Kênh truyền hình chuyên biệt dành cho thiếu nhi ở Việt Nam đã ít lại phát sóng nhiều các chương trình do nước ngoài sản xuất.
Nếu ngoài chương trình truyền hình đã được kiểm duyệt mà để trẻ tự xem các kênh YouTube thì mối lo về nguồn dinh dưỡng mang tính giáo dục và an toàn luôn thường trực.
Từ hàng chục năm trước, tuy Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh muốn xây dựng HTV3 thành một kênh chuyên biệt dành cho thiếu nhi và gia đình nhưng lượng chương trình sản xuất không đủ cho thời lượng phát sóng trong ngày. HTV3 phải phủ sóng bằng các chương trình nước ngoài.
Với trẻ em phía Bắc, ít có thói quen xem các chương trình HTV3 vì khác biệt giọng nói. Trong khi các chương trình cho thiếu nhi không nhiều thì để giải trí, các em đều lấy điện thoại, iPad, iPhone để xem các chương trình gamshow, phim hoạt hình nước ngoài. Điều này tạo ra những hệ lụy như ảnh hưởng tới thị giác của các em, thậm chí khiến trẻ tự kỷ, nhiều cha mẹ phải cho con đi “cai game, cai điện thoại”…
Làm sao để nhiều đài truyền hình có kênh chuyên biệt cho thiếu nhi? Cho lứa tuổi từ 1 đến 14 tuổi. Nếu không được nhiều kênh thì sản xuất nhiều chương trình cho thiếu nhi. Làm sao để sự quan tâm đến thiếu nhi bằng “ngày xưa” khi tỷ lệ sóng truyền hình dành cho thiếu nhi chiếm thời lượng không nhỏ so với thời lượng phát sóng cho người lớn. Lứa 40-50 tuổi bây giờ chắc vẫn còn nhớ tới chương trình “Những bông hoa nhỏ” phát đầu mỗi tối?
Không thể phủ nhận sự thu hút mạnh mẽ của các kênh YouTube tới thiếu nhi. Có kênh thu hút hàng triệu người đăng ký như POPS Kids. Kênh này cung cấp các nội dung chất lượng, từ các video ca nhạc thiếu nhi như Mầm chồi lá, các clip hướng dẫn vẽ tranh trong series Siêu nhân bút chì, những thước phim hoạt hình tuổi thơ Doraemon, Cô bé Maruko… Đó là cái kho lớn chứa đựng giải trí cho trẻ. Các chương trình trên đó vô cùng phong phú, đa dạng. Trong nước có, ngoài nước có. Bản quyền bị ăn cắp bản quyền tràn lan. Nhưng điều quan trọng là đi kèm với việc đăng tải dễ dãi, không kiểm duyệt là trẻ dễ bị đầu độc bởi những chương trình không lành mạnh. Có những chương trình chửi tục, chửi thề, lột đồ, đánh lộn. Có những chương trình hát chế, hát nhạo. Thậm chí nguy hiểm là dạy cả trẻ mê tín dị đoan, trộm cướp, tự tử… Trong khi đó, cơ quan chức năng quản lý chỉ mới xử lý được một phần rất nhỏ những vi phạm.
Không phải các nhà sản xuất chương trình ở Việt Nam đều sản xuất ra những chương trình không hấp dẫn. Ví như chương trình “Bố ơi mình đi đâu thế?” (mua bản quyền Hàn Quốc) do VTV sản xuất từng thu hút nhiều khán giả nhí một thời gian dài (2014-2018). Hoặc những chương trình ăn theo chương trình người lớn như Giọng hát Việt nhí. Ngay cả việc thực hiện các bộ phim lấy cốt truyện từ truyện cổ tích cũng thu hút khán giả nhí. Đạo diễn Quách Khoa Nam là một ví dụ. Anh đã làm gần 100 tập phim cổ tích trên các chương trình truyền hình. Nhiều bộ phim được khán giả yêu thích.
Công ty CP Hãng phim hoạt hình Việt Nam là nơi sản xuất nhiều bộ phim hoạt hình nhất trong nước. Tuy nhiên, nhiều bộ phim của công ty chỉ được chiếu tại rạp (số 7 Trần Phú, Hà Nội) chứ ít khi được phát song truyền hình. Một phần do phim phải đảm bảo chiếu rạp thu hồi vốn, mặt khác do các đài truyền hình không mặn mà ký kết hợp đồng với công ty.
Các chương trình sản xuất cho thiếu nhi hiện tại đa phần đều phải chạy theo thương mại. Để có chương trình phát sóng, nhiều đài truyền hình đã hợp tác với các doanh nghiệp, công ty truyền thông sản xuất các chương trình. Dễ thấy các chương trình thu hút sự quan tâm của phụ huynh và học sinh là các chương trình trẻ em tranh tài, ca hát, nhảy múa…
Kênh truyền hình chuyên biệt cho thiếu nhi là sự quan tâm thiết thực đến lứa tuổi 1 đến 14 tuổi. Bởi vì ngoài giờ đến lớp, nhiều em không được các bậc phụ huynh đưa tới các trung tâm học văn hóa nghệ thuật. Thay vào đó là tới các trung tâm để học thêm, học kỹ năng, thể dục.