Kết quả trưng cầu ý dân phải có giá trị pháp lý đặc biệt

T.Dương - M.Loan 13/11/2015 07:35

Đó là vấn đề được đặt ra khi Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Trưng cầu ý dân diễn ra ngày 12/11.

Kết quả trưng cầu ý dân phải có giá trị pháp lý đặc biệt

Đại biểu Trương Thị Ánh phát biểu tại Hội trường ngày 12/11. Ảnh: Hoàng Long.

Trước khi Quốc hội tiến hành thảo luận, trình bày báo cáo thẩm tra của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Dự án Luật này, ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nêu rõ: Kết quả trưng cầu ý dân có giá trị quyết định đối với vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân và có hiệu lực kể từ ngày công bố. Mọi cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân phải tôn trọng kết quả trưng cầu ý dân.

Không nên quy định cứng 3/4 số cử tri đi bỏ phiếu

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật Trưng cầu ý dân của Ủy ban Thường vụ Quốc hội bày tỏ quan điểm, cuộc trưng cầu ý dân hợp lệ phải được ít nhất 3/4 tổng số cử tri cả nước có tên trong danh sách cử tri đi bỏ phiếu. Nội dung trưng cầu ý dân được quá nửa số phiếu hợp lệ tán thành sẽ có giá trị thi hành.

Theo ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, kết quả trưng cầu ý dân có giá trị quyết định đối với vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân và có hiệu lực kể từ ngày công bố. Mọi cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân phải tôn trọng kết quả trưng cầu ý dân.

Song nhiều ĐB cho rằng, quy định như trên là khó khả thi. Bởi ĐB Lâm Lệ Hà (Kiên Giang) cho rằng, quy định cuộc trưng cầu ý dân hợp lệ phải được ít nhất 3/4 tổng số cử tri cả nước có tên trong danh sách cử tri đi bỏ phiếu. Nội dung trưng cầu ý dân được quá nửa số phiếu hợp lệ tán thành có giá trị thi hành là quá cao, và khó khả thi.

Bởi theo bà, trưng cầu ý dân là hình thức rất mới đòi hỏi phải có quá trình nhận thức. “Nếu tỷ lệ quá cao dễ dẫn tới tình trạng ép cử tri đi bỏ phiếu như vậy là mất tính chất của trưng cầu ý dân”-bà Hà nhấn mạnh.

Phân tích thêm, ĐB Nguyễn Anh Sơn (Nam Định), mục đích của việc trưng cầu ý dân là để tìm ra được sự đồng thuận cao trong nhân dân về vấn đề quan trọng của đất nước.

Theo quy định có 3/4 cử tri đi bỏ phiếu thì cuộc trưng cầu dân ý hợp lệ. Nếu thực tế có đúng 3/4 nghĩa là 75% cử tri đi bỏ phiếu. Nếu 50% tán thành thì thực chất chỉ có 37% nhân dân đồng tình. Nhưng nếu số cử tri đi bầu 74%, tức là không đạt yêu cầu 3/4 cử tri mà kết quả lại thống nhất một phương án thì kết quả cũng không được thi hành.

“Vì vậy không nên quy định cứng 3/4 số cử tri tham gia trưng cầu mới đảm bảo yêu cầu, mà chỉ cần quy định cuộc trưng cầu là hợp lý và có giá trị thi hành khi có quá nửa cử tri trong danh sách tán thành vì đây thực sự là lựa chọn của đa số cử tri”-ông Sơn bày tỏ.

Cung cấp thông tin cho người dân

Nhấn mạnh trưng cầu ý dân là vấn đề có tác động rộng lớn, tác động đến vận mệnh đất nước, được dư luận cả nước quan tâm, đòi hỏi phát huy cao nhất khối đại đoàn kết toàn dân, huy động ý chí toàn dân để giải quyết, theo ĐB Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) cần thông tin, tuyên truyền để người dân biết đâu là thông tin chính thức, đầy đủ để từ đó người dân chọn phương án chủ động, sáng suốt, có trách nhiệm, tăng chất lượng trưng cầu ý dân.

“Lấy ý kiến mà người dân chưa được thông tin đầy đủ thì sẽ có nhiều luồng ý kiến”- ông Hùng lưu ý.

Cùng chung quan điểm, ĐB Lưu Thành Công (Vĩnh Long) nói: Thông tin tuyên truyền trưng cầu ý dân là rất cần thiết nên cần bổ sung vào phạm vi điều chỉnh để cung cấp đầy đủ đúng đắn những vấn đề cần trưng cầu ý dân để người dân hiểu rõ nội dung, quyền trách nhiệm về vấn đề trưng cầu ý dân, thể hiện được chính kiến khách quan, mang lại lợi ích thiết thực cho dân tộc, đất nước.

Cũng vì việc trưng cầu ý dân có ý nghĩa quyết định đến các vấn đề quan trọng của đất nước, được Quốc hội quyết định nên việc công bố công khai kết quả này cũng cần được quy định như là một trong các nguyên tắc trưng cầu ý dân để mỗi người dân được biết và có nhận thức sâu sắc hơn về vị trí, vai trò của mình - ĐB Trần Văn Tấn (Tiền Giang) đề nghị.

Vấn đề đặc biệt quan trọng khác của đất nước là gì?

Đó là vấn đề được ĐB Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) nêu ra. Và chính ông cho rằng cần nói rõ vấn đề đặc biệt quan trọng khác của đất nước là gì? Đó phải là những vấn đề tác động to lớn đến sự phát triển chung, cần huy động khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Cũng theo ông, kết quả trưng cầu ý dân phải có giá trị pháp lý đặc biệt vì đây là quyết định của nhân dân, cao hơn quyết định của Quốc hội được thể hiện trong Nghị quyết của Quốc hội. Quốc hội không có thẩm quyền thay đổi nên nếu trong quá trình thực hiện cần thay đổi do nguyên nhân khách quan thì phải trưng cầu ý dân lại.

Đồng quan điểm, ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng các vấn đề Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân còn rất chung chung, không rõ ràng. “Do vậy, khi nảy sinh vấn đề cần xem xét, Quốc hội và đại biểu Quốc hội phải thêm một bước khi quyết định trưng cầu ý dân, đó là xác định vấn đề có thực sự là đặc biệt quan trọng hay không?”- ĐB Vinh nói.

Theo bà Trương Thị Ánh (TP Hồ Chí Minh), vấn đề đặc biệt quan trọng nhất của đất nước là các vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia và quốc kế dân sinh, vấn đề chủ quyền lãnh thổ quốc gia.

Chính vì thế theo bà Ánh, trưng cầu ý dân thực hiện trong phạm vi cả nước thể hiện ý nguyện của dân trước vận mệnh quốc gia và dân tộc và phải có hiệu lực ngay từ khi công bố và các cơ quan nhà nước, tổ chức cá nhân phải tôn trọng kết quả trưng cầu ý dân và có trách nhiệm thực hiện theo kết quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kết quả trưng cầu ý dân phải có giá trị pháp lý đặc biệt