Theo Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), quý 1/2024, toàn quốc đã xảy ra 6.550 vụ tai nạn, làm chết 2.723 người; bị thương 5.246 người. So với cùng kỳ năm 2023, số người chết do tai nạn giao thông giảm 484 người (15,1%). Vẫn so với cùng kỳ năm 2023, xử lý vi phạm tăng 285.135 trường hợp (38%), số tiền phạt tăng 675,4 tỷ đồng (49,4%).
Suốt thời gian qua, việc xử lý sai phạm nhằm ngăn chặn tai nạn giao thông (TNGT) được đẩy mạnh. 3 tháng đầu năm 2024, cảnh sát giao thông toàn quốc đã xử lý hơn 1,03 triệu trường hợp vi phạm trật tự, an toàn giao thông, phạt tiền gần 2.041,5 tỷ đồng, tước 206.468 giấy phép lái xe, bằng, chứng chỉ chuyên môn; tạm giữ 373.545 phương tiện các loại.
Riêng trong lĩnh vực giao thông đường bộ, cảnh sát giao thông đã xử lý trên 1,02 triệu trường hợp, phạt tiền gần 2.019,5 tỷ đồng. Trong đó, đáng chú ý có tới 275.130 trường hợp vi phạm nồng độ cồn (chiếm 26,8%).
Tuy nhiên, trong 3 tháng đầu năm cũng đã xảy ra 6 vụ TNGT gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng (tại Quảng Ninh, Thanh Hóa, Trà Vinh, Lào Cai, Thừa Thiên Huế, Tuyên Quang).
Qua phân tích, phương tiện gây ra nhiều vụ TNGT nhất vẫn là môtô, xe máy, chiếm 56,82%. Xe tải, xe rơmooc xếp thứ hai với 19,4%. Tiếp đó là xe ôtô con, ôtô khách. Đại diện Cục Cảnh sát giao thông cho biết, trong năm 2024 sẽ tập trung xử lý xuyên suốt 5 nhóm hành vi vi phạm chính gây TNGT, gồm: nồng độ cồn, ma túy; quá khổ, quá tải, cơi nới thành thùng xe, chở quá người, hết hạn kiểm định, xe hết hạn sử dụng, dừng xe đón trả khách không đúng nơi quy định; vi phạm tốc độ; vi phạm về tránh vượt, phần đường, làn đường, không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông và sử dụng các loại giấy tờ không do cơ quan có thẩm quyền cấp (giấy tờ giả) liên quan đến người điều khiển và phương tiện.
Riêng về vấn đề xử lý vi phạm nồng độ cồn của người tham gia giao thông, tiếp tục nhận được nhiều ý kiến. Không ít người cho rằng thời gian qua việc xử lý là quá “gắt” khi quy định cấm triệt để uống rượu bia khi lái xe. Tuy nhiên, mức độ “gắt” đó lại nhận được nhiều ý kiến đồng tình hơn. Tại Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách lần thứ 5, nhiệm kỳ khoá XV (sáng 27/3), đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên) dẫn số liệu cho biết, do xử lý “gắt” nên năm 2023 số vụ TNGT liên quan đến sử dụng rượu bia giảm 25%, giảm 50% số người chết, giảm 22% số người bị thương so với cùng kỳ.
“Với phương châm tính mạng của con người là trên hết, trước hết thì quy định cấm người sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện giao thông là cần thiết” - ông Thắng nói và đặt vấn đề, nếu quy định vi phạm nồng độ cồn đến ngưỡng mới xử lý thì khi đã ngồi vào bàn uống rượu, bia, chúng ta xác định thế nào là uống trong ngưỡng cho phép?
Đại biểu Thái Thị An Chung (Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An) cũng đồng tình việc cấm tuyệt đối hành vi điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, mặc dù việc đó có thể ảnh hưởng phần nào đến sự phát triển kinh tế. Tuy nhiên theo bà Chung, nên tiếp tục thực hiện quy định này trong khoảng thời gian ít nhất 5 năm nữa để thay đổi hành vi, thói quen sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông, sau đó mới đánh giá xem xét có cần quy định giới hạn nồng độ cồn hay không.
Thực tế cho thấy, thời gian qua, việc cảnh sát giao thông xử lý “gắt” người vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông cho thấy cùng với việc kéo giảm số vụ tai nạn, số người chết, số người bị thương thì cũng đã và đang từng bước hình thành quán tính "đã uống rượu, bia thì không lái xe". Đây là vấn đề rất quan trọng không chỉ đối với lĩnh vực giao thông mà còn kéo giảm nhiều hệ lụy khác trong cuộc sống.
Nhân đây, cũng nhắc lại thông tin tại một hội nghị do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức vào năm 2022, cho biết Việt Nam xếp thứ 2 khu vực Đông Nam Á, thứ 3 châu Á về tiêu thụ rượu bia. Mức tiêu thụ rượu bia tính theo lít cồn nguyên chất bình quân đầu người (trên 15 tuổi) mỗi năm tại Việt Nam là 8,3 lít. Đáng chú ý, cứ 3 nam giới thì có 1 người uống rượu bia ở mức nguy hại.
Rượu bia cũng là nguyên nhân lớn nhất gây ra 30% các vụ gây rối trật tự xã hội và 33,7% các vụ bạo lực gia đình ở Việt Nam.
Đó là một thực tế rất đáng suy nghĩ, nhất là với việc quy định ngưỡng nồng độ cồn khi tham gia giao thông.