Vì mong muốn kế thừa truyền thống và phát triển từ văn hóa của người Việt từ góc độ hội hoạ, nghệ sĩ Thu Trần (Trần Thị Thu) thiết kế áo dài từ lụa tơ tằm Việt Nam với các họa tiết vẽ tay theo phong cách riêng biệt. Họa sĩ Nguyễn Đức Bình cùng CLB Đình Làng Việt nỗ lực nhiều năm cho việc giữ gìn, quảng bá hình dáng của Áo dài ngũ thân truyền thống đã có từ thời Nguyễn. Nghệ sĩ Võ Thị Trân Châu đã thực hiện tác phẩm “Thuỷ Ảnh” - như kể lại một giai đoạn lịch sử thăng trầm của dân tộc thông qua nghệ thuật thị giác.
1.Năm 2016, Nghệ sĩ Thu Trần đã có buổi trình diễn áo dài do chị thiết kế tại Tết Art số 1 Lương Yên - Hà Nội. Năm 2017, tại Tràng Tiền Plaza. Năm 2018, tại Hanoi Art Connecting - Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội. Năm 2019, tại Almanity Hoi An Wellness Resort và tiếp theo được tổ chức tại Hanoi Art Connecting - Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội. Tháng 10/2020 vừa qua, bộ sưu tập Áo dài do chị thiết kế được ra mắt công chúng tại Trung tâm Văn Hoá cổ 50 Đào Duy Từ.
Với Thu Trần, việc theo đuổi thiết kế áo dài Việt với chị có ý nghĩa riêng. Khi bước sang tuổi 50, Thu Trần mong muốn thế hệ sau như con gái chị nếu biết tôn vinh giữ gìn những nét đẹp của văn hóa lịch sử dân tộc, phát triển sao cho phù hợp thông qua những tác phẩm nghệ thuật ứng dụng thì mỗi một thời đại đều sẽ có dấu ấn riêng biệt.
Theo chị Thu Trần, phom dáng tà Áo dài rất đẹp. Lụa tơ tằm của người Việt được dệt tinh tế, màu sắc trên lụa thì được nhuộm thủ công từ chất liệu thiên nhiên nên mang vẻ đẹp sống động tự nhiên. Chị đến với Áo dài cũng là một duyên lành. Khi thiết kế ra chiếc Áo dài mang phong cách riêng mình, chị đã nghĩ về quan niệm mặc đồ của người phụ nữ thường rất thích ôm sát để tôn dáng. “Nhưng trăm người mới có khoảng mười người có thể mặc ôm dáng để đẹp. Số người còn lại: cao, thấp, gầy, béo... nên việc cần tạo ra một phom dáng Áo dài hiện đại cho người dáng không chuẩn là rất cần thiết” - chị Thu Trần chia sẻ.
2.Từ nghiên cứu của họa sĩ Nguyễn Đức Bình, tiền thân Áo dài của Việt Nam hôm nay được cách tân từ Áo ngũ thân. Thời Chúa Nguyễn Phúc Khoát (1739-1765), ông đã ban hành định chế để phổ biến Áo ngũ thân trong dân chúng. Mục tiêu của Chúa Nguyễn đàng trong thời kỳ đó là tạo nên bộ trang phục khác với đàng ngoài.
Sau này, nhà Nguyễn kế thừa và cải cách các loại trang phục đã quy định từ thời các Chúa, trong đó có Áo ngũ thân. Đặc biệt, giai đoạn năm 1836-1837, Vua Minh Mạng quyết định cải cách trang phục triệt để nhằm thống nhất cách mặc trong toàn cõi Việt Nam. Từ đây, Áo ngũ thân được coi như bộ Quốc phục, tồn tại và phát triển cùng các loại trang phục của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Họa sĩ Nguyễn Đức Bình cùng nhóm của anh đã thành lập Trung tâm Hỗ trợ phát triển Áo dài ngũ thân truyền thống Đình làng Việt. Thông qua mạng xã hội, các anh đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa như Tết Việt vào mỗi dịp đón xuân, trình diễn Áo dài tại đình làng cũng như mỗi người tham gia tổ chức đều mặc Áo dài, tạo hình ảnh đẹp và gây cảm hứng đến cộng đồng, các tọa đàm, hội thảo với mong muốn cộng đồng dần hiểu ra vấn đề giá trị cốt lõi của Áo dài truyền thống: “Thực ra ngày xưa các cụ đã mặc áo dài tham gia các nghi lễ, sinh hoạt thì này ta phục hồi lại. Mặc áo dài truyền thống thấy đẹp, mọi người đã có những thay đổi trong cách ứng xử, đi lại, ăn nói sao cho phù hợp với trang phục mang trên người. Điều này hoàn toàn phù hợp với việc tạo ra môi trường văn hóa lành mạnh, mang bản sắc văn hóa”, anh Bình nói.
3.Cảm hứng để Nghệ sĩ Võ Trân Châu thực hiện tác phẩm “Thủy Ảnh” khi Châu tình cờ biết được những câu chuyện và hoàn cảnh của những hậu duệ triều Nguyễn trong xã hội hiện nay. Chị rất ấn tượng và trăn trở về những câu chuyện đó nên quyết định tìm hiểu và nghiên cứu sâu về vương triều nhà Nguyễn, cũng như trang phục triều đình lúc bấy giờ. “Tôi thường sử dụng vải cũ có ý nghĩa và câu chuyện trong đó để làm tác phẩm nghệ thuật. “Thuỷ Ảnh” là tác phẩm duy nhất thể hiện rõ nét về phục trang của người Việt”.
Với Châu, “Thuỷ Ảnh” thể hiện cách nhìn lại lịch sử qua thông qua những câu chuyện đời sống đương đại của những người hậu duệ, những vinh nhục, thăng trầm của đất nước, của những người con sống trong đó: “Mọi thứ dần được hé lộ và bóc tách, từ đó, mọi người có thể nhìn sâu và suy ngẫm nhiều hơn không chỉ về lịch sử đất nước mà còn liên đới đến đời sống văn hoá, xã hội, chính trị hiện nay cũng như những bước đi cho tương lai” - chị Châu chia sẻ.
Châu thường bị thu hút bởi cổ phục của Việt Nam, nhất là trang phục triều đình, trong đó có những chiếc Long Bào và Cổn Miện. Những chiếc áo đặc biệt ấy trước tiên phải kể đến là sự kỳ công, chi tiết của những nghệ nhân thời bấy giờ, kế đến và quan trọng hơn cả là giá trị lịch sử quí giá của nó. Thông qua những chiếc áo ấy, người ta có thể hiểu hơn về lịch sử, về mối tương quan của đất nước với các nước lân cận, về những biến động xã hội làm cho kiểu dáng và quy cách của những chiếc Long Bào cũng thay đổi theo từng thời kỳ.
Với Châu, tác phẩm “Thuỷ Ảnh” có lẽ là tác phẩm thành công nhất của Châu cho đến lúc này. “Thủy Ảnh” từng được treo trong một lâu đài cổ kính của một nhà vua trên đất Ireland. Khi tiếp xúc với chiếc Áo dài qua “Thủy Ảnh”, có thể gây cho họ niềm khêu gợi và mong muốn tìm hiểu nhiều hơn về đất nước Việt Nam nói chung và quốc phục Việt Nam nói riêng...