Kết hợp hai loại vaccine : Có ảnh hưởng hiệu quả phòng virus?

Việt Hà 12/07/2021 09:00

Đến nay, một số quốc gia đã và đang xem xét việc sử dụng các loại vaccine Covid-19 khác nhau để tiêm liều thứ hai hoặc tiêm nhắc lại trong bối cảnh nguồn cung bị chậm trễ. Vậy tiêm phối hợp hai hay nhiều loại vaccine Covid-19 có ảnh hưởng gì đến hiệu quả phòng virus SARS-CoV-2 và có gây hại gì không?

Nhiều nước cho phép kết hợp tiêm 2 vaccine

Mới đây, một nghiên cứu của Viện Y tế Carlos III (Tây Ban Nha) công bố cho thấy những người được tiêm vaccine của AstraZeneca mũi đầu và vaccine của Pfizer mũi thứ hai có kháng thể chống virus SARS-CoV2 tốt hơn những người chỉ tiêm vacccine của AstraZeneca. Đây là thử nghiệm đầu tiên về phối hợp vaccine và cho thấy lợi ích. Hiện Tây Ban Nha đã cho phép những người dưới 60 tuổi tiêm kết hợp hai loại vaccine này.

Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) cũng cho phép kết hợp 2 liều vaccine của hãng Pfizer và Moderna trong những tình huống đặc biệt, chẳng hạn như khi thiếu vaccine hoặc người được tiêm không rõ nguồn gốc của mũi tiêm đầu. Ủy ban Tư vấn quốc gia về miễn dịch của Canada cũng đã thông báo hướng dẫn cập nhật cho phép phối kết hợp các loại vaccine phòng ngừa Covid-19 đã được cấp phép tại nước này trong phần lớn các trường hợp.

Theo hướng dẫn mới này, những người đã tiêm mũi đầu là vaccine của AstraZeneca có thể nhận mũi tiêm thứ hai là vaccine của Pfizer-BioNTech hay Moderna, trừ trường hợp đang mang thai.

Trước đó, Anh cũng có một báo cáo khẳng định phối hợp 2 loại vaccine là an toàn, nhưng tỷ lệ người bị các tác dụng phụ sau tiêm, như sốt, cao hơn so với những người tiêm 2 liều cùng loại…

Ý kiến chuyên gia y tế trong nước

Mặc dù kết hợp tiêm 2 loại vaccine xuất phát từ việc nguồn cung hiện nay còn thiếu, nhưng theo các nhà khoa học, sự kết hợp các loại vaccine có công nghệ khác nhau có thể kích hoạt những khả năng khác nhau của hệ miễn dịch, từ đó bảo vệ cơ thể tốt hơn và tăng khả năng chống lại các biến thể.

Trao đổi vấn đề này với PV Báo Đại Đoàn Kết, PGS. TS Đinh Duy Kháng, Viện Công nghệ Sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cho biết mỗi loại vaccine được WHO phê duyệt sử dụng đã phải trải qua quá trình thử nghiệm trong phòng thí nghiệm và thử nghiệm lâm sàng nghiêm ngặt về độ an toàn và hiệu quả trong kiểm soát bệnh. Vì vậy, dù vaccine nào thì cũng sẽ tạo ra hàng rào miễn dịch chống lại virus.

Về ý kiến của các nhà khoa học trên thế giới cho rằng, tiêm kết hợp 2 loại vaccine sẽ có kháng thể tốt hơn nhiều lần, PGS. TS Đinh Duy Kháng cho rằng, khi sử dụng hai loại vaccine do 2 đơn vị sản xuất thì đồng nghĩa kích hoạt phản ứng miễn dịch khác nhau, do công nghệ bào chế vaccine khác nhau. Hiệu lực bảo vệ khi đó không khác nhiều so với tiêm một loại vaccine. Để tăng đáp ứng miễn dịch, phụ thuộc vào thành phần và quy trình tạo nên vaccine chứ không phải do tiêm lần đầu loại vaccine này, lần thứ 2 vaccine khác.

“Ví dụ lần 1 bạn tiêm vaccine AstraZeneca, lần thứ hai tiêm vaccine Pfizer -BioNTech. Sau khi tiêm một thời gian người ta lấy máu của người được tiêm để đánh giá kháng thế, thấy lượng kháng thể cao hơn thì sẽ có đánh giá tốt hơn. Thế nhưng, tôi cho rằng, là do vaccine lần 2 tốt hơn, sẽ tạo ra kháng thể tốt hơn chứ không hẳn là tiêm hai loại vaccine sẽ tạo ra kháng thể tốt hơn”, PGS. TS Đinh Duy Kháng nói.

Vì vậy, theo PGS. TS Đinh Duy Kháng, việc tiêm hai loại vaccine chỉ nên áp dụng cho các trường hợp ngoại lệ, chẳng hạn như thiếu vaccine hoặc khi người được tiêm không nhớ trước đây mình đã tiêm loại nào. “Hiện chưa có nghiên cứu chính thức nào chứng minh việc tiêm hai loại vaccine sẽ cho đáp ứng miễn dịch tốt hơn. Tuy nhiên, tiêm hai loại vaccine cũng không gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêm hay hiệu quả phòng virus SARS-Cov2”, theo PGS. TS Đinh Duy Kháng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kết hợp hai loại vaccine : Có ảnh hưởng hiệu quả phòng virus?