Xã hội

Kè chắn sóng bảo vệ đê biển Đông - dẫn rừng ra biển

Nguyên Du 15/07/2025 10:52

Ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, những năm qua, tỉnh Cà Mau đã có nhiều dự án phát triển và bảo vệ rừng phòng hộ ven biển của tỉnh, trong đó kè chắn sóng tại các khu vực xung yếu ven biển đã hạn chế tối đa tình trạng sạt lở đê biển, tạo bãi bồi góp phần tái sinh đai rừng phòng hộ ven biển.

Tỉnh Cà Mau có tuyến đê biển Đông dài khoảng 56km, trải dài từ xã Gành Hào đến giáp ranh tỉnh Sóc Trăng cũ. Dưới tác động của sóng biển, gió bão đã gây ra hiện tượng xâm thực, làm xói mòn, sạt lở tại một số đoạn đê. Nhiều khu vực bờ biển không còn rừng phòng hộ, có đoạn đai rừng còn rất mỏng, sóng đánh trực tiếp vào thân đê, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, sinh hoạt của người dân.

z6805414409801_fee59b7117f5d6b64cd4a2b3e2c4237d.jpg
Kè chắn sóng tại các khu vực xung yếu ven biển đã hạn chế tối đa tình trạng sạt lở đê biển, tạo bãi bồi góp phần tái sinh đai rừng phòng hộ ven biển. Ảnh: Nguyên Du

Bà Lý Thị Liên, người dân cư ngụ ở phường Hiệp Thành hơn 30 năm nay cho biết, ngày trước đê nằm cách mé biển đến gần nửa cây số, sóng đánh vào còn qua một lớp rừng phòng hộ ven biển nên không đủ sức quật ngã con đê. Bây giờ con đê quá nhỏ bé so với biển mênh mông sóng dữ. Mỗi khi vào mùa mưa bão là sóng đánh liên tục vào đê biển, có khi nước tràn qua đê vào nhà. Ban đêm người dân chẳng dám ngủ vì sợ vỡ đê.

BAY BOI VA DAT RUNG PHONG HO - FLYCAM.00_03_29_03.Still001
Trồng lại rừng phòng hộ từ chân đê ra đến tuyến kè chắn sóng nhìn từ trên cao. Ảnh: Nguyên Du

Tuy nhiên, nỗi lo ấy hiện nay không còn bởi Cà Mau đã đưa vào sử dụng hệ thống kè chắn sóng, tạo bãi ven biển tại các điểm xung yếu. Qua ghi nhận, tại các vị trí nguy hiểm dần được ổn định, rừng phòng hộ bảo vệ, chân đê từng bước được khôi phục người dân an tâm sản xuất. Theo thiết kế kè chắn sóng, tạo bãi được xây dựng cách đê biển 100-150m, cao trình 4-4,5m. Khi sóng biển đánh vào sẽ bị giảm lực. Khi nước rút sẽ đọng lại lượng phù sa, lâu ngày lắng đọng thành bãi.

Tại địa bàn phường Hiệp Thành, có tuyến bãi bồi từ cửa biển khóm Nhà Mát đến khu vực giáp ranh địa phận tỉnh Sóc Trăng (cũ), khu vực này những năm trước đây cứ vào mùa mưa là thường xuyên bị sạt lở nghiêm trọng, nhất là tại 2 khu vực xung yếu là cửa biển Khóm Nhà Mát và khu vực ấp Biển Đông A, nơi giáp ranh tỉnh Sóc Trăng(cũ). Thế nhưng, hơn 1 năm qua, nhờ được đầu tư dự án kè chắn sóng nên tình trạng sạt lở hầu như không còn xảy ra.

BAY BOI VA DAT RUNG PHONG HO - FLYCAM.mxf.00_00_15_01.Still002
Có kè chắn sóng, rừng phòng hộ ven biển Cà Mau phát triển xanh mướt, tạo môi trường cho các loài thủy hải sản sinh sống . Ảnh: Nguyên Du

Theo nhiều người dân cư ngụ ven biển, thuộc địa bàn xã Hiệp Thành cho biết, đa số người dân trong khu vực này sinh sống bằng nghề nuôi tôm công nghiệp bên trong đê biển, còn phía ngoài đê biển thì nhận khoán đất rừng để vừa giữ rừng vừa nuôi và khai thác thủy hải sản dưới tán rừng. Trước đây khi chưa có kè chắn sóng, cứ mỗi khi vào mùa mưa là thấp thỏm lo âu, bởi triều cường, sóng lớn luôn đe dọa phá vỡ đê bao ảnh hưởng lớn đến sản xuất. “Từ khi kè được xây dựng, đã chắn được sóng to, gió lớn, gây bồi tạo bãi, việc nuôi và khai thác thủy hải sản của người dân nơi đây cũng được thuận lợi hơn”, ông Đặng Văn Quang, người nhận khoán đất rừng tại khóm Nhà Mát, phường Hiệp Thành, tỉnh Cà Mau chia sẻ.

Ông Lê Chí Linh, Phó Giám đốc Ban Quản lí rừng đặc dụng phòng hộ Bạc Liêu cho biết, đơn vị được giao quản lí hơn 3.000 rừng phòng hộ, rừng phòng hộ xung yếu, dọc theo bãi bồi ven biển trãi dài hơn 56 km, từ giáp ranh tỉnh Sóc Trăng(cũ) đến xã Gành Hào.

z6803304838020_9f002db8b59d028c4dfd3a1bd4d8dd4e.jpg
Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tác động đến các khu vực xung yếu thường xuyên xảy ra sạt lở nghiêm trọng trên diện tích đất lâm phần. Ảnh: Nguyên Du

Những năm trước đây do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên hàng năm tại các khu vực xung yếu thường xuyên xảy ra sạt lở nghiêm trọng trên diện tích đất lâm phần. Sau khi đưa vào sử dụng, kè này đã ngăn sóng và tạo bãi bồi, hiện nay mực đất được bồi lên bên trong công trình so với mặt đất tự nhiên bên ngoài từ 0,6 đến 0,8m. “Kè không chỉ làm giảm áp lực sóng biển, bảo vệ rừng, mà còn tạo ra vùng bãi bồi rộng lớn, góp phần làm tái sinh cây rừng mới. Chúng tôi tuyên truyền, vận động bà con cùng quản lí cùng bảo vệ cho tốt rừng tái sinh. Cùng với đó thực hiện công tác xã hội hóa về trồng rừng phát triển rừng, trồng bổ sung thêm để tạo lại đai rừng phòng hộ ven biển, góp phần để thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng cũng như mà bảo vệ các đai rừng của các vuông tôm của khu vực ven biển”, ông Linh cho biết thêm.

z6803393108659_8c737c74c5659f88fbf5aa75ac9135ec.jpg
Trồng rừng tái tạo đai rừng phòng hộ ven biển. Ảnh Nguyên Du.

Thực tế công tác phòng, chống thiên tai tại tỉnh Cà Mau trong nhiều năm qua cho thấy, giải pháp công trình vẫn là tối ưu, có ý nghĩa quan trọng trong việc giảm thiểu thấp nhất mức độ thiệt hại khi có tình huống xấu xảy ra.

Riêng công trình kè chắn sóng, gây bồi, tạo bãi, chống xâm thực, xói mòn bờ biển còn có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc khôi phục và bảo vệ rừng phòng hộ ven biển của tỉnh, góp phần cân bằng hệ sinh thái tự nhiên. Quan trọng là tạo thêm sinh kế, cải thiện thu nhập cho hàng ngàn hộ dân sinh sống bên trong đê, đặc biệt là bà con dân tộc vùng ven biển.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kè chắn sóng bảo vệ đê biển Đông - dẫn rừng ra biển