Báo cáo Giám sát Tài chính công bố ngày 5/10 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết nợ công và tư nhân-không bao gồm ngành tài chính-vào cuối năm 2015 đạt 152.000 tỷ USD, tương đương 225% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, và có khả năng gây ra khủng hoảng tài chính.
Ảnh minh họa.
“Ở mức 225% GDP, nợ toàn cầu hiện đang ở mức cao nhất từ trước đến nay. 2/3 trong số này, tức khoảng 100 nghìn tỷ USD, là thuộc về khu vực tư nhân và có thể mang nhiều rủi ro khi chúng vượt ngưỡng”-IMF cho hay.
Trước đây, trong năm 2002, nợ toàn cầu chỉ ở mức 200% GDP toàn cầu. Khối nợ khổng lồ này có thể gây nên một quá trình suy giảm khu vực tư nhân, đe dọa tới sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu.
Theo IMF, dù cho hầu hết các khoản vay nợ đều xuất hiện từ trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng năm 2008, nhưng tỷ lệ lãi suất thấp đã khiến cho các khoản nợ doanh nghiệp gia tăng ở các thị trường đang nổi. Khối nợ tư nhân hiện ở mức cao ở cả các nền kinh tế phát triển và một số thị trường lớn đang trỗi dậy như Trung Quốc và Brazil-2 nền kinh tế đóng vai trò quan trọng trong việc bình ổn kinh tế thế giới.
“Các khoản nợ tư nhân quá lớn là một chướng ngại đối với đà phục hồi kinh tế toàn cầu và là một rủi ro đối với sự ổn định tài chính thế giới. Các cuộc suy thoái tài chính có xu hướng kéo dài hơn và ảnh hưởng sâu rộng hơn bình thường”-IMF nhận định.
Nếu không có quá trình giảm nợ, các nước sẽ đối mặt với nguy cơ khủng hoảng tài chính dễ phát triển thành suy thoái. Để hỗ trợ quá trình giảm nợ, cần phải khôi phục tăng trưởng và đưa lạm phát trở về mức bình thường.
Điều kiện này đòi hỏi các chính phủ phải kích thích tăng trưởng thông qua đầu tư, cải cách tài chính và kinh doanh, và đưa ra các chương trình mục tiêu để giúp các công ty giảm nợ.