Kinh tế

Kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP

Lê Bảo 07/12/2023 07:03

Thực hiện chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), cả nước đã có 10.322 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên.

anh-bai-chinh.jpg
Sản phẩm OCOP được xem là giải pháp hiệu quả nâng cao giá trị nông sản Việt đồng thời góp phần phát triển kinh tế cho vùng nông thôn. Ảnh: Lan Hương.

Nâng cao chuỗi giá trị nông sản

Chương trình OCOP được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 7/5/2018 với 3 mục tiêu: Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh; Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân và công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Theo Bộ Công thương, qua hơn 5 năm thực hiện, đến nay cả nước đã có 63/63 tỉnh, thành phố đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Đã có 10.322 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó 67,3% sản phẩm 3 sao, 31,2% sản phẩm 4 sao, 0,8% sản phẩm tiềm năng 5 sao và 42 sản phẩm 5 sao. Bên cạnh đó, đã có 5.361 chủ thể OCOP, trong đó có 38,1% là hợp tác xã, 24,2% là doanh nghiệp, 34,9% là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác.

Theo ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), danh mục các sản phẩm ngày càng đa dạng, phong phú, có chất lượng tốt và truy xuất được nguồn gốc. Nhiều sản phẩm mẫu mã đẹp, tinh xảo, độc đáo, phát huy được lợi thế tài nguyên bản địa, văn hóa truyền thống với ứng dụng khoa học công nghệ, ngày càng được nhiều khách hàng tin dùng và đánh giá cao về chất lượng.

“Các sản phẩm OCOP đã từng bước khẳng định giá trị và uy tín trên thị trường, tăng trưởng về doanh thu và giá bán ngay cả vào những thời điểm khó khăn vì dịch bệnh; góp phần cải thiện thu nhập và chất lượng đời sống cho người dân thành thị, nông thôn, các vùng sâu, vùng xa và đồng bào dân tộc thiểu số” - ông Tuấn cho biết.

Theo ông Tuấn, với sự kết nối của Bộ Công thương, các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, các sản phẩm là đặc trưng, đặc sản, tiềm năng, lợi thế của địa phương, vùng miền đã được kết nối vào hệ thống các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn cả nước, đã được đưa vào tất cả các hệ thống phân phối lớn như Go!, MM Mega Market, Saigon Co.op, Winmart, Winmart+…

Đưa sản phẩm OCOP lên sàn trực tuyến

Mặc dù sản phẩm OCOP đã dần có chỗ đứng trên thị trường và mang lại lợi ích kinh tế cho các địa phương song theo ông Đặng Quý Nhân - Phó trưởng phòng Quản lý Chương trình OCOP, Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), số lượng sản phẩm OCOP tăng nhanh nhưng chưa thực sự bền vững; nguồn lực triển khai chủ yếu là lồng ghép, cơ chế chính sách còn chưa đồng bộ,… Bên cạnh đó, công tác xúc tiến thương mại còn manh mún, thiếu đồng bộ, chưa tạo được điểm nhấn nổi trội và đặc sắc.

Theo ông Nhân, trong các hệ thống siêu thị trong nước hiện nay, số lượng sản phẩm OCOP rất ít, chưa đến 10 sản phẩm được bày bán trong siêu thị. Sản phẩm OCOP xuất khẩu sang 12 thị trường nước ngoài nhưng không thể vào được siêu thị trong nước.

Thời gian qua, các tập đoàn phân phối lớn như Central Retail, AEON, Saigon Co.op cũng đã phối hợp với Bộ Công Thương, đồng hành cùng các địa phương tổ chức các sự kiện kết nối, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP tại hệ thống siêu thị như: Tuần lễ OCOP tại Big C, Hội chợ kết nối sản phẩm OCOP tại hệ thống trung tâm bách hóa tổng hợp và siêu thị AEON, Tuần lễ Quảng bá nông sản hàng OCOP tại hệ thống Saigon Co.op... Tuy nhiên, số mặt hàng OCOP có mặt tại các siêu thị vẫn còn khiêm tốn.

Theo ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn, để hỗ trợ sản phẩm OCOP có chỗ đứng tại thị trường trong nước, cần đẩy mạnh công tác kết nối, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm OCOP gắn với du lịch, ẩm thực, văn hóa, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử trong công tác giới thiệu, quảng bá, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm. Mặt khác các địa phương cũng cần có cơ chế đưa các sản phẩm OCOP lên sàn trực tuyến.

Báo cáo của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam năm 2022 cho thấy, quy mô giao dịch thương mại điện tử bán lẻ chiếm khoảng 8,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng. Đối với lĩnh vực bán lẻ hàng hóa, năm 2022 tỷ lệ bán lẻ hàng hóa trực tuyến so với tổng mức bán lẻ hàng hóa khoảng 7,2%.

Cùng với đó, một trong những cách thức hiệu quả để tiêu thụ sản phẩm OCOP là gắn với các nội dung xoay quanh những chủ đề top trending, đặc biệt là gắn với du lịch, ẩm thực, văn hóa.

Ông Hoàng Hoa Quân - Phó Trưởng phòng Quản lý lữ hành, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đánh giá, lĩnh vực du lịch có nhiều dư địa cho tiêu thụ sản phẩm OCOP.

Ông Quân cho biết, đến hết tháng 11 cả nước đã đón được 11,2 triệu lượt khách quốc tế. Với khách nội địa, hết tháng 11 đạt 103 triệu lượt khách. Tổng thu từ khách du lịch đến nay đã đạt 98% mục tiêu đặt ra, đạt 650 nghìn tỷ đồng. Như vậy, với số lượng khách du lịch đến và đi, luân chuyển qua các tỉnh thành, đây là thị trường lớn để tiêu thụ các sản phẩm OCOP, tiềm năng cho xuất khẩu tại chỗ. Dù vậy theo ông Quân, các địa phương chưa biết khai thác lợi thế du lịch gắn với tiêu thụ sản phẩm OCOP.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO