Từ 1/1/2022, cá nhân vi phạm giao thông bị phạt đến 75 triệu đồng - đó là nội dung rất đáng chú ý tại Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi năm 2020), được Quốc hội thông qua ngày 13/11/2020, có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. Ngoài ra, Luật cũng tăng mức xử phạt tối đa của nhiều lĩnh vực khác.
Trước đó, Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 xác định mức xử phạt vi phạm hành chính tối đa trong lĩnh vực giao thông đường bộ, giao thông đường sắt, giao thông đường thủy nội địa đối với cá nhân là 40 triệu đồng.
Như vậy, mức xử phạm vi phạt đối với cá nhân vi phạm giao thông ở mức tối đa sẽ tăng gần gấp đôi so với trước: 75 triệu đồng so với 40 triệu đồng. Đây là biện pháp rất quan trọng để ngăn chặn việc vi phạm luật lệ giao thông, có tác dụng răn đe lớn, nhằm ngăn chặn những vụ vi phạm có thể xảy ra, bảo đảm trật tự giao thông an toàn.
Tai nạn giao thông (TNGT), nhất là giao thông đường bộ từ lâu đã làm xã hội nhức nhối, khi số vụ xảy ra, số người bị thương, số người chết rất cao. Năm 2020, mặc dù nhiều thời điểm thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống Covid-19, hạn chế ra đường nhưng toàn quốc vẫn xảy ra 14.510 vụ TNGT, làm 6.700 người chết, 10.804 người bị thương. Nhiều như vậy nhưng so với cùng kỳ năm 2019 thì số vụ TNGT cũng đã giảm 3.111 vụ (giảm 17,6%), số người chết giảm 924 người (giảm 12,1%), số người bị thương giảm 2.820 người (giảm 20,7%).
Cụ thể về TNGT năm 2020 như sau: Đường bộ xảy ra 8.177 vụ, làm chết 6.575 người, bị thương 4.354 người. So với cùng kỳ năm trước giảm 844 vụ, giảm 883 người chết, giảm 700 người bị thương. Đường sắt xảy ra 91 vụ, làm chết 71 người, bị thương 23 người; đường thủy xảy ra 62 vụ, làm chết 44 người, làm bị thương 7 người; hàng hải xảy ra 14 vụ, làm chết 10 người, không có người bị thương.
Sang năm 2021 này, do dịch Covid-19 bùng phát dữ dội nên nhìn chung các loại hình giao thông còn hạn chế hơn năm 2021, nhưng theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, tính trong 10 tháng (từ ngày 15/12/2020 đến 14/10/2021), toàn quốc vẫn xảy ra 8.959 vụ TNGT, làm chết 4.552 người, bị thương 6.218 người. Riêng với đường bộ xảy ra 8.851 vụ, làm chết 4.465 người, bị thương 6.204 người.
Những nguyên nhân dẫn đến TNGT đã được nói nhiều, nhiều cảnh báo cũng đã được đưa ra cùng đó là những mức phạt cho các vi phạm cụ thể. Nhưng TNGT vẫn là nỗi đau của toàn xã hội. Người chết đã đành, người may mắn thoát chết nhưng lại phải chịu thương tật hành hạ suốt đời. Người thân của người bị TNGT cũng vô cùng vất vả. TNGT là nỗi ám ảnh ghê gớm. Thật khủng khiếp mỗi khi nghe tin lại xảy ra một vụ TNGT thảm khốc, cướp đi sinh mạng một lúc hàng chục người. Đó là những vụ TNGT do xe khách gây ra, hay là những chiếc “xe điên” với những vụ tai nạn liên hoàn...
Chính vì thế, việc siết chặt kỷ cương khi tham gia giao thông là vô cùng quan trọng. Kể từ ngày 19/11/2012, Việt Nam đã tổ chức tưởng niệm các nạn nhân bị TNGT. Đến năm 2013, ngày tưởng niệm nạn nhân TNGT do Ủy ban An toàn giao thông quốc gia tổ chức thường niên. Đây cũng là dịp để mọi người bày tỏ niềm thương xót với những nạn nhân xấu số đã thiệt mạng khi tham gia giao thông, đồng thời chia sẻ những đau thương, mất mát, gánh nặng với người thân của họ, từ đó nâng cao tinh thần, trách nhiệm của lực lượng làm công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông và của mỗi người dân khi tham gia giao thông, góp phần kéo giảm TNGT ở cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và bị thương.
Với thông điệp “Tưởng nhớ người đi - Vì người ở lại”, ngày tưởng niệm nạn nhân TNGT cũng cảnh báo với tất cả chúng ta rằng, TNGT vẫn tồn tại như một thách thức.
Trở lại với việc tăng mức phạt tối đa với cá nhân vi phạm giao thông với số tiền rất lớn (75 triệu đồng), kể từ ngày 1/1/2022 tới đây, đó là chế tài cần thiết khi mà TNGT vẫn rình rập do ý thức người điều khiển phương tiện giao thông vẫn hạn chế. Không hạn chế sao được khi ngồi sau tay lái vẫn uống rượu bia, kể cả sử dụng ma túy.
Cũng cần nhắc lại, mới đây Cục Cảnh sát giao thông đã mở đợt cao điểm đảm bảo an toàn giao thông dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, sẽ kéo dài đến giữa tháng 2/2022, ở cả 3 loại hình đường bộ, đường sắt và đường thủy.