Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam bày tỏ mong muốn: Trong nhiệm kỳ mới, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ phát huy rộng rãi tinh thần kết nối cộng đồng, đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo, thực hiện quyền dân chủ, tăng cường hoạt động giám sát, phản biện xã hội.
Thượng toạ Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Ảnh: Quang Vinh.
PV: Thượng tọa có thể đánh giá sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam đối với Phật giáo thời gian qua? Trong đó, điểm nổi bật là việc phối hợp để có được Luật Tín ngưỡng, tôn giáo?
Thượng tọa Thích Đức Thiện: Trong suốt quá trình hoạt động, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đón nhận sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam các cấp tới những hoạt động của tăng ni, Phật tử. Trong hoạt động đó đã thể hiện sự phối hợp chặt chẽ trước hết là thực hiện bổn phận trách nhiệm chăm lo cho cộng đồng, cho Phật tử, cho chúng sinh và chính việc chăm lo đó đồng hành với việc Đảng, Nhà nước, MTTQ chăm lo cho người dân. Chúng ta gặp nhau ở điểm là cùng chăm lo cho đồng bào và nhân dân. Trong quá trình đó, có sự phối hợp chặt chẽ, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tích cực tham gia hưởng ứng các cuộc vận động, phong trào của MTTQ Việt Nam, phát động phong trào thi đua yêu nước để thực hiện sống tốt đời, đẹp đạo. Nguyện vọng của tăng ni, Phật tử đều được Lãnh đạo Đảng, Nhà nước rất quan tâm xem xét, ứng xử theo luật, quy định đối với tôn giáo nói chung.
Với sự đổi mới của đất nước không chỉ về kinh tế mà còn về đời sống văn hóa, tâm linh của đồng bào. Từ Nghị quyết 25 của Đảng xác định tôn giáo là nhu cầu của một bộ phận nhân dân, đã mở đường cho sự phát triển của tôn giáo và sự ra đời của Pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo. Trên cơ sở nền tảng của Pháp lệnh Tín ngưỡng tôn giáo đó, chúng ta rất phấn khởi khi Quốc hội chính thức phê chuẩn Luật Tín ngưỡng tôn giáo. Luật này ra đời đã đem lại sự chủ động cho các tôn giáo tham gia vào các hoạt động như từ thiện xã hội, y tế, giáo dục...
Được biết trong thời gian qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã kêu gọi tăng ni, Phật tử tham gia phong trào thi đua yêu nước, hưởng ứng bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng văn hoá tham gia giao thông. Việc này được triển khai cụ thể như thế nào, nhất là vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường?
- Đó là những vấn đề nhức nhối trong xã hội. Khi được MTTQ Việt Nam phát động, với tư cách là thành viên tích cực của MTTQ, Giáo hội Phật giáo Việt Nam rất chủ động trong các phong trào này. Cụ thể, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã kí kết với UBTƯ MTTQ Việt Nam, với các tôn giáo trong việc bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu và triển khai tới các tỉnh, TP.
Đặc biệt, Giáo hội đã có những trung tâm, như ở Hà Nội xây dựng chùa Pháp Vân ở quận Hoàng Mai đào tạo kỹ năng về ứng phó với thiên tai lũ lụt, ứng phó với thay đổi của môi trường. Hay chùa Từ Đàm (Huế), chùa Hoằng Pháp (TP. Hồ Chí Minh),… đó là điểm để tăng ni trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, từ đó có sự hiểu biết, ý thức về bảo vệ môi trường.
Trong những bài thuyết giảng, bài pháp đã kêu gọi đồng bào Phật tử tích cực bảo vệ môi trường, đồng thời thấy được tác hại của biến đổi khí hậu tác động đến con người như thế nào, để mọi người có ý thức từ việc sử dụng điện, xả rác, bảo vệ rừng. Đấy là việc tác động đến biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, Giáo hội cũng phát động phong trào chống rác thải nhựa đến mỗi Phật tử.
Với thiên tai, lũ lụt, hình ảnh của các sư thầy luôn xuất hiện rất sớm. Ở vùng Tây Bắc bị lũ quét, khi có thông tin, chư tăng đã xuất hiện ở đó, vừa giúp đỡ đồng bào, vừa đem những khoản từ thiện để cứu giúp kịp thời. Hiện nay, nhiều trường mầm non ở Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La được tăng ni, Phật tử xây dựng. Đồng thời, mỗi dịp cứu trợ từ thiện, các sư đều vận động đồng bào không được phá hoại rừng để bảo vệ môi trường đồng thời cũng phân tích để đồng bào hiểu, con người là nguyên nhân chính gây ra những thiên tai này.
Tăng ni, Phật tử đăng ký hiến máu và hiến mô tạng.
Đồng hành cùng MTTQ các cấp, trong thời gian qua, vai trò của Phật giáo Việt Nam đã thể hiện sự dấn thân với đời bằng những hoạt động từ thiện, hiến máu nhân đạo. Theo Thượng tọa, chúng ta cần phối hợp như thế nào để những hoạt động này hướng tới cộng đồng nhiều hơn?
- Giáo hội Phật giáo Việt Nam coi đây là nhiệm vụ trọng tâm. Trong suốt thời gian qua, các hoạt động từ thiện xã hội được thực hiện rất tốt. Khi tham gia từ thiện giúp đỡ đồng bào bị thiên tai bão lụt, Giáo hội đã kí kết phối hợp với Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, để qua các mạng lưới thanh niên, hoạt động từ thiện xã hội hiệu quả hơn. Giáo hội cũng chủ động phối hợp với MTTQ Việt Nam các cấp trong từ thiện xã hội, xóa đói giảm nghèo, hưởng ứng lời kêu gọi giúp đỡ người nghèo của MTTQ từ đó góp phần thực hiện phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo- Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Đối với một số hoạt động, Giáo hội đã phối hợp với Hội Chữ thập đỏ về hoạt động từ thiện như phát quà, xây dựng trường học, bảo hiểm xã hội, hiến máu nhân đạo.
Riêng hiến máu nhân đạo và hiến tặng mô tạng, Giáo hội Phật giáo Việt Nam luôn đi đầu.
Trong thời gian tới, việc tăng cường vận động đoàn kết các tôn giáo ở nước ta hiện nay vẫn là nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm của MTTQ Việt Nam. Vậy Giáo hội có giải pháp gì để đồng hành cùng MTTQ thực hiện đề án hiệu quả?
-Hầu hết các tôn giáo trên thế giới đều có mặt tại Việt Nam. Các tôn giáo sống xen kẽ với nhau và rất đoàn kết. Trong lịch sử Việt Nam không có xung đột tôn giáo xảy ra như đâu đó trên thế giới. Tuy nhiên, việc tập hợp, đoàn kết tôn giáo vẫn được coi là nhiệm vụ mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam ý thức được việc đó. Giáo hội Phật giáo Việt Nam phối hợp chặt chẽ với MTTQ các cấp trong việc vận động bà con, đồng bào Phật tử trong tinh thần đoàn kết cộng đồng, đoàn kết tôn giáo. Bởi vai trò chính của MTTQ là phát huy tinh thần đoàn kết dân tộc, tập hợp cộng đồng, tổ chức tôn giáo để xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Vì vậy, Giáo hội Phật giáo Việt Nam rất coi trọng việc đoàn kết tôn giáo.
Từ tinh thần Đoàn kết - Dân chủ - Đổi mới và Phát triển của Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019-2024, Thượng tọa có mong muốn gì?
- Giáo hội Phật giáo Việt Nam mong muốn MTTQ sẽ phát huy rộng rãi tinh thần kết nối cộng đồng, đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo, thực hiện quyền dân chủ, tăng cường việc giám sát, phản biện xã hội. Bởi xã hội hiện nay, với việc phát triển của khoa học công nghệ, mọi thông tin lan truyền, kết nối rất nhanh. Việc này rất cần vai trò của MTTQ về giám sát, phản biện xã hội để định hướng quần chúng, định hướng cộng đồng đi theo đúng đường lối của Đảng, Nhà nước. Việc này rất quan trọng và nằm ở vai trò của MTTQ. Giáo hội mong muốn với vai trò đó, MTTQ sẽ có nhiều hơn các hoạt động, phong trào, cuộc vận động để quần chúng các tôn giáo tích cực tham gia, để tôn giáo góp tiếng nói trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội. Có như vậy, chúng ta mới có được sức mạnh của sự đoàn kết, sức mạnh đó sẽ kết tinh vào thành quả xây dựng và phát triển đất nước.
-Trân trọng cảm ơn Thượng tọa!