Miền Trung chuẩn bị hứng chịu thêm đợt mưa mới gây nguy cơ lũ quét và sạt lở. Mưa dông những ngày tới tập trung từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, nhiều nơi ở miền Trung đã giảm mưa trong đêm 2/4 sau nhiều ngày hứng chịu lượng mưa lớn kèm gió mạnh.
Từ đêm 3/4 đến ngày 6/4, khu vực từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa và Tây Nguyên đón thêm đợt mưa mới.
Mưa 250 mm trong hai ngày
Cụ thể, từ rạng sáng 4/4, mưa lớn có thể xuất hiện ở Đà Nẵng và Quảng Nam, sau đó kéo dài đến hết ngày 5/4. Lượng mưa dao động 100-150 mm/đợt, có nơi trên 200 mm. Cùng lúc, mưa dông xuất hiện ở khu vực từ Quảng Ngãi đến Bình Định với lượng 100-200 mm, có nơi trên 250 mm.
Trong khi đó, mưa lớn kéo dài ở Phú Yên đến Khánh Hòa đến hết ngày 6/4. Vũ lượng tại đây được dự báo phổ biến 100-180 mm, có nơi trên 200 mm. Các tỉnh, thành phố Tây Nguyên mưa 70-120 mm trong hai ngày tới.
Nguyên nhân của đợt mưa lớn sắp tới là khu vực chịu ảnh hưởng đới gió đông của rìa áp cao cận nhiệt đới lấn về phía tây, đồng thời có rìa tây nam của lưỡi áp cao lạnh lục địa tác động. Người dân tiếp tục đề phòng khả năng có lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Đáng lưu ý, tình trạng lũ quét, sạt lở đất có thể tiếp diễn ở vùng núi thuộc Nam Trung Bộ, vùng trũng, thấp, ven sông khả năng xảy ra ngập úng cục bộ.
Tại miền Bắc, không khí lạnh đang có dấu hiệu suy yếu dần và lệch ra phía đông nên khu vực tăng nhiệt kể từ hôm nay. Tuần tới, thời tiết Hà Nội và đồng bằng Bắc Bộ hửng nắng nhưng còn rét về đêm và sáng sớm. Nền nhiệt giữa ngày và đêm chênh lệch lớn, dao động 15-22 độ C.
Còn ở Nam Bộ, ảnh hưởng của rãnh thấp xích đạo hoạt động mạnh nên mưa cũng xuất hiện nhiều trong tháng 4, tập trung vào khoảng 4-5 ngày đầu tháng. Do đó, TP.HCM và các tỉnh, thành phố phía nam đề phòng mưa dông tiếp diễn trong những ngày tới.
Thiên tai dị thường ở miền Trung
Theo Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, miền Trung vừa trải qua đợt mưa lũ trái mùa bất thường ở ngay giữa mùa khô. Chỉ trong vòng 4 ngày (30/3-2/4), tổng lượng mưa ghi nhận được ở nhiều nơi dao động 200-500 mm, có nơi vượt ngưỡng 750 mm.
Theo thống kê đến hết ngày 2/4, mưa lũ làm 2 người chết, một người mất tích do chìm ghe, 5 người bị thương nhẹ.
Về tài sản, dông lốc khiến 2 nhà bị sập, 47 nhà tốc mái, 229 ghe thuyền bị chìm cùng gần 2.500 lồng bè bị thiệt hại. Các đơn vị chức năng đang trục vớt ghe thuyền và khắc phục hậu quả.
Với đợt mưa lũ xảy ra không theo quy luật, người dân miền Trung hứng chịu thiệt hại nặng nề về nông nghiệp với hơn 78.100 ha lúa và trên 13.500 ha hoa màu hư hỏng. Nông dân ở Quảng Nam là những người gánh chịu hậu quả nặng nề nhất từ đợt mưa này.
Theo báo cáo từ các địa phương, nước đã rút ở nhiều nơi, chỉ còn một số huyện ở Quảng Trị rút chậm, tập trung tại huyện Đakrong, Triệu Phong, Hải Lăng với chiều sâu ngập trung bình 1-1,5 m. Địa phương đã hỗ trợ để gia cố đê bao bị tràn. Dự kiến trong ngày 3/4, nước sẽ rút hết.
Ngoài ra, địa bàn tỉnh Quảng Nam xảy ra sự cố vỡ đập tạm ngăn mặn trên sông Vĩnh Điện (thị xã Điện Bàn) làm cuốn trôi cát, cọc và bạt gia cố. Đập này bảo vệ khoảng 1.800 ha lúa, ước tính thiệt hại khoảng 2 tỷ đồng. Ban Chỉ huy phòng chống cứu nạn của tỉnh đang theo dõi và có giải pháp khắc phục sau khi dòng chảy ổn định trở lại.
Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai đề nghị các địa phương hỗ trợ người dân về lương thực để không hộ nào thiếu đói; huy động lực lượng giúp nhân dân vệ sinh môi trường, khôi phục nhà ở bị tốc mái, ngập lụt, vệ sinh các cơ sở hạ tầng, công sở để sớm đi vào hoạt động.
Tối 2/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính có công điện yêu cầu bộ, ngành chức năng cùng địa phương tập trung khắc phục hậu quả sau mưa lũ. Người đứng đầu Chính phủ gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc nhất đến thân nhân gia đình có người bị nạn, chia sẻ với khó khăn, mất mát của đảng bộ, chính quyền và người dân các địa phương.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, đợt mưa lớn xảy ra ở miền Trung những ngày qua do khu vực chịu ảnh hưởng của tổ hợp các hình thái gồm rãnh áp thấp, vùng áp thấp hoạt động mạnh dần có xu hướng dịch chuyển về phía đất liền nước ta và không khí lạnh tăng cường.
Đây là đợt mưa dị thường, vượt kỷ lục cùng kỳ nhiều năm khi so sánh với các đợt mưa từng xảy ra trong tháng 3.