Iran cùng nhóm 6 cường quốc đã đạt được một thỏa thuận lịch sử hôm 14/7 sau hơn một thập kỷ đàm phán hạt nhân, gỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Tehran để đổi lấy việc nước này ngừng chương trình hạt nhân gây tranh cãi trong một động thái có thể làm thay đổi tình hình khu vực Trung Đông.
Thỏa thuận hạt nhân được coi là một chiến thắng lớn với Tổng thống Mỹ Barack Obama
và người đồng cấp Iran Hassan Rouhani.
(Nguồn: Reuters)
Hãng thông tấn nhà nước IRNA của Iran cho biết các cơ sở hạt nhân của nước này vẫn duy trì hoạt động, chiếu theo thỏa thuận mới đạt được với các cường quốc. Thông báo này cho hay, tất cả các cơ sở hạt nhân Iran tiếp tục hoạt động, không cơ sở nào bị ngừng hoặc bị phá hủy, và Iran sẽ tiếp tục các cuộc nghiên cứu, phát triển ở các lò ly tâm IR-6, IR-5, IR-4, IR-8. |
Thỏa thuận này nhằm hạn chế các hoạt động hạt nhân của Iran trong suốt hơn một thập kỷ qua để đổi lấy việc gỡ bỏ dần các lệnh cấm vận vốn đã khiến ngành xuất khẩu dầu mỏ của nước này lao đao, nền kinh tế trì trệ.
“Mọi công việc khó khăn đã mang lại kết quả và chúng tôi đã đạt được một thỏa thuận”, Hãng tin Reuters dẫn lời một nhà ngoại giao giấu tên, trong khi một nhà ngoại giao khác của phía Iran cũng xác nhận thỏa thuận này.
Ngoại trưởng Iran cùng 6 cường quốc đã có cuộc gặp tại Vienna để tham dự một cuộc họp và sau đó một cuộc họp báo đã diễn ra. Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cùng Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini dự kiến đưa ra một tuyên bố chung về thỏa thuận đạt được.
Theo một bản dự thảo của thỏa thuận hạt nhân, dưới dạng sơ bộ được công bố từ hôm 2-4 vừa qua, các thanh tra viên của LHQ sẽ được tiếp cận tất cả các nhà máy nghi ngờ là phát triển hạt nhân của Iran, kể cả nhà máy thuộc phía quân đội.
Để đạt được thỏa thuận lịch sử này, các nhà Ngoại giao hàng đầu đến từ Anh, Trung Quốc, Pháp, Đức, Nga và Mỹ đã phải cùng tham dự một cuộc họp diễn ra khoảng 1 giờ đồng hồ trong đêm trước đó.
Thỏa thuận có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc định hình lại mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Tehran và các nước phương Tây, những nước ngờ vực Iran sử dụng chương trình hạt nhân dân sự để che đậy mục đích thực sự là phát triển vũ khí hạt nhân, dù cho nước này bác bỏ hoàn toàn.
Một trong những điểm khó tháo gỡ trên bàn đàm phán suốt tuần qua là việc Iran một mực yêu cầu gỡ bỏ lệnh cấm mua bán vũ khí và chương trình tên lửa đạn đạo mà LHQ áp đặt đối với họ kể từ năm 2006 đến nay. Đề nghị này được Nga ủng hộ. Bấy lâu nay, các nước phương Tây phải đặt ra lệnh cấm này do lo ngại Iran sẽ mua bán vũ khí tự do để tăng sự hỗ trợ quân sự cho phiến quân người Shi’ite ở Iraq, hay phiến quân Houthi ở Yemen và Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Một vấn đề khác cũng gây tranh cãi không kém là một kế hoạch “đảo ngược” mà các nước phương Tây đưa ra nhằm khôi phục lại các lệnh trừng phạt đối với Iran trong trường hợp nước này phá vỡ thỏa thuận đạt được. Tuy nhiên, do chi tiết về thỏa thuận vẫn chưa được công bố, nên vấn đề này vẫn còn là một dấu chấm hỏi. Cuối cùng là khúc mắc về việc các thanh tra của LHQ được quyền tiếp cận các cơ sở hạt nhân quân sự của Iran.
Reuters dẫn một số nguồn tin ngoại giao cho hay, một nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ về vấn đề này sẽ được đưa ra nội trong tháng 7, và các bước nằm trong thỏa thuận hạt nhân sẽ được các bên thực hiện – trong đó bao gồm việc hạn chế chương trình hạt nhân và gỡ bỏ lệnh cấm vận đối với Iran – sẽ được hoàn thành trong nửa đầu năm 2016.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là các thông tin từ bản dự thảo thỏa thuận hồi tháng 4 và đến nay nó có thể đã thay đổi ít nhiều bởi cả phía Iran và các cường quốc.
Nguồn tin này cũng cho biết Iran và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đã đạt được một thỏa thuận nhằm giải quyết câu hỏi rằng liệu quân đội Iran có thực sự triển khai các hoạt động hạt nhân từ trước đến giờ hay không.
Trước đây, người Iran khẳng định rằng họ chưa bao giờ tiến hành các hoạt động liên quan đến vũ khí và đã bác bỏ những yêu cầu của IAEA đòi thăm các cơ sở nơi cơ quan này nghi ngờ những công việc như vậy đang diễn ra, bao gồm cả Parchin, khu phức hợp quân sự gần Tehran mà IAEA tin là đã tiến hành thử nghiệm các chất nổ có liên quan tới một lò nạp hạt nhân.
Tuy nhiên, Washington nói rằng Iran cần phải hợp tác với IAEA như một phần của thỏa thuận tổng quát trước khi toàn bộ lệnh trừng phạt đối với nước này được gỡ bỏ.
Việc đạt được thỏa thuận là chiến thắng lớn về chính sách đối với cả Tổng thống Mỹ Barack Obama và người đồng cấp Iran Hassan Rouhani. Hai nhà lãnh đạo đều đối mặt với sự hoài nghi mạnh mẽ ở trong nước sau nhiều thập kỷ thù hằn.