Nhu cầu sử dụng điện của Việt Nam tăng 10 – 12% mỗi năm và sẽ tăng gấp 3 lần vào năm 2030 và Việt Nam không có đủ nguồn tài nguyên trong nước để đáp ứng nhu cầu.
Việt Nam đang tập trung kêu gọi đầu tư nhiều vào năng lượng tái tạo.
Điều này có nghĩa Việt Nam sẽ có thể trở thành thị trường tiêu thụ điện lớn nhất từ Lào và Campuchia. Hai lựa chọn được đưa ra là nhập khẩu than hay nhập khẩu điện từ các quốc gia trong khu vực.
Nhận định này được đưa ra tại hội thảo “Kết nối Mekong: Quy hoạch nước – năng lượng ở quy mô hệ thống” diễn ra mới đây tại Cần Thơ.
Theo ông Brian Eyler – Giám đốc Chương trình Đông Nam Á (Trung tâm Stimson, Mỹ) thuộc nhóm sáng kiến “Kết nối lưu vực sông Mekong”, Việt Nam cần tăng cường hợp tác với Lào và Campuchia để thúc đẩy lập kế hoạch cấp khu vực, đầu tư vào năng lượng tái tạo và mua bán điện xuyên biên giới.
Việc tăng cường mua điện từ Lào và Campuchia sẽ đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của Việt Nam và góp phần giảm phát thải carbon nhờ giảm nhu cầu xây dựng thêm nhiệt điện than, đồng thời tăng cường cơ hội đầu tư của Việt Nam tại hai nước này; tăng cơ hội việc làm và hợp tác kinh tế.
Các thỏa thuận mua điện thường đóng vai trò quyết định trong việc dự án nào được triển khai, nhờ đó Việt Nam sẽ có lợi thế hơn khi thương lượng với các quốc gia láng giềng trong phát triển sản xuất năng lượng.
Theo thông tin từ nhóm sáng kiến Kết nối Mekong, Chính phủ Lào đang nuôi mơ ước đưa quốc này trở thành “bình ắc quy của Đông Nam Á”.
Vì vậy, để đạt được mục tiêu, các nhà hoạch định chính sách của họ đang tiến hành xây dựng nhiều dự án thủy điện mới, nhưng lại thiếu một quy hoạch chiến lược ở cấp lưu vực.
Hiện Lào đang lên kế hoạch xây dựng hai đập lớn trên dòng chính Mekong và đang tham vấn để xây dựng đập thứ ba, đồng thời Lào và Campuchia đang lên kế hoạch xây dựng 130 đập lớn (công suất trên 50MW) trên các dòng nhánh của sông Mekong vào năm 2030.
Do yếu tố địa lý, hiện chúng ta nằm ở hạ nguồn chịu tác động không nhỏ từ việc phát triển thủy điện thiếu quy hoạch.
Vì vậy Việt Nam cần thúc đẩy sự tham gia của Lào và Campuchia để cùng tiếp cận quản lý tổng hợp nguồn nước và năng lượng một cách chiến lược, góp phần giảm tổng số lượng đập ở lưu vực sông Mekong trong tương lai.
Ông Brian Eyler nhận định, sự phát triển điện của Lào là do đầu tư từ bên ngoài, Lào chưa có kế hoạch hoặc chiến lược phát triển toàn bộ lưu vực, cách tiếp cận theo dự án đơn lẻ như vậy sẽ gây ra nhiều hệ lụy.
Từ những lý do đó cho thấy Việt Nam cần đầu tư vào Lào và Campuchia với tỷ trọng tương đương như Thái Lan và Trung Quốc, tận dụng cơ hội để nổi lên như quốc gia đi đầu khu vực về phát triển bền vững.