Với mong muốn kể lại những câu chuyện mộc mạc, bình dị nhưng đầy cảm xúc về Trường Sa, nhà thơ Lữ Mai và kỹ sư Trần Thành vừa kết hợp thực hiện cuốn sách “Nơi đầu sóng”. Phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với nhà thơ Lữ Mai.
Nhà thơ Lữ Mai (bên phải) trò chuyện với chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa.
PV: Cơ duyên nào khiến chị quyết định in tập sách “Nơi đầu sóng” chung với kỹ sư Trần Thành?
Nhà thơ Lữ Mai: Nếu nói về cơ duyên thì tôi nghĩ đó bắt đầu từ hai chữ “Trường Sa”. Tôi và kỹ sư Trần Thành quen biết nhau khoảng hơn 10 năm nay. Trong suốt quãng thời gian đó, anh em thỉnh thoảng gặp mặt nhưng mỗi người một công việc riêng. Năm 2014, anh Thành có chuyến đi Trường Sa, Nhà giàn DK1 lần đầu tiên, tôi có liên hệ để chuyển một số món quà nhỏ tới các chiến sĩ trẻ vừa nhập ngũ và ra đảo. Sau chuyến đi lại liên hệ để nghe anh kể chuyện biển đảo và đọc nhật ký hành trình. Tôi nghĩ đó chính là bước ngoặt thay đổi nhiều ý tưởng trong công việc của anh Thành. Sau chuyến đi, anh có những đóng góp rất thiết thực, cụ thể qua các công trình chế tạo máy lọc nước biển thành nước ngọt, máy ép rác, các giải pháp bảo vệ môi trường…
Ngược lại, vào tháng 5/2019, tôi đi công tác Trường Sa, anh Thành đã chủ động tư vấn cho tôi những kinh nghiệm cho chuyến đi.
Việc kết hợp viết sách giữa một nhà văn với một kỹ sư có gặp nhiều khó khăn?
- Tôi tin rằng bất cứ sự kết hợp nào cũng đều là cơ duyên và trong rất nhiều khác biệt thì hẳn có điểm hợp lý nhất định. Ngoài phẩm chất của một kỹ sư, Trần Thành có con mắt rất nghệ sĩ, chụp ảnh đẹp, chịu khó quan sát sự vật hiện tượng một cách tỉ mỉ, mẫn cảm. Về phía tôi, trong suốt thời gian kết hợp công việc, dù khá bận rộn nhưng tôi cũng hiểu rõ phía anh Thành không có nhiều thời gian vì thế tôi tập trung cao độ, chuẩn chỉ về giờ giấc, tương tác. Nếu nói mọi việc hoàn toàn trôi chảy thì chưa đúng. Cũng có lúc chúng tôi chưa hài lòng hoặc còn băn khoăn về một điều gì đó, khi ấy, kỹ sư Thành chỉ nói: “Anh nghĩ là chưa ổn lắm em ạ!”. Chỉ thế thôi là tôi biết cần thay đổi, điều chỉnh.
Tôi nhận thấy, lâu nay tác giả viết về chủ đề biển đảo thường là tác giả độc lập, chưa có bút nhóm hoặc dự án nào thật dài hơi. Qua quá trình làm việc với kỹ sư Trần Thành, tôi nảy ra ý định cần kết hợp những nhân sự có chung tình yêu biển đảo lại để làm nên một chút gì đó ý nghĩa cho người lính và cho chính chúng ta…
Vậy cuốn sách “Nơi đầu sóng” có gì đặc biệt?
- “Nơi đầu sóng” gồm 21 tản văn, ghi chép và bộ ảnh chọn lọc minh họa xoay quanh chủ đề biển đảo, cuộc sống của người chiến sĩ trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1 và trên những con tàu… Đây là những câu chuyện mộc mạc, bình dị nhưng đầy cảm xúc của tôi và kỹ sư Trần Thành thông qua những trải nghiệm của mình trong những lần được đến với Trường Sa. Trong 21 tản văn, ghi chép và 21 bức ảnh, chúng tôi viết về nhiều đối tượng như các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh vì biển đảo Tổ quốc; lực lượng bộ đội trên đảo, trên tàu; thân nhân của người lính; y – bác sĩ; người trực hải đăng; các chuyến tàu trên biển với những thủy thủ tinh anh, đội phục vụ tận tâm, tổ xuồng quả cảm, tổ máy thầm lặng… những loài cây trái, chó trên đảo hay hiện tượng thiên nhiên như nắng mưa, giông bão chốn khơi xa cũng xuất hiện trong trang viết của chúng tôi. Ngoài ra, có những tình huống rất đặc biệt mà một trong hai chúng tôi may mắn chứng kiến và kể lại trong sách như vật nuôi chết trên tàu cấp hàng, một ca mổ cam go trên đảo mà nếu chậm hơn có thể tính mạng bệnh nhân bị đe dọa…
Bìa cuốn sách “Nơi đầu sóng”.
Được biết cuốn sách “Nơi đầu sóng” sẽ có phần sách để tặng cán bộ, chiến sĩ đảo xa?
-Đúng vậy, với số lượng in 5.000 cuốn ở lần xuất bản đầu tiên, phần lớn sách sẽ được chuyển ra đảo xa, nhà giàn và các chuyến tàu trên biển. Để hiệu quả, chúng tôi đã nhờ đến sự hỗ trợ của Quân chủng Hải quân và các cộng tác viên. Sẽ có nhân sự quản lý, tổng hợp, kiểm tra và ghi lại số lượng sách đã phát đi. Dự kiến sách sẽ được phát hành nhân dịp Quốc khánh cùng với triển lãm ảnh.
Để thực hiện được cuốn sách “Nơi đầu sóng” cả 2 tác giả đều khá vất vả trong việc xoay sở kinh phí. Chị đã giải quyết “bài toán” khó này như thế nào?
- Đầu tiên, chính chúng tôi tự túc phần nào kinh phí nhưng đúng như bạn nói, vì kinh phí không hề nhỏ nên bản thân hai tác giả đã kêu gọi thêm các nguồn tài trợ đồng hành cùng dự án. Trong quá trình làm sách, chúng tôi nhận được nhiều sự hỗ trợ về mọi mặt. Chẳng hạn, chỉ riêng bìa sách, có khoảng gần 10 họa sĩ tương tác, đưa ra ý tưởng và gửi bìa mẫu cho chúng tôi và cuối cùng chỉ chọn 1. Các họa sĩ hoàn toàn thoải mái trong câu chuyện đó và đều mong chúng tôi có phương án tốt. Ngoài các đơn vị tài trợ, chúng tôi còn nhận được tình cảm, hỗ trợ từ chính thành viên từng đi công tác Trường Sa, nhà giàn cùng với mình. Họa sĩ Mạnh Tiến, tác giả bìa chính là đồng đội chung chuyến công tác với kỹ sư Trần Thành; những chị em cùng phòng trên tàu của tôi cũng bám sát dự án từ đầu đến cuối. Qua dự án này, tôi thấy biết ơn biển đảo Tổ quốc ta, biết ơn những con người có mặt và làm nên câu chuyện đầy yêu thương, xúc động ấy!
Trân trọng cảm ơn chị!