Truyền thông Indonesia vừa cho biết các vấn đề pháp lý để xây dựng thủ đô mới nằm trên đảo Borneo của nước này đã được khởi động. Đây là những tiền đề đầu tiên để Indonesia bắt đầu một hành trình dời đô lịch sử.
Khu trung tâm Jakarta.
Gánh nặng dồn lên Jakarta
Tháng 4/2019, khi kế hoạch dời đô của Indonesia vẫn còn nằm trong vòng bí mật, tờ Guardian (Anh) khi viết về kế hoạch trên đã đặt một cái title được cho là cẩn trọng nhưng đầy ẩn ý: “Tạm biệt Jakarta”. Bài viết có ý luyến tiếc một vùng đất từng là cái nôi của nền văn minh sẽ không còn là thủ đô của “quốc gia vạn đảo”.
Đến tháng 8/2019, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã chính thức xác nhận thủ đô Indonesia sẽ chuyển từ Jakarta đến đảo Borneo, hay còn được biết tới cái tên là Kalimantan với diện tích 743.300km2.
Jakarta từng là cố đô của Vương quốc Sunda thời trung cổ, sau đó là thành phố cảng Batavia trong thời thực dân Hà Lan, rồi trở thành thủ đô vào thập niên 1940 khi Indonesia tuyên bố độc lập. “Không ai muốn từ bỏ nó mà đi, kể cả Tổng thống”- một người dân Indonesia khi được hỏi về việc dời thủ đô sang vùng đất mới nói.
Chuyện di dời trung tâm hành chính của Indonesia đã được thảo luận trong nhiều thập niên qua, kể từ thời Tổng thống đầu tiên của Indonesia là ông Sukarno. Tuy nhiên, việc Tổng thống Widodo xúc tiến kế hoạch vào lúc này đã cho thấy tính cấp bách của vấn đề”- tờ Jakarta Post viết.
Jakarta hiện đang đối mặt với hàng loạt vấn đề. Là thành phố lớn nhất ở Indonesia với dân số 9,6 triệu người, cùng với vùng đô thị Jakarta có dân số gần 30 triệu người đang là một thách thức lớn đối với chính quyền thủ đô Indonesia.
Nạn kẹt xe đã khiến thành phố này mất khoảng 7 tỉ USD mỗi năm. Bên cạnh đó, Jakarta cũng là thành phố ô nhiễm không khí nhất Đông Nam Á. Trong khi đó, câu chuyện khoan tìm kiếm nước ngầm và sức nặng của các tòa nhà chọc trời khiến thành phố này đang sụt lún ở mức báo động.
Theo Đài ABC, các nhà nghiên cứu đến từ Viện Công nghệ Bandung ở Indonesia cho biết 95% thủ đô Jakarta sẽ chìm trong nước biển vào năm 2050, tức chỉ trong 30 năm tới.
“Jakarta hiện gánh trên mình hai gánh nặng cùng một lúc: vừa là trung tâm của chính phủ và các dịch vụ công, vừa là trung tâm kinh doanh. Trong tương lai, liệu thành phố này chịu nổi gánh nặng đó hay không?”-Tổng thống Widodo nói về quyết định dời đô.
Cần gần 33 tỷ USD xây thủ đô mới
Trước khi được lựa chọn là thủ đô mới của “ quốc gia vạn đảo”, Borneo là hòn đảo lớn thứ 3 thế giới và lớn nhất châu Á với diện tích gần 750.000 km2. Hòn đảo này hiện được phân chia giữa ba quốc gia là Malaysia cùng Brunei ở phần phía Bắc và Indonesia ở phía Nam (sở hữu khoảng 73% diện tích đảo).
Tờ Jakarta Post dẫn lời ông Suharso Monoarfa, lãnh đạo Cơ quan kế hoạch phát triển quốc gia Indonesia (Bappenas) cho biết thành phố thủ đô sắp được xây dựng tại khu vực rộng 256.000ha thuộc hai huyện Bắc Penajam Paser và Kutai Kartanegara thuộc tỉnh Đông Kalimantan. Chính quyền sẽ tách khu vực này thành một tỉnh mới của Indonesia.
Vùng đặc biệt rộng 56.000ha, nơi đặt Phủ tổng thống, trụ sở các bộ và các tổ chức nhà nước khác, sẽ tách biệt và được đặt dưới quyền của một người quản lý do chính quyền bổ nhiệm.
Ông Suharso cho biết Chính phủ Indonesia đang soạn thảo một đạo luật chi tiết về thủ đô mới, bao gồm cả việc thành lập một khu tự trị mới. Chính quyền Tổng thống Joko Widodo đang tiến hành thành lập một cơ quan chịu trách nhiệm giám sát việc di dời thủ đô mới, trong đó gồm đảm bảo việc xây dựng đúng kế hoạch.
“Kế hoạch dời đô sẽ cần ban hành và sửa đổi ít nhất 9 luật khác, trong đó gồm điều luật thay đổi quy chế đặc biệt hiện nay của Jakarta và một luật mới về quy hoạch không gian thủ đô và luật sửa đổi về chính quyền khu vực” -Theo Bộ Nội vụ Indonesia. Công việc pháp lý dự kiến hoàn tất trong năm 2020 và để khởi công xây dựng thành phố thủ đô vào đầu năm 2021, dự kiến hoàn thành vào năm 2024.
Trong khi đó, về mặt tài chính, kế hoạch di dời thủ đô nói trên của Indonesia sẽ tiêu tốn khoảng 32,79 tỷ USD (466.000 tỷ rupiah). Số tiền này cần phải có để xây dựng các trụ sở công quyền mới và nhà ở cho khoảng 1,5 triệu nhân viên chính phủ. Trong đó, Chính phủ sẽ cấp 19% số kinh phí, số còn lại do các đối tác trong khu vực công và tư nhân đầu tư.
Theo nhận định của báo Guardian, Indonesia đang ghi tên mình vào một danh sách những quốc gia có xu hướng “dời đô” ngay trong những năm đầu thế kỷ XXI như Nigeria, Brazil , Myanmar, Australia và mới đây là Ai Cập.