Cung và cầu nông sản sạch, an toàn ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng, nhưng nghịch lí là “kết nối cung -cầu vẫn chưa gặp nhau”.
Ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ phát biểu tại Hội thảo.
Ngày 19/8, UBND TP Cần Thơ tổ chức Hội thảo “Kết nối cung – cầu nông sản sạch và an toàn năm 2017” trong khuôn khổ các hoạt động APEC 2017.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ nhấn mạnh thực trạng, người tiêu dùng thì đang lo lắng về chất lượng nông sản, trong khi nông dân đang cố gắng sản xuất nông sản sạch thì không bán được hoặc bán với giá rất thấp.
Trong khi nước ta là một nước nông nghiệp, thị trường nông sản lại thất thủ ngay chính “sân nhà”. Minh chứng là quá trình nhập khẩu nông sản của các nước đang ồ ạc đổ vào trong nước. Ông Hoài Nam nêu ví dụ cụ thể về trường hợp nho Mỹ vẫn đang chiếm thị trường ở trong nước, hay trái cây Thái Lan dù được đánh giá không ngon bằng Việt Nam nhưng vẫn có thị trường tốt hơn ta.
Thạc sĩ Trần Thế Như Hiệp, thuộc Viện Kinh tế Xã hội TP Cần Thơ cho rằng, các kênh phân phối nông sản hiện nay vẫn còn nhiều bất lợi cho người nông dân. Chẳng hạn, chuỗi “Cung ứng rau an toàn” (RAT) tại TP Cần Thơ vẫn còn là kênh phân phối truyền thống “Nông dân – người thu gom – thương lái – người bán lẻ (vựa) – người bán lẻ, siêu thị - người tiêu dùng” chiếm đến 78,2% sản lượng.
Kênh này với nhiều thành tố trung gian, khiến chi phí marketing của kênh tăng, trong khi giá trị sản phẩm không thay đổi. Trong khi đó, kênh phân phối hiệu quả “Nông dân – người bán lẻ - tiêu dùng” thì lại chiếm sản lượng tiêu thụ rất thấp 4,3%.
Từ thực trạng trên cho thấy, cung và cầu nông sản sạch, an toàn ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng, nhưng nghịch lí là “kết nối cung cầu vẫn chưa gặp nhau”.
Kết nối cung - cầu nông sản sạch vẫn chưa gặp nhau.
Nhiều nguyên nhân được chỉ ra để giải thích cho nghịch lí cung – cầu nông sản sạch. Về phía người tiêu dùng, vẫn còn thờ ơ với những lợi ích và giá trị của nông sản sạch; tâm lí e ngại về giá và nguồn gốc sản phẩm; khó tìm mua nông sản sạch do chưa có kênh phân phối rộng khắp,...
Đối với nhà sản xuất, vẫn còn tình trạng sản xuất nhỏ, lẻ, chất lượng không ổn định; khâu sơ chế, bảo quản còn thô sơ; việc kí kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm còn nhiều bất cập; khả năng cơ giới hóa, ứng dụng khoa học kĩ thuật còn hạn chế;...
Về quản lí nhà nước, hiện nay việc quản lí về nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác, kiểm định và công nhận vẫn chưa triệt để, hiệu quả nên chưa tạo được niềm tin cho người tiêu dùng; thiếu các hoạt động tuyên truyền làm thay đổi hành vi tiêu dùng; biện pháp kết nối thị trường, cung – cầu vẫn chưa mang lại hiệu quả;...
Thạc sĩ Trần Thế Như Hiệp, thuộc Viện Kinh tế Xã hội TP Cần Thơ kiến nghị, cần sớm tổ chức vùng sản xuất quy mô lớn; tăng cường ứng dụng khoa khọc kĩ thuật mới vào sản xuất, nâng cao hiệu quả quản lí nhà nước trong việc kiểm định, công nhận nông sản sạch;... Đặc biệt, cần tuyên truyền để thay đổi hành vi tiêu dùng của người dân đối với thực phẩm sạch; xây dựng, hoàn thiện hệ thống “mạng lưới các điểm bán nông sản sạch, an toàn”; thực hiện mạng lưới thương mại điện tử (website) nông sản sạch để người tiêu dụng dễ dàng tiếp cận hàng hóa;...
Ông Thierry Rocaboy – Chủ tịch tiểu ban Thực phẩm, nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, thuộc Eurocham nhấn mạnh: Cách mạng Nông nghiệp 4.0 là cơ hội tốt để đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa nền nông nghiệp Việt Nam, cả về năng suất, chất lượng, độ an toàn và tính bền vững. Khắc phục được các bất cập về chuỗi cung cầu, Việt Nam sẽ dần phục vụ tốt hơn cho thị trường trong nước và xuất khẩu.