Trao đổi với ĐĐK, ông Lê Thanh Vân- Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng: Để quản lý tốt nợ công, cần lựa chọn vay làm sao đúng với định hướng phát triển, tức là vay chỉ để cho phát triển, hạn chế vay để bù đắp bội chi. Muốn vậy phải cắt giảm mạnh chi thường xuyên, phải tinh giản bộ máy và sắp xếp lại bộ máy, đi kèm với đó để thực hiện tiết kiệm một cách triệt để.
Ông Lê Thanh Vân.
PV: Thưa ông, hiện nợ công đang có dấu hiệu tăng, áp lực trả nợ ngày càng lớn. Vậy chúng ta cần giải pháp nào để kiểm soát và dần kéo giảm nợ công xuống, bởi dù nền kinh tế đã bắt đầu có khởi sắc nhưng đi kèm với nó là những mối lo đang tiềm ẩn, thiếu sự bền vững?
Ông Lê Thanh Vân: Nợ công rõ ràng vẫn đang ở mức cao, nhưng vẫn ở mức cho phép của Quốc hội. Nhưng nếu không kiểm soát tốt nó sẽ tiếp tục tăng và có nguy cơ vượt trần. Để quản lý tốt nợ công có mấy việc.
Thứ nhất là lựa chọn vay làm sao đúng với định hướng phát triển, tức là vay chỉ để cho phát triển, chứ hạn chế vay để bù đắp bội chi. Muốn vậy phải cắt giảm mạnh chi thường xuyên trong đó muốn cắt giảm chỉ có cách tinh giản bộ máy và sắp xếp lại bộ máy, đi kèm với đó để thực hiện tiết kiệm những cái nào không bức thiết, không cần thiết.
Trong mua sắm tài sản công phải cân nhắc cho kỹ, thậm chí trong dự toán mua sắm tài sản nhưng tình huống thay đổi rồi thì phải điều chỉnh lại, không nhất thiết dự toán phê duyệt rồi nhưng tình huống thay đổi vẫn tiếp tục mua sắm.
Như thế đòi hỏi phải có những giải pháp đồng bộ. Nhưng quan trọng nhất là tinh giản bộ máy làm sao đi vào thực chất, chuyển biến thực sự thì bộ máy mới tinh gọn được.
Như thế sẽ làm cho áp lực chi thường xuyên giảm xuống,làm sao trong cân đối ngân sách, sau này phải giành cho đầu tư phát triển 30-35%, rồi chi thường xuyên chiếm khoảng tối đa 50-55% thôi. Còn lại là tỷ lệ dành cho trả nợ, có như vậy trong tương lai mới cắt giảm dần dần bội chi, và khống chế được nợ công.
Mục tiêu tăng trưởng đặt ra năm 2017 là 6,7% nhưng hiện còn rất nhiều khó khăn. Nhiều ý kiến lo ngại rằng khó có thể đạt được mục tiêu đề ra. Nếu mục tiêu tăng trưởng không đạt sẽ kéo nợ công tăng theo, thưa ông?
- Đúng vậy. Lâu nay chúng ta đặt mục tiêu tăng trưởng , và lấy đó là thước đo để định vị cho các dự toán trong đó có dự toán bội chi. Nhưng khi GDP thay đổi, phải lấy GDP thực tế để mà xác định tỷ lệ bội chi.
Chúng ta coi GDP như một cái đích cần phải cán, cần phải đạt nên lấy cái đó để mà xây dựng các dự toán, chỉ tiêu về chi ngân sách như thế là không thực tế. Cần lấy GDP thực tế để xác định, làm nền tảng để xác định các giới hạn về bội chi, và thậm chí có thể điều chỉnh dự toán chi.
Thưa ông, nợ công rất quan trọng nhưng quan trọng hơn là khả năng trả nợ. Muốn vậy phải tăng nguồn lực cho đầu tư phát triển để phát triển mới có cái để trả nợ?
- Nếu không có một tốc độ tăng trưởng hợp lý và nền kinh tế không có thặng dư trong sản xuất và kinh doanh hàng hóa thì tiền để dành cho trả nợ nợ công sẽ thiếu hụt.
Chính vì vậy bảo đảm cho nhịp độ tăng trưởng ổn định và tăng cao rất hệ trọng. Mà nói đến tăng trưởng nó có nhiều yếu tố tác động trong đó có nhóm yếu tố năng suất lao động, nó phụ thuộc vào tay nghề trình độ của người lao động.
Nhóm này chúng ta phải cải cách mạnh mẽ, sắp xếp lại, phải có tái cấu trúc lại nguồn nhân lực trong đó chú trọng nguồn nhân lực chất lượng cao.
Thứ hai là, ứng dụng khoa học công nghệ để cho tác động tăng trưởng và giải phóng sức sản xuất tăng năng suất lao động, đầu tư vào công nghệ hiện đại chứ công nghệ lạc hậu không đạt được năng suất lao động cao mà còn tác động ảnh hưởng tới môi trường, bù đắp cho các vấn đề thiệt hại về môi trường có khi lại lợi bất cập hại.
Cho nên đầu tư cho khoa học công nghệ hiện đại phải là tối ưu, phù hợp với xu thế phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần 4. Thứ ba là, khai thác tài nguyên, hiện ta còn lệ thuộc vào khai thác tài nguyên.
Để đạt được tốc độ tăng trưởng nhiều khi là khai thác thêm dầu trong khi đó giá dầu xuống, lệ thuộc vào thị trường. Hay như việc tăng khai thác khoáng sản. Chúng ta coi 2 yếu tố đó để tăng trưởng là không đúng, nó không khác nào “đào nền nhà lên bán đi”. Đó là của cải thiên nhiên ưu đãi, cho tặng.
Phải giữ lại mới phát triển bền vững được. Cho nên 2 yếu tố quan trọng là con người-lực lượng sản xuất, và áp dụng khoa học công nghệ cần tính đến. Nhóm yếu tố khác phi kinh tế chính là chất lượng thể chế, bộ máy, cán bộ. Cái này phải làm quyết liệt, sắp xếp lại bộ máy cho tinh gọn hiệu quả có năng lực.
Thứ hai là ban hành thể chế phải hướng đến khai mở kinh tế như những vấn đề được Hội nghị Trung ương 5 vừa bàn là kinh tế thị trường định hướng XHCN, trụ cột của nó là nền kinh tế đầy đủ với các yếu tố đầy đủ đó mới kích hoạt được hoạt động kinh tế, gia tăng sản xuất kinh doanh và đem lại lợi nhuận cho xã hội.
Yếu tố thứ ba là văn hóa xã hội giáo dục, nó tuy là yếu tố phi kinh tế nhưng lại tác động rất hiệu quả đến nền kinh tế đó là: văn hóa kinh doanh, đạo đức nghề nghiệp, chất lượng của nền giáo dục tác động đến nguồn nhân lực.
Đó là những giải pháp dài hơi, mang tính chiến lược. Có như vậy chúng ta mới duy trì được tăng trưởng và đuổi kịp được các nước trong khu vực tiến tới xây dựng đất nước hùng mạnh được.
Nợ công thời gian qua tăng cao là do vốn vay sử dụng chưa hiệu quả. Đó là do chúng ta chưa quy định rõ trách nhiệm người quản lý sử dụng các khoản đi vay về. Vậy chúng ta phải xử lý tận gốc vấn đề này, thưa ông?
- Hiệu quả sử dụng các nguồn vốn đi vay về cho đầu tư phát triển còn lệ thuộc vào mấy yếu tố. Thứ nhất là mục tiêu đặt ra cho ngành lĩnh vực là phải tăng cường vốn đầu tư phát triển.
Cái đấy nó phải có một cái danh mục cụ thể mà mỗi năm, mỗi nhiệm kỳ Quốc hội, Chính phủ xác định cái đó và xác định trật tự ưu tiên. Để làm sao nguồn vốn ta huy động từ nguồn vay thực sự tác động đến những khu vực, ngành nghề mang lại hiệu quả kinh tế.
Thứ hai là trách nhiệm của người đứng đầu trong kiểm soát, sử dụng nguồn vốn vay. Hai yếu tố đó rất quan trọng vì nó tác động đến hiệu quả đầu tư từ những đồng vốn vay về. Kiểm soát tốt hai cái đấy sẽ nâng cao được hiệu quả nguồn vốn đi huy động từ trong nước và ngoài nước.
Trân trọng cảm ơn ông!