lặng của những người tốt” (The world suffers a lot, not because of the violence of bad people, but because of the appeling silence of good people).
Những người tốt, lương thiện nhưng im lặng không dám nói gì vì quá sợ hãi bọn tội phạm, sợ chúng trả thù, tàn sát.
Một số trong những người này có thể bị mua chuộc bằng tiền bạc, bằng chức vụ mà bọn xấu đã hứa hẹn nên đã tự mình chuyển hóa thành người xấu, không còn lương thiện, không còn thật thà như trước kia nữa.
Những người hoặc quá sợ hãi, do nhút nhát, muốn an thân, không muốn va chạm cộng với nhóm người thoái hóa biến chất tạo nên hàng ngũ những kẻ “im lặng đáng sợ”.
Rất đáng buồn là một số người đóng vai giả câm giả điếc, vờ vịt như không nghe thấy gì, không nhìn thấy gì, không biết chuyện gì để sống một đời sống ích kỷ, vô trách nhiệm với đồng loại, với đồng nghiệp, với bạn bè ngày càng tăng lên trong cơ chế thị trường đề cao giá trị đồng tiền.
Có ai đó đã thốt lên cay đắng: “Nhân phẩm không bằng thực phẩm, lương tâm không bằng lương thực”. Có nhà thơ đã viết những dòng ai oán sau:
“Người xa, xa đến mịt mờ.
Người gần lại cứ giả vờ như xa”.
Thế nào là “giả vờ như xa” ? Đó là khi nghe điện thoại di động không trả lời. Nếu gặp lại người gọi và bị trách thì được giải thích là đang xạc pin hoặc đang họp không trả lời được.
Gọi điện thoại về nhà thì vợ trả lời là đi vắng. Đến khi sự việc hỏng hoàn toàn, chỉ một câu “Rất tiếc” (sorry) là xong.
Thế nào là “xa đến mịt mờ”? Người giầu có sang trọng đó trước đây là bạn thân của ta thời còn học phổ thông. Nay khi đã trở thành đại gia, người đó có trông thấy ta cũng quay đi. Ta cũng quay đi, tránh mặt. Thành ra tình bạn đã quá xưa cũ, nay đã xa đến mịt mờ là như thế đó.
* Những tác hại do thói im lặng vô trách nhiệm, ích kỷ mang lại trong đời sống hàng ngày:
- Những người ích kỷ, vô tâm thản nhiên làm ngơ trước một cụ già run rẩy không dám qua đường vì sợ ô tô, xe máy quá đông, đi quá nhanh.
- Họ làm ngơ trước một em bé bị hai tên lưu manh đi xe máy vượt ẩu xô ngã xấp mặt xuống đường, kêu khóc vì đau đớn sợ hãi.
Những người thiếu lương tâm ấy lý luận rằng: Hơi đâu mua giây buộc mình. Họ giải trình như sau: Đụng vào bọn lưu manh thì nhỡ đâu chẳng phải đầu cũng phải tai. Nên họ cứ chủ trương “mũ ni che tai, sống chết mặc ai” cho an toàn cái thân mình.
*Có những người có khả năng chuyên môn tốt nhưng không có ai giới thiệu, không có người giúp đỡ nên suốt đời âm thầm với nỗi buồn “Tài cao, phận thấp, chí khí uất”.
Có ai biết đâu những người không may này cũng có những người bạn, những người quen thành đạt nhưng ích kỷ, không muốn giúp đỡ bạn cũ, đồng nghiệp cũ.
*Còn có những người sống ích kỷ, nhẫn tâm nhìn người khác đang phạm sai lầm, đang đi vào con đường dẫn đến phạm pháp, tù tội mà vẫn im lặng, lờ đi. Những kẻ ích kỷ này cốt giữ an toàn cho bản thân họ, sợ va chạm người nọ người kia, sợ liên lụy đến mình. Rốt cuộc họ tặc lưỡi: Ông A, ông B đi tù là tại số, biết làm thế nào được !
2. Cần xa lánh căn bệnh “Im lặng đáng sợ”:
Căn bệnh “ngậm miệng ăn tiền”, “mũ ni che tai, ích kỷ hại người”, “cháy nhà hàng xóm bình chân như vại” ... vốn không xa lạ gì trong xã hội loài người. Nó diễn ra mọi nơi, mọi lúc ở bất cứ thời đại nào.
Nhưng phải đợi đến khi nhà dân chủ Martin Lutherking gọi đích danh cái tên của nó ra mọi người mới giật mình, đó là bệnh “Im lặng đáng sợ”.
Theo Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ biên soạn: Trang 423 thì: “Im lặng là: 1/Không phát ra tiếng động, tiếng nói dù có đang hoạt động.
2/Không có một hành động gì trước sự việc đáng lẽ phải có thái độ, phải có phản ứng.
Thí dụ: Sự việc đến như vậy mà có thể im lặng bỏ qua được sao”.
Trang 798 thì: “Sợ là: 1/Ở trong trạng thái không yên lòng vì cho rằng có cái gì đó trực tiếp gây nguy hiểm cho mình, mà tự thấy không thể chống lại hoặc tránh khỏi.
Thí dụ: sợ như sợ cọp, sợ xanh mắt, hoặc: Thiếp như con én lạc đàn/ Phải cung rày đã sợ làn cây cong. (Nguyễn Du, truyện Kiều). 2/ Không yên lòng”.
Căn bệnh đáng sợ này, căn bệnh đáng khiếp đảm này xuất phát từ sự ích kỷ, lúc nào cũng chỉ muốn có lợi cho cá nhân mình.
Nhà triết học Stirner đã chỉ rõ cái bản chất tệ hại của hạng người này khi ông lên án bọn chúng: “Đối với tôi, chẳng có gì hơn là tôi cả” (Nothing is more to me than myself).
Vì bọn sống ích kỷ này quá tham lam, quá mù quáng nên chúng trở nên lầm lạc một cách khốn khổ, đúng như Sicard de Plauzoles đã viết: “Đứa ích kỷ tính toán một cách quá vị kỷ những quyền lợi của nó, rốt cuộc đâm ra lầm lạc” (L'égoїste qui calcule égoїstement ses intérêts fait en définitive un mauvais calcul).
Trong thực tế cuộc sống, ai cũng thấy rõ bọn “im lặng đáng sợ”, kẻ “ngậm miệng ăn tiền” trước sau cũng lộ diện và ai ai cũng khinh bỉ, coi thường chúng. Bọn chúng thường sống cô độc, lẻ loi, ăn mảnh, không ai muốn kết bạn với chúng.
Vì thế nhà triết học Jean Pierre de Florian (1755 – 1794) đã cảnh báo: “Những ai chỉ nghĩ đến mình trong lúc vinh hoa phú quý thì hãy nhớ đến lúc gặp hoạn nạn sẽ không có ai cưu mang giúp đỡ” (Qui ne songe qu'ā soi quand la fortune est bonne. Dans le malheur n'a point d'amis).
Để khép lại trang viết, không gì hơn là luôn nhớ đến lời dặn chí tình của nữ thi sỹ lừng danh nước Pháp, bà De Lambert (1647 – 1733): “Nếu anh chỉ muốn sung sướng một mình, anh sẽ không bao giờ được sung sướng cả” (Si vous voulez être heureux tout seul, vous ne le serez jamais).