Ngày 1 và ngày 2/7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hai cuộc họp quan trọng. Cuộc họp thứ nhất (ngày 1/7) là cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá. Cuộc họp thứ hai (ngày 2/7) là Hội nghị Chính phủ với các địa phương trong cả nước.
Tại hai cuộc họp, nhiều vấn đề lớn về khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội, chăm lo cho đời sống của người dân trước tác động xấu của dịch Covid-19 đã và sẽ còn kéo dài... đã được đặt ra một cách quyết liệt.
Đáng chú ý theo các cơ quan chức năng (Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Tổng cục Thống kê) với các kịch bản được đưa ra thì chỉ số CPI (chỉ số giá tiêu dùng) năm nay đều không vượt quá 4%. Tất nhiên, đó cũng là dự báo, còn thì thực tế diễn biến khó lường, nhất là khi nhìn vào một số chỉ số quan trọng tính từ đầu năm tới nay. Trong đó chỉ số tăng trưởng (GDP) là vô cùng quan trọng.
Đã qua hơn 2 tháng rưỡi Việt Nam không có ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, điều đó cho thấy kết quả hết sức xuất sắc của đất nước trong phòng, chống đại dịch này. Tuy nhiên,để khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh mới lại là nhiệm vụ hết sức nặng nề. Trên phạm vi toàn cầu, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng giảm đến 5,2%, mức giảm mạnh nhất kể từ đại suy thoái năm 1929-1933, trong khi đại khủng hoảng tài chính 2007-2008 chỉ giảm 1,73%. Trong báo cáo cập nhật ngày 24/6/2020, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng toàn cầu cũng giảm mạnh (4,9%).
Việt Nam cũng không thể đứng ngoài vòng xoáy suy giảm đó. Nhưng giảm đến đâu, tác động tới sức khỏe doanh nghiệp, cuộc sống của dân ra sao thì đó lại là vấn đề rất thực tế, chứ không dừng lại ở con số. Ảnh hưởng của Covid-19 đến đất nước ta rõ hơn trong quý II, chỉ tăng trưởng 0,36%, thấp nhất trong 30 năm qua. Tính chung cả 6 tháng, tăng trưởng đạt 1,81%. Tiêu dùng giảm, xuất khẩu giảm, riêng số lượng khách quốc tế giảm đến 99,3%. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, giải thể tăng 10,8%.
Trong tình thế đó, việc bảo đảm đời sống của người dân, nhất là người nghèo, người thu nhập thấp là rất quan trọng. Gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng cho các đối tượng chính sách, người nghèo... triển khai thời gian qua ít nhiều cũng đã giúp nhiều đối tượng vượt qua thời điểm khó khăn. Tuy nhiên, như đã nói, rất có thể tác động xấu của dịch Covid-19 sẽ vẫn còn kéo dài, vì thế người nghèo nói riêng cũng như nhân dân nói chung cần được tiếp tục tiếp sức, trong đó giải pháp giá là thực tế nhất.
Nói vậy vì thời gian qua, người ta đã chứng kiến một số mặt hàng thiết yếu, những loại hàng hóa cần dùng hàng ngày tăng giá, có khi tăng “khủng” một cách vô lý. Ví dụ thịt lợn. Bất chấp chỉ đạo của Chính phủ, sự cam kết của 15 doanh nghiệp lớn dẫn dắt thị trường thịt giá thịt lợn vẫn cao nhất, ít ra là trong vòng 20 năm trở lại đây. Thịt lợn là thực phẩm quen dùng nhất của người Việt Nam, khi nó tăng phi mã và neo cao thì tác động lập tức tới bữa ăn của mỗi gia đình.
Cũng vào dịp cuối tháng 6 vừa qua, xăng lại tăng giá (4 lần liên tiếp). Hãi hùng hơn là vụ hóa đơn tiền điện tháng 4, tháng 5 (đe dọa cả sang tháng 6) khiến nhiều gia đình choáng váng, vì nó tăng gấp mấy lần, có khi còn tăng gấp mấy chục lần. Thật là vô lý. Rồi còn chuyện giá sách giáo khoa cũng lại đang đe dọa cả triệu gia đình có con đi học...
Trong bối cảnh ấy, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo kiên quyết về giá. Chỉ rõ một số bất cập cần tập trung khắc phục như giá thịt lợn, giá sách giáo khoa, giá nước sạch, quỹ bình ổn giá xăng dầu...
Thủ tướng nhấn mạnh các yêu cầu điều hành giá 6 tháng cuối năm “không chỉ tập trung tháo gỡ để tăng trưởng mà còn lưu ý hơn nữa đến giá cả, lạm phát”.
“Chúng ta sẽ rất linh hoạt trong chỉ đạo điều hành, nhất là thời điểm, mức độ can thiệp các công cụ chính sách để không ảnh hưởng đến mục tiêu phục hồi và phát triển nền kinh tế”, Thủ tướng nói và nhấn mạnh “Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, các địa phương luôn đồng hành, lắng nghe thực sự cầu thị, hỗ trợ, tạo mọi thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp”.
Chỉ đạo về giá của Thủ tướng là rất rõ ràng, hướng tới lo cho người dân, doanh nghiệp. Nhưng cũng cần phải nói rằng, nếu các bộ ngành hữu quan, các địa phương không thực sự vào cuộc thì vẫn sẽ không xoay chuyển được. Bằng chứng rất cụ thể là giá thịt lợn và giá điện, nói mãi, hứa mãi, cam kết mãi nhưng vẫn không chịu xuống. Nền kinh tế thị trường tất nhiên là không thể áp đặt vì nó có cách vận hành riêng, nhưng việc can thiệp để ổn định thị trường, lo cho người dân cũng chính là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước; cùng đó là trách nhiệm của lực lượng quản lý thị trường. Nói chung, khi cơ quan quản lý nhà nước (Bộ Công Thương, Bộ NNPTNT, Bộ GDĐT chẳng hạn) và quản lý thị trường thờ ơ thì hành vi thao túng giá vẫn sẽ diễn ra. Trong bối cảnh nền kinh tế đang đối diện với nhiều khó khăn như hiện nay thì điều đó là không thể chấp nhận.