Văn hóa

Kể chuyện di sản qua nghệ thuật đương đại

V.Hà 24/12/2024 14:12

Tiếp nối thành công của 2 mùa trước, triển lãm nghệ thuật đương đại “Dấu xưa văn hiến” năm thứ 3 với chủ đề “Thiên Quang” đang diễn ra tại Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám, tập trung tái hiện sự phát triển của các làng nghề nổi tiếng đất Thăng Long xưa…

anhduoi(1).jpg
Tác phẩm “Giọt Hạnh - Tơ Vàng” tại triển lãm nghệ thuật đương đại “Dấu xưa văn hiến” năm thứ 3.

Triển lãm quy tụ các tác phẩm được thể hiện bằng chất liệu truyền thống như sơn mài, lụa, gốm, giấy dó… kết hợp các kỹ thuật hiện đại như sắt, inox, mica, các loại đèn hiện đại, acrylic... Đặc biệt, ánh sáng được khai thác làm yếu tố trung tâm, tạo nên không gian triển lãm tự do, phóng khoáng, tương tác với mọi chiều không gian.

Qua các tác phẩm, dễ dàng nhận ra các làng nghề như nghề ươm tơ dệt lụa, dệt vải nhuộm vải, thêu thùa may vá; nghề đúc đồng, nghề rèn, nghề chế tác vàng bạc thiếc; nghề mộc làm giường tủ bàn ghế, giương hòm, gương lược; nghề làm sơn mài, nghề làm vàng mã… của Thăng Long xưa.

Với cảm hứng từ cầu Long Biên - biểu tượng bền bỉ của Hà Nội, họa sĩ Phạm Hùng Anh đã tái hiện nghề rèn qua tác phẩm lắp ráp từ các khối tam giác mica trong suốt, khắc laser và đèn LED viền cạnh. Hiệu ứng ánh sáng hiện đại kết hợp với vẽ tay tạo ra sự đối thoại đầy thú vị giữa truyền thống và công nghệ, khắc họa hình ảnh người thợ rèn xưa trong một bối cảnh đương đại.

“Giọt Hạnh - Tơ Vàng” có lẽ là một trong những tác phẩm thu hút được nhiều sự chú ý của khách tham quan. Cặp đôi họa sĩ Phan Minh Bạch và Hà Phạm thực hiện tác phẩm này với mong muốn tôn vinh phẩm hạnh người phụ nữ Việt qua biểu tượng thuyền lụa và kén tơ vàng. Khung cửi sơn mài lấp lánh, lụa tơ tằm nhuộm màu thủ công, cùng chi tiết dát vàng lá công phu đã khắc họa sự tài hoa, cần mẫn của các làng nghề truyền thống. Hình tượng ánh trăng và con thuyền đầy lụa vàng lấp lánh là lời ngợi ca giá trị văn hóa từ các làng nghề cổ xưa mà các họa sĩ muốn gửi gắm qua tác phẩm này.

Hay như “Chạm” gồm những ngọn đèn hình hạt lúa vẽ tay hoa văn từ Đông Sơn đến thời Vua Đinh, Lý, Trần, Lê, Nguyễn, giúp người xem gợi nhớ nghề chạm khắc đồng, bạc nổi tiếng. Họa sĩ Nguyễn Tuấn Dũng lại tái hiện lại hình ảnh người lao động sản xuất, trồng lúa, trồng hoa, làm nghề nông (những nghề đặc trưng ở ngoại thành Hà Nội) trên những mảnh composite trong hình ipad, smartphone, đèn LED... Phía trên, vòng tròn ánh sáng “Vầng Dương” biểu tượng cho ánh sáng của trời, tạo sự kết nối giữa giá trị cổ xưa và thế giới hiện đại.

Hai bạn Nguyễn Ngọc và Tuấn Anh (quận Đống Đa, Hà Nội) lại tỏ ra vô cùng thích thú với tác phẩm sắp đặt “Thiên Đăng” của Nguyễn Trường Giang. Từ chất liệu gốm kết hợp ánh sáng, “Thiên Đăng” là tác phẩm tạo hình với hơn 40 chiếc đèn gốm nhỏ hợp lại thành vòng vô cực, có sự chuyển động uyển chuyển đầu cuối dính liền không có kết thúc. Biểu hiện một sự vận hành của trời đất, ngày đêm. Tác phẩm biểu hiện ánh sáng tự nhiên của bầu trời. Đây cũng là sự phát triển mạnh mẽ của làng gốm thủ công, khi mầu men và xương đất được qua lửa mà hình thành…

Đặc biệt, triển lãm năm nay giới thiệu tác phẩm chung mang tên “Giếng Thiên Quang”. Đây là sự kết hợp sáng tạo của 9 họa sĩ, lấy cảm hứng từ di sản “Giếng Thiên Quang” tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Tác phẩm được thiết kế dưới dạng đèn tròn với các mảnh ghép nghệ thuật thể hiện những nghề truyền thống nổi tiếng của Thăng Long, truyền tải ý nghĩa về ánh sáng tri thức, văn hóa và lịch sử lâu đời.

Triển lãm diễn ra đến hết ngày 25/3/2025.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kể chuyện di sản qua nghệ thuật đương đại