Ít người thắng, nhiều người thua

THANH ĐỨC 26/06/2023 10:00

Một trong những nhà đầu tư hàng đầu của Mỹ, Nvidia - công ty có các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), bao gồm cả công cụ chatbot nổi tiếng ChatGPT cho rằng, các công ty công nghệ có trụ sở tại Thung lũng Silicon có thể sẽ tạo ra nhiều kẻ thua cuộc hơn là người chiến thắng.

Robot phục vụ nhà hàng tại Nhật Bản.

Tiến sĩ Rajiv Jain cho biết, sức mạnh của công nghệ đem đến cho một số người lợi nhuận, nhưng trong cuộc chiến ấy sẽ có nhiều người thua hơn người thắng. Ông Rajiv cho biết, Nvidia đã làm việc không mệt mỏi trong cả chục năm để phát triển các con chip, tập trung vào AI vượt trội ở khả năng xử lý song song.

Tuy nhiên, Nvidia không phải là công ty hưởng lợi duy nhất. Cổ phiếu của Nvidia đã tăng 170% trong năm 2022, bổ sung thêm 575 tỉ USD vào giá trị vốn hóa thị trường. Trong khi đó, các công ty “ăn theo” sản phẩm của Nvidia như Google hoặc Palantir Technologies và BigBear AI thì lãi còn lớn hơn.

“Như vây, lợi nhuận sẽ vào tay một số công ty lớn, đồng nghĩa với việc gạt ra lề đường hàng loạt công ty công nghệ nhỏ, có nghĩa là hàng loạt công ty công nghệ sẽ trở thành kẻ thua cuộc. Cụ thể sẽ là các công ty phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin khi AI tự động hóa các bộ phận trong doanh nghiệp của họ, dẫn đến nhiều những quy trình cơ bản sẽ trở nên dư thừa.

Tuy nhiên, ông Rajiv cũng cho rằng cũng khó có thể điểm tên những công ty công nghệ sẽ thất bại vì rằng có hàng nghìn công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử, ai biết được doanh nghiệp nào là người chiến thắng? Và chưa kể đến việc bản thân công ty cũng phải thay đổi để tồn tại.

Một vấn đề khác được ông Rajiv cho là “thú vị” khi mà có thể người đứng đầu doanh nghiệp chưa nghĩ gì về các ứng dụng của AI, nhưng điều đó không có nghĩa nhân viên không sử dụng nó cho công việc hàng ngày. Theo đó, họ có thể nhờ các AI tạo sinh như ChatGPT soạn giúp e-mail cho khách hàng, viết thông báo đăng lên trang web công ty, phác thảo một bài thuyết trình có đầy đủ biểu bảng, thậm chí tổng kết công việc của quý và vạch kế hoạch cho quý tới...

Đó là mặt tích cực, nhưng sử dụng AI vào công việc cũng có thể kéo theo các rủi ro khó lường trước, như làm lộ thông tin công ty, khách hàng phát hiện họ đang trao đổi với máy chứ không phải với người khi mà AI tạo sinh đã “khét tiếng” về các sai sót chúng đưa ra nhưng vẫn tự tin như đang “nắm chân lý”.

“Đó là lý do vì sao các doanh nghiệp trên thế giới hiện đang có những chính sách hoàn toàn khác nhau về AI; có nơi cấm nhân viên sử dụng, có nơi khuyến khích và cũng có nơi lập ra bộ phận nghiên cứu tận dụng công nghệ mới” - chuyên gia phần mềm chatbot Michel Roff nói, từ đó đưa ra lời khuyên là lãnh đạo doanh nghiệp cần cân nhắc một chính sách chung cho công ty để có sự nhất quán đồng thời cần theo dõi xem ứng xử của cộng đồng doanh nghiệp như thế nào và có biện pháp thích ứng.

“Chắc chắn nhiều công việc sẽ mất đi nhưng cũng có thể nhiều loại hình công việc mới sẽ được sinh ra. Bên cạnh đó, doanh nghiệp nào tận dụng được sức mạnh của công nghệ mới sẽ tạo được lợi thế cạnh tranh như tự động hóa quy trình trả lời khách hàng, nâng cấp nội dung và hình thức của trang web công ty, cải tiến cách quản lý các mạng xã hội cho công ty” - theo TS Michel Roff.

Thêm một vấn đề nữa, đó là một khi quyền tác giả của AI được công nhận, thì luật cũng sẽ phải công nhận quyền nhân thân của… chương trình máy tính, có nghĩa là có thể phải chấp nhận rằng AI cũng có những giá trị tinh thần tương tự như con người; đó là quyền nhân thân.

Quyền nhân thân là một loại quyền dân sự, như quyền có họ, tên, quốc tịch, quyền được khai tử, quyền tự do đi lại, tự do cư trú, quyền sống, quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, thân thể, quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín…, mà bất cứ ai cũng không được phép xâm phạm. Đặc điểm chính của quyền nhân thân là gắn liền với mỗi cá nhân, không thể chuyển giao cho người khác (trừ một số trường hợp ngoại lệ).

Sự phát triển của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) đã làm đảo lộn thế giới sáng tạo. Vậy thì các tác phẩm nghệ thuật do AI tạo ra có được công nhận “bản quyền” không, trong khi gốc của nó lại là một con người rất cụ thể. Ở thời điểm hiện nay, quyền tác giả hầu như chưa được tòa án nào công nhận với tác phẩm do AI tạo ra. Một trong những lý do chính của việc từ chối bảo hộ quyền tác giả này chính là quyền nhân thân, khi mà quyền nhân thân là quyền gắn liền với con người, gắn liền với những giá trị tinh thần của con người, chứ không phải dành cho một cỗ máy.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ít người thắng, nhiều người thua