Sinh thời, Konstantin Simonov (1917-1979), tác giả của khúc tuyệt tình ca “Đợi anh, anh sẽ về”, đã có lần nói rằng, ông chỉ là thi sĩ khi ông còn trẻ. Tức là khi ông còn tin ở những rối lẫn bền dai, lắm lúc rất phi lý, cơ hồ không thể giải thích rành rẽ được của tình yêu…
Nói một cách cụ thể hơn, Simonov đã cảm thấy mình là thi sĩ trong giai đoạn ông đã yêu nữ nghệ sĩ Valentina Serova, đúng vào những năm trước, trong và sau chiến tranh thế giới thứ hai, khi ông đang phải ở vai trò một phóng viên mặc áo lính, thường xuyên đi xa cách người đàn bà yêu dấu và đầy mâu thuẫn của mình. Có thể, về khía cạnh cá nhân, một tình yêu như giữa Simonov và Serova đã khiến cả hai luôn luôn bị dằn vặt, khổ nhiều hơn sướng, nhưng về khía cạnh nghệ thuật, thì đã giúp cả hai có được những phút giây rất thăng hoa sáng tạo.
Thi sĩ Konstantin Simonov.
Simonov trong những ngày đầu tiên của cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại năm 1941 đã viết những dòng thơ cháy lòng gửi về cho vợ, nữ diễn viên Valentina Serova:
“Đợi anh, anh sẽ về,
Hãy đợi chờ anh nhé.
Hãy đợi, mặc dầm dề
Mưa giăng buồn tái tê,
Hãy đợi, mặc tuyết giá,
Hãy đợi, dù nắng nôi,
Dù mọi người hết đợi,
Hôm qua quên lãng rồi…”
Thế nhưng, trong đời thực, người đàn bà này lại không biết chờ đợi ai bao giờ. Hai câu cuối cùng của bài thơ lừng lẫy “Chỉ vì em biết đợi, Khác ai ai trên đời…” đối với hàng triệu phụ nữ khác đã là lời khẳng định bất di bất dịch.
Thế nhưng, với riêng Simonov, đó chỉ là lời ru mộng tưởng chính bản thân mình về việc mà hơn bất cứ ai trên thế giới, ông đã rất bướng bỉnh cứ nhất nhất muốn tin là sự thật, bất chấp mọi sự thật khác trên đời.
Valentina Serova.
Hồng nhan định mệnh
Theo tiểu sử chính thức, Valentina Serova sinh ngày 23/12/1917 ở gần Kharkov (nay thuộc Ucraina). Còn theo lời Maria Simonova, con gái của chị với Konstantin Simonov, thời trẻ, chị đã cố tình khai tăng thêm hai tuổi để đủ tuổi thi vào trường sân khấu thuộc Nhà hát Công nhân Trẻ (TRAM).
Valentina Serova thừa hưởng niềm đam mê sân khấu từ mẹ mình, nữ diễn viễn Klavdia Polovikova.
Năm 6 tuổi, cô bé Valia (tên gọi thân mật của Valentina) đã được đưa lên Moskva và hai năm sau đó, đã cùng mẹ biểu diễn trên sân khấu thể nghiệm của Nhà hát Malyi trong vở kịch “Thời gian sẽ đến” dựa theo kịch bản của nhà văn Pháp Romain Rolland. Nữ nghệ sĩ tí hon đã được giao vai … cậu bé David, con trai của nhân vật chính.
Từ thời điểm đó, Valia bắt đầu mê đắm sàn diễn. Cũng chính vì tình yêu này mà năm 14 tuổi, cô bé đã bỏ học để vào trường cao đẳng sân khấu trung ương.
Mới học nghề diễn được một năm, Valentina (họ thời con gái là Polovikova, theo họ mẹ) đã được mời ngay về TRAM (nay là nhà hát LENKOM). Và chị đã trụ ở đây suốt 17 năm.
Năm 1934, Valentina Polovikova lần đầu được mời đóng phim. Đạo diễn Abram Room làm phim “Chàng trai nghiêm khắc” và mời Valentina vào vai một nữ đoàn viên thanh niên Komsomol vui tính.
Tuy nhiên, sau khi bộ phim được hoàn thành, hội đồng duyệt phim đã đánh giá đó là một tác phẩm điện ảnh có hại nên không cho công chiếu. Đúng là vạn sự khởi đầu nan!..
Sinh thời, Valentina thường tổ chức sinh nhật không phải vào ngày 23/12 mà vào ngày 23/2 – Ngày Quân đội Xôviết (nay là ngày lễ đàn ông Nga).
Và người chồng đầu tiên của chị cũng là một quân nhân, phi công thử nghiệm, anh hùng trong nội chiến Tây Ban Nha Anatoli Serov (cũng vì thế nên chị đã mang họ Serova và sau này, dù đã lấy chồng khác nhưng chị vẫn giữ nguyên họ theo chồng cũ).
Hai người tổ chức đám cưới vào năm 1938. Hồng nhan phận bạc, tới tháng 5/1939, Valentina trong cảnh bụng mang dạ chửa đã phải trở thành góa phụ khi Anatoli Serov bị tử nạn trong một chuyến bay thử nghiệm loại phi cơ mới UCHI-4.
Ba tháng sau, chị đã lâm bồn, sinh một cậu con trai. Đứa trẻ đã được lấy tên của người cha, Anatoli…
Và cũng thực oái oăm, cũng chính trong năm 1939 tai họa đó, Valentina Serova đã bắt đầu trở nên nổi tiếng.
Khán giả Xôviết năm ấy đã say mê xem bộ phim “Cô gái cá tính” mà chị đóng vai chính. Bộ phim này đã giúp Valentina trở thành một biểu tượng ngưỡng mộ của người dân Liên Xô.
Như nữ diễn viên đồng thời với chị Larisa Pashkova (1921-1987) về sau nhớ lại, khi ấy, “các rạp chiếu bóng có phim “Cô gái cá tính” đã luôn đông nghịt người, còn trong nhà hát, những vở kịch có sự tham gia của chị cực kỳ khó lấy vé”.
Tháng 12/1939, Valentina Serova đã được mời vào Điện Kremli dự lễ kỷ niệm 60 năm ngày sinh của lãnh tụ Stalin.
Đối với một nữ nghệ sĩ trẻ mới ở độ tuổi đôi mươi, đó là một sự kiện trọng đại. Chị đã rất mau lẹ chiếm lĩnh phim trường Xôviết và không thể nói là chị đã thiếu tự tin ở đó…
Gia đình nhà thơ Simonov.
Tình yêu chìm nổi
Năm 1940, một lần, trong đám khán giả tới xem vở kịch “Gia đình Zykov” của nhà hát TRAM, dựng theo kịch bản của M. Gorky mà trong đó Valentina Serova đóng vai Pavla, có nhà thơ 25 tuổi Konstantin Simonov.
Mỹ nhân nghệ sĩ đã khiến trái tim nhà thơ chấn động đến mức trong mấy tuần liền, tối nào anh cũng tới xem kịch có chị diễn và luôn ngồi ở hàng ghế đầu với một bó hoa to.
Mỗi khi vở diễn kết thúc, anh đều tìm tới tặng cho cho chị. Và thế là hai người đã dần dà phải lòng nhau.
Và vì đấy cũng là chuyến đò thứ hai trong hôn nhân của mỗi người nên dù “tình trong như đã”, họ vẫn không vội đăng ký kết hôn chính thức mà chỉ chuyển về chung sống với nhau. Trong nhiều năm liền, Valentina Serova đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận đối với Simonov.
Valentina Serova là một mỹ nhân nghệ thuật với tất cả các điểm cộng trừ của khái niệm này.
Và vì thế, nàng đã làm cho trái tim thi sĩ non trẻ mặc dù không thiếu kinh nghiệm của Konstantin Simonov liên tục bị dằn vặt.
Thực ra, trước khi quen biết nhau, hai người đều đã có riêng một cuộc hôn nhân.
Thế nhưng, phải duyên phải số là vồ lấy nhau, gặp gỡ nhau rồi, cả hai đều đã không cưỡng lại được những cảm xúc yêu đương bùng nổ.
Simonov đã yêu người thiếu phụ “một con trông mòn con mắt” với tất cả những sức mạnh tiềm tàng nhất của một nhà thơ có thể có được, tận tụy và trọn vẹn.
Thế nhưng, là một mỹ nhân làm nghề nghệ thuật, Valentina rất biến hóa khôn lường và thậm chí là rất đỏng đảnh, có có không không, hư hư thực thực.
Thành ra, người đàn ông rất tỉnh táo trong sáng tác văn học bỗng nhiên lại trở nên hay vân vi nghi hoặc với chính những gì mình tai nghe mắt thấy.
Có điều, dù thế nào thì Simonov cũng không thoát khỏi vòng vây bủa của nỗi ám ảnh mang tên Valia (cách gọi thân thiết của cái tên Valentina). Đầu năm 1941, Simonov, trong một chuyến đi công tác xa một mình, đã viết:
“Tôi buồn và nhớ quá
Giá tìm được ai kia
Giống hệt như em ấy
Để khỏi quay trở về.
Nhưng tìm đâu ra tay
Giống hệt đôi tay đó
Để trong cảnh chia ly
Tôi thấy buồn và nhớ?
Tìm đâu ra đôi mắt
Biết như em giận hờn
Chỉ vô cùng thi thoảng
Giọt lệ dâng nỗi buồn?
Tìm đâu ra cái miệng
Biết hát, cười như em,
Để suốt đời tôi lo
Nhỡ đâu nàng lỡ hẹn?
Tìm đâu người mà ta
Luôn thứ tha mọi nỗi
Để bên nàng vẫn sợ
Chỉ tạm thời vậy thôi.
Để sau mỗi đêm trắng
Trở dậy đón ngày sang
Ta như bị vắt kiệt
Cũng giống hệt như nàng.
Để mắt soi ánh mắt
Giữa thao thức đêm sâu
Yêu trong nàng tất cả
Cặp tâm hồn khác nhau.
Sáng không biết rằng tối
Mọi sự sẽ ra sao?
Với ta, nàng sẽ xử
Theo lệnh tâm hồn nào?
Và khốn khổ cùng nàng
Không biết làm chi ổn,
Tôi từng muốn tìm ai
Khác nàng đơn giản sống.
Nhưng muốn để người khác
Có thể thay thế nàng,
Thì cô ấy cũng sẽ
Phải giống nàng y chang.
Nhưng nàng vô giá thế,
Độc địa thế - than ôi
Trong khắp cõi vũ trụ
Không có người thứ hai!..”
Khổ thế đấy. Tình yêu thực sự luôn biết cách tạo nên những đày đọa thực sự, những đày đọa tưởng là cay đắng nhưng thực ra lại mang hương vị ngọt ngào. Và bởi ngọt ngào nên luôn luôn ám ảnh…
Đã từng có một câu nói nổi tiếng trong văn học Nga: “Không thể nào ôm được cái mênh mông” (Kuzma Prudkov). Simonov nhấn mạnh thêm: Không thể bỏ được, không thể quên được, không thể hết yêu người nhang nhác giống ta mơ…
Trong suốt những năm tháng yêu Valentina, Simonov rất hay bị luẩn quẩn trong ước ao thoát hiểm ra ngoài tấm lưới của tình yêu mâu thuẫn và hay tuyệt vọng đó, nhưng bản năng lại “ma đưa lối, quỷ dẫn đường” (Nguyễn Du) dắt ông vào ngày một sâu vào chính cái bẫy tình mà ông tự tạo cho mình.
Tới mức, ngay cả trong cảnh huống tưởng tượng ra mình lên thiên đàng gặp thượng đế rồi, rất có cơ hội để bỏ lại sau lưng hình bóng đã làm mình quay quắt, thi sĩ rốt cuộc vẫn ngựa quen đường cũ:
“Nếu sau lúc ta chết rồi, thượng đế
Trước mặt ta mở rộng cửa thiên đàng
Và ra lệnh: Chuẩn bị mau hành lý,
Ta sẽ mang gì lên đó tự trần gian?
Trên thiên đàng tôi cũng không cần có
Người đàn bà ngoan ngoãn bám theo tôi,
Tôi sẽ mang lên đó người phụ nữ
Giống hệt ai tôi sẽ gặp trong đời, -
Người nông nổi, bẳn tính, hay châm chọc.
Đã của tôi, dù chẳng lâu dài!
Nàng từng bắt ta khổ sở trên mặt đất,
Hẳn chẳng để ta buồn chán ở trên trời.
Chắc những người phụ nữ kỳ lạ thế
Không mấy ai dám liều mạng mang lên
Giới ngoan đạo trên đó, em hãy nhớ,
Sẽ luôn luôn để mắt dõi theo em.
Tôi sẽ mang lên thiên đàng khoảng cách
Để xót xa trằn trọc bởi chia ly,
Để được nhớ nỗi đau buốt nhói buốt
Đôi tay ghì chặt cổ buổi ra đi.
Tôi sẽ mang lên đó nhiều thử thách
Để nàng chờ tôi được sắt son thêm,
Để ở nhà, đôi mắt xanh sáng suốt
Nàng chẳng lầm trao cho kẻ nhát hèn.
Tôi sẽ mang theo người bạn hiền thân thiết
Để có người cùng chén đặt, chén nâng,
Mang kẻ thù, để trong giờ nguy kịch
Thù địch nhau theo đúng kiểu dương trần.
Cả tình yêu, cả xót thương, buồn tủi,
Cả chú họa mi vòng cung Cuốcxcơ,
Tất cả, dù ít nhiều to nhỏ,
Tôi đều mang trọn vẹn lên trời.
Và nếu như có thể, ngay cái chết
Tôi cũng không chịu bỏ lại dương trần.
Hết thảy những gì ta gặp trong đời thực
Tôi đều mang lên tận thiên đàng.
Và trước những tham lam trần thế,
Thượng đế hẳn là sẽ kinh ngạc nhìn tôi
Và chẳng buồn tốn hơn thuyết lý,
Đẩy ngay tôi xuống đất lại làm người!..”
Có lẽ, chỉ với một tình yêu oái oăm như thế nên khi bùng nổ chiến tranh, khi tất cả những người lính Xôviết khoác súng ra đi đều biết rằng một khi đi mấy khi trở lại, Simonov mới viết nên được khúc tuyệt tình ca “Đợi anh, anh sẽ về”.
Nếu trước đó, tình yêu lứa đôi của thi sĩ đã chỉ “cơm lành canh ngọt” thì có lẽ ông đã không đủ độ đau đớn để làm nên một thi phẩm để đời như thế, mà cũng tuyệt vọng như thế. Không có một sự đợi chờ chung thủy ở sau lưng, người lính ra chiến trường rất khó có cơ hội toàn mạng.
Năm 1943, bộ phim cùng tên, dựng theo kịch bản cũng của Simonov và với Valentina Serova trong vai chính, đã được công chiếu, giúp chị trở thành biểu tượng của sự chung thủy trong chiến tranh và thảm họa.
Và một khi mang trong mình một tình yêu như thế, bản thân người lính, dù có đa tình, đa đoan như Simonov, cũng rất tự giác chung thủy với người đàn bà đã lựa chọn ở hậu phương. Simonov đã rất trung thực khi viết những dòng thơ sau:
“Nhớ tên họ thêm vài ba tiếng,
Chuyện này ai tạc dạ ghi lòng? –
Đám đàn ông buông một câu: “Thời chiến!”
Rồi ôm choàng phụ nữ như không.
Cảm ơn nàng đã dễ dàng đến thế,
Không cần lời thề thốt yêu đương,
Vẫn thay thế người tình xa ngái
Cho những ai cô độc trên đường.
Đám mày râu sắp giờ xung trận
Kiếm tìm đâu mái ấm thực gia đình?
Thôi đành nghĩ đến bàn tay nào đấy,
Bờ môi nào đấy phút điêu linh.
Anh không phán xét gì họ cả,
Dẫu sao thì trong lúc đao binh,
Cũng cần có một thiên đàng đơn giản
Cho những ai không cứng nổi tim mình.
Hay dở mấy cũng đành chấp nhận,
Ít ra thì khoảnh khắc lâm chung,
Còn được nhớ đến môi, đến mắt
Mới gụi gần, dẫu chỉ của người dưng.
Với ai đó có thể khi nào khác
Anh đôi giờ cũng ngang dọc tìm quên
Nhưng những ngày này, cả tâm hồn thể xác
Không lúc nào anh phụ tình em.
Cũng chính vì tai ương khủng khiếp
Rằng chắc gì ta tái ngộ cùng nhau,
Trong cách biệt anh không thể để
Nỗi nao lòng làm yếu trái tim đau.
Không ấm nổi bởi ái ân lạ lẫm,
Dẫu chết rồi vẫn xa cách bao nhiêu,
Anh để phía sau mình vĩnh viễn
Dấu âu sầu của cặp môi yêu…”
Xa mặt có thể cách lòng, nhưng không ai có thể khiến chúng ta vong bội lại tình yêu mà thực sự, trong những giai đoạn đời nhất định, trong những thử thách sinh tử nhất, ta đã hiểu ra rằng, đó là thứ ta duy nhất cần, đó là nguồn nước thần duy nhất có thể làm nguôi trong ta những cơn khát bất tận về hạnh phúc…
Thế nhưng, đời thực lại khác. Như chính con gái chị, Maria Simonova nhận xét, chị là người đàn bà lại không biết chờ đợi ai bao giờ.
Hai câu cuối cùng của bài thơ lừng lẫy “Chỉ vì em biết đợi, khác ai ai trên đời…” đối với hàng triệu phụ nữ khác đã là lời khẳng định bất di bất dịch. Thế nhưng, với riêng Simonov, đó chỉ là lời ru mộng tưởng chính bản thân mình về việc mà hơn bất cứ ai trên thế giới, ông đã rất bướng bỉnh cứ nhất nhất muốn tin là sự thật, bất chấp mọi sự thật khác trên đời…
Đầu xuân năm 1942, Valentina Serova đã tham gia đội văn nghệ cơ động biểu diễn cho các thương bệnh binh đang chạy chữa tại quân y viện dã chiến nằm trong Học viện Nông nghiệp ở Moskva.
Tại đấy lúc đó đang có vị sĩ quan cao cấp 46 tuổi mà về sau sẽ trở thành Nguyên soái lừng danh Konstantin Rokossovsky.
Và giữa hai người đã bùng nổ cơn sóng tình yêu. Nhưng nếu vị Nguyên soái tương lai dù si tình nhưng vẫn điềm tĩnh vì biết mình là “phương diện quốc gia” thì nữ nghệ sĩ đã đắm vào biển tình đến mức sẵn sàng vứt bỏ tất cả mọi sự trên đời để đi theo người yêu.
Trong thời chiến, các chuyện tình ngoài luồng của các sĩ quan cao cấp không phải là chuyện hiếm và rất dễ được Điện Kremli bỏ qua, nhưng mối quan hệ giữa Valentina Serova với Konstantin Rokossovsky đã trở thành một chủ đề nhạy cảm thời đó vì nhân vật nữ chính ở đây lại là biểu tượng của tình yêu và lòng chung thủy, dù không chính thức nhưng vẫn là vợ của một nhà thơ lừng lẫy.
Để cứu vãn tình yêu của mình, Konstantin Simonov đã vượt qua mọi cay đắng để quyết định đăng ký kết hôn với Valentina Serova vào năm 1943.
Tuy nhiên, sự hỉ xả này của thi sĩ cũng chỉ phần nào hạn chế được những hậu quả tai hại vì chị vẫn tiếp tục duy trì quan hệ với Konstantin Rokossovsky trong một thời gian nữa. Nữ nghệ sĩ I. Makarova nhớ lại:
“Pavel Shpringfeld, bạn diễn lâu năm của chị ở nhà hát TRAM và trong phim “Trái tim bốn người”, đã kể rằng: một lần, Valentina Serova đánh cuộc với anh là, đúng 5 giờ chiều, sẽ có một xe hơi ZIM dành cho cán bộ cấp cao dừng lại dưới cửa sổ nhà chị và sẽ có một quân nhân bước ra, đứng nghiêm tại đó mấy phút.
Nói xong, chị kéo mành cửa và Pavel nhìn thấy có một xe hơi tiến tới rồi một người đàn ông cao lớn đường bệ bước ra. Và đúng như Valentina Serova đã nói, người đàn ông này đã đứng nghiêm nhìn lên cửa sổ nhà chị.
Pavel kịp nhận ra đôi quân hàm Nguyên soái trên vai người đàn ông và đôi mắt buồn bã của ông dưới vành mũ kê pi. Đó chính là Konstantin Rokossovsky!”
Điện Kremli dĩ nhiên là biết rất rõ câu chuyện tình này. Khi còn chiến tranh, thì đó là việc không quá nghiêm trọng. Nhưng trong thời bình, mọi sự không thể tiếp diễn như thế.
Chính vì thế nên năm 1946, vị Nguyên soái và nữ nghệ sĩ đã buộc phải chịu cảnh “chia uyên rẽ thúy”.
Nguyên soái Konstantin Rokossovsky được cử đi chỉ huy Nhóm quân miền Bắc rồi ra sau đó, sang Ba Lan làm Bộ trường Quốc phòng (ông vốn là người gốc Ba Lan).
Ở lại Moskva, Valentina Serova đã buộc phải quên đi người tình trong mộng. Konstantin biết rõ uẩn khúc này của vợ và đã tha thứ cho chị. Tuy nhiên, việc đó đã không giúp cho hai người gìn giữ được cuộc sống gia đình tiếp theo.
Chia tay đắng đót
Thành công chính thức cuối cùng đã tới với Valentina Serova vào năm 1946, khi chị vừa được nhận giải thưởng Stalin vừa được phong tặng danh hiệu nữ nghệ sĩ công huân nhờ vai diễn trong phim “Glinka”, mặc dầu đó không phải là vai xuất sắc nhất của chị.
Nữ nghệ sĩ I. Makarova nhớ lại: “Năm 1946 càng củng cố vinh quang và vị trí của chị trong đội ngũ những nghệ sĩ Xôviết hàng đầu...
Mùa hè năm đó, chị cùng Simonov đi Paris. Chị có khu nhà ở Peredelkino và một căn hộ sang trọng trên phố Gorky, nơi cuộc sống rất xông xênh: hai người giúp việc, cỗ xe Willys màu bạc chiến lợi phẩm với nắp mở mà chị tự lái, những cuộc nhậu ồn ã thu hút “tất cả Moskva”…
Tên tuổi của chị cũng như liên minh với Simonov, theo đúng lẽ đời, bị vây bủa bởi những đồn đại mâu thuẫn nhau và cả những điều đơm đặt. Cả hai người đều là những nhân vật quá nổi tiếng, xuất sắc nên khó mà sống trong im lặng được.
Thiên hạ đồn rằng Simonov không còn say đắm chị như trước nữa. Thiên hạ cũng đồn rằng, chị rất hay “ăn nem” và Simonov biết chuyện đó…
Tới cuối những năm 40 của thế kỷ trước, Valentina Serova không còn được mời mọc đóng phim như cũ, mặc dù chị mới ở độ tuổi gần 30. Cảnh ăn không ngồi rồi khiến cho chị lâm vào khủng hoảng tinh thần.
Hóa ra trong đời thực, chị không thể nào là “cô gái cá tính” như trên màn ảnh được. Như Simonov đã viết cho chị trong một lá thư: “…
Chúng ta đã sống thường là khó khăn cũng cũng chấp nhận được đối với một đời người… Nhưng rồi em bắt đầu nát rượu… Anh đã già đi nhiều tuổi trong những năm đó và anh đã mệt mỏi đến hết cả cuộc đời còn lại”.
Trong giai đoạn đó, mặc dù Valentina Serova vẫn tiếp tục biểu diễn trong nhà hát nhưng đó chỉ còn là ánh phản chiếu yếu ở của tài năng và cảm hứng từ thời cũ. Và công việc của chị đã thực sự đình trệ vào giữa những năm 50.
Trong giai đoạn từ năm 1950 tới năm 1973, chị chỉ có mặt trong vẻn vẹn 5 bộ phim, mà toàn là vai phụ.
Đó dường như chỉ là ân huệ ít ỏi của các đạo diễn dành cho một nữ diễn viên vang bóng một thời và đang phải sống lần hồi nghèo túng…
Năm 1950, Valentina Serova sinh hạ cô con gái Maria cùng Simonov. Tuy nhiên, cuộc hôn nhân giữa hai người không ngừng trở nên xấu đi. Năm 1954, Simonov đã công khai tâm sự:
“Thơ chẳng thể nào viết thêm,
Với em ngày đó, với em bây giờ.
Những dòng chua chát ngẩn ngơ
Từ lâu đã chẳng đủ cho đôi mình.
Cảm ơn vì mọi yên lành
Thuở nao em đã nhỡ dành cho tôi.
Nghĩa ân người để bên người
Chắc gì đã hóa nợ đời với nhau.
Nhưng bao buồn tủi, đớn đau
Tay em đã chất lên đầu tôi xưa
Mặc tôi giữ, mặc tôi lo,
Số tôi đâu lạ xót xa, nổi chìm.
Muộn rồi, trách móc gì em,
Sợ chi gió thổi trắng đêm ngậm ngùi.
Chẳng qua đã hết yêu rồi
Nên thơ viết có ra lời nữa đâu....”
Năm 1957, khi Maria vào lớp một, mặc dù đã li dị nhau nhưng cả Valentina Serova và Konstantin Simonov đều đến để cùng đưa cô tới trường hôm khai giảng. Maria Simonova về sau cũng nối nghiệp mẹ và cả đời làm diễn viên kịch.
Người anh cùng cha khác mẹ của cô, Anatoli, cũng nối gót mẹ nhưng lại trong việc khác: trở thành một kẻ nát rượu!
Giai đoạn cuối đời, Valentina Serova đã phải trải qua nhiều khổ ải. Trong những lần tái bản sau này bài thơ “Đợi anh, anh sẽ về”, Konstantin Simonov đã xóa đi lời đề tặng cho vợ cũ. Thiếu tiền uống rượu, Valentina Serova đã phải bán dần mòn đi những món đồ quý đầy kỷ niệm.
Thậm chí cái nhẫn cưới mà Simonov đã mua tặng cho bà cũng đã bị bán đi… Con gái chị đã không được ở với mẹ mà phải về với bà ngoại…
Mùa hè năm 1975, ở tuổi 36, người con trai Anatoli đã chết vì nát rượu. Nửa năm sau đó, ngày 12/12/1975, Valentina Serova cũng đã trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 58. Con gái bà về sau kể: “Mẹ tôi chết đơn độc trong một căn hộ rỗng không đã bị những bạn nhậu ăn trộm hết mọi đồ đạc…”
Đám tang được tổ chức tại Nhà Diễn viên Điện ảnh. Hôm đó, Simonov đang đi nghỉ ở Koslovodsk nên không về được mà chỉ gửi 58 bông cẩm chướng đỏ tới viếng…
Nữ nghệ sĩ L. Pashkova nhớ lại: “Nhìn vào người quá cố mà trái tim ta thắt lại. Chẳng lẽ đó là tất cả những gì còn lại từ người nghệ sĩ nữ tính nhất của nền điện ảnh và sân khấu chúng ta hay sao? Cổ họng tôi khô khốc lại. Tôi không thể chịu đựng được nữa. Tôi đặt hoa viếng và bỏ đi. Ba giờ liền tôi lang thang ở Moskva và khóc…”.
(Các bài thơ của Simonov trong bài viết đều do nhà thơ Hồng Thanh Quang chuyển ngữ).